Chống thất thu thuế trong thương mại điện tử



  • Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử thời gian qua đã đặt ra thách thức lớn đối với công tác quản lý thuế. Liên minh châu ÂU (EU) đã quan tâm điều chỉnh chính sách, pháp luật về quản lý thuế đối với thương mại điện tử, nhằm vừa khuyến khích phát triển, vừa chống thất thu thuế và bảo đảm công bằng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ về thuế đối với Nhà nước…
    Xác định đối tượng chịu thuế

    Các quy định pháp luật về thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại các nước EU tuân thủ quy định của Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD). Các cơ quan thuế của nhà nước tập trung xác định đối tượng chịu thuế, giá trị giao dịch nhằm xác định giá trị số thuế phải đóng cho ngân sách nhà nước. Nhằm chọn lọc các website của người nộp thuế không tuân thủ, cơ quan thuế của một số nước EU thực hiện đối chiếu thông tin có nguồn từ internet với thông tin khai thác từ cơ sở dữ liệu nội bộ, gồm các thông tin trên tờ khai thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế xuất, nhập khẩu để từ đó lập hồ sơ phân tích rủi ro về người nộp thuế.

    Tại Đức, Pháp và Hà Lan đã xây dựng các công cụ tìm kiếm thông minh trên internet, từ đó phân loại hoạt động giữa tổ chức và cá nhân có hoạt động kinh doanh trên mạng nhưng không kê khai, nộp thuế.

    Đức sử dụng công cụ Xpider để phát hiện webiste của các tổ chức, cá nhân của Đức có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; nhận diện các hoạt động thương mại điện tử chưa thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật thuế; thu thập và lưu trữ thông tin để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra thuế.

    Pháp sử dụng các công cụ Copernic Agent, Metacrwaler, web srcap để tìm kiếm, thu thập thông tin từ website, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế để phục vụ thanh tra máy tính.

    Công cụ tìm kiếm sẽ tự động phân loại thông tin theo từng mục như ngôn ngữ, đơn vị tiền tệ, mục tiêu kinh doanh, địa chỉ văn phòng, địa chỉ liên lạc, kết nối viễn thông, dữ liệu nhà cung cấp, banner quảng cáo. Quá trình tìm kiếm được tự động hóa, đồng bộ với các địa chỉ liên kết mạng và các trang web với dữ liệu kinh doanh đã được đăng ký thuế.

    Cơ quan thuế của một số nước như Áo, Pháp, Đức, Italy và Thụy Điển đã thành lập các nhóm điều tra đặc biệt nhằm giảm rủi ro liên quan đến internet. Ví dụ, tại Áo, Trung tâm điều tra (Kompetenzzentrum Internet und Cybercime) được thành lập để thu thập thông tin về giao dịch thương mại điện tử toàn cầu.

    Cải tiến thuế giá trị gia tang

    Bên cạnh xác định đối tượng chịu thuế trong thương mại điện tử xuyên biên giới, EU còn cập nhật, cải tiến hệ thống thuế giá trị gia tăng (VAT) nội khối đối với việc mua bán hàng hóa dịch vụ trực tuyến cho phù hợp với tình hình mới. Hệ thống VAT chung đóng vai trò quan trọng trong thị trường đơn nhất của EU, mang lại nguồn thu ngân sách quan trọng cho EU với hơn 1.000 tỷ euro năm 2015, tương đương 7% GDP của toàn khối.

    Ngày 11.12.2018, Ủy ban châu Âu đã công bố các biện pháp cụ thể nhằm dọn đường cho các quy định mới về VAT đối với thương mại điện tử, có hiệu lực từ tháng 1.2021.

    Theo quy định mới được đề xuất, các doanh nghiệp sẽ áp dụng kê khai VAT cho tất cả các nước thành viên EU (VAT One Stop Shop). Cổng điện tử này sẽ cho phép các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên mạng thực hiện nghĩa vụ đóng VAT tại EU đơn giản và dễ dàng hơn. Hiện, người bán hàng trực tuyến phải đăng ký thuế ở tất cả các nước thành viên để bán hàng hóa qua biên giới. Đây được coi là rào cản lớn nhất đối với thương mại điện tử qua biên giới đối với các nghĩa vụ VAT, làm tăng chi phí của doanh nghiệp lên tới 8.000 euro cho mỗi nước áp dụng bán hàng.

    Quy định mới của EU còn giúp đơn giản hóa quy tắc VAT cho các doanh nghiệp siêu nhỏ và khởi nghiệp, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp này phát triển trong nền kinh tế số. Cụ thể, các doanh nghiệp nhỏ sẽ được hưởng lợi từ việc áp dụng cùng quy tắc VAT như áp dụng ở nước họ, cụ thể là về hóa đơn và hạch toán.

    Điểm nổi bật của các quy định mới về VAT là chống gian lận thuế. Với mỗi lô hàng hóa được nhập khẩu vào EU có giá trị thấp hơn 22 euro, doanh nghiệp hiện được miễn VAT. Do đó, với 150 triệu lô hàng nhập mỗi năm vào EU được miễn phí VAT, hệ thống này đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp gian lận. Trong khi đó, các doanh nghiệp ở EU gặp bất lợi trước đối thủ cạnh tranh ngoài khối, vì họ có trách nhiệm áp dụng VAT từ mức tiền đầu tiên. Những hàng hóa có giá trị cao như điện thoại và thiết bị thông minh bị đánh giá thấp hoặc sai mô tả trong giấy tờ nhập khẩu để được hưởng miễn VAT của EU. Do đó, Ủy ban châu Âu sẽ hủy áp dụng mức miễn trừ này.

    Theo quy định mới của EU, hệ thống bán lẻ trên mạng cũng sẽ chịu trách nhiệm thu VAT đối với mỗi giao dịch hàng hóa được thực hiện giữa nhưng công ty nằm ngoài EU với khách hàng ở EU thông qua hệ thống của họ. Báo cáo của EC cho biết, những quy định mới về VAT có thể giúp các nước thành viên EU tránh thất thoát 5 tỷ euro tiền thuế mỗi năm từ thương mại điện tử và con số này có thể tăng lên 7 tỷ euro vào năm 2020.

    Ngọc Khánh