Phân loại vận đơn (B/L) như thế nào?



  • Trong phần tiếp theo về vận đơn, tôi trình bày một số mẫu vận đơn thông dụng cũng như cách phân loại vận đơn theo tính chất và chức năng.

    Phân loại vận đơn dựa vào hàng hóa đã xếp lên tàu hay chưa, vận đơn được chia thành hai loại là vận đơn đã xếp hàng lên tàu và vận đơn nhận hàng để xếp. Vận đơn đã xếp hàng lên tàu (Shipped on Board B/L) là vận đơn được ký phát sau khi hàng hóa đã được xếp lên tàu tại cảng xếp hàng. Ở mặt trước của vận đơn này thường in: “SHIPPED ON BOARD the goods/packages said to contain goods” (hàng hóa đã được xếp lên tàu/các kiện chứa hàng hóa). Vận đơn nhận hàng để xếp lên tàu (Received for Shipment/Received for Carriage) dùng khi hàng hóa chưa được xếp lên tàu. Khi hàng hóa thực sự được xếp lên tàu, người vận chuyển ghi chú thêm trên mặt trước của vận đơn” SHIPPED ON BOARD on…” (Đã được xếp lên tàu ngày). Khi đó Received for Shipment B/L trở thành Shipped on Board B/L.

    Phân loại vận đơn dựa vào khả năng chuyển nhượng (hay còn gọi là khả năng lưu thông), vận đơn chia làm 3 loại: vận đơn theo lệnh, vận đơn đích danh và vận đơn vô danh. Vận đơn theo lệnh (Order B/L) không có tên người nhận hàng trong mục Consignee, thay vào đó là từ “To order” (Theo lệnh). Trường hợp có ghi rõ theo lệnh của ai thì người đó là người được shipper chỉ định phát lệnh trả hàng, ví dụ: “To order of the Military Bank” (Theo lệnh của ngân hàng Quân đội Việt Nam). Trường hợp trên vận đơn chỉ ghi “To order” thì shipper là người phát lệnh trả hàng. Vận đơn theo lệnh có thể chuyển nhượng được bằng cách người có quyền phát lệnh trả hàng kí ở mặt sau (ký hậu). Nếu vận đơn không được ký hậu thì chỉ có người phát lệnh trả hàng mới được nhận hàng từ shipper. Vận đơn đích danh (Straight B/L) là vận đơn mà trên đó ghi rõ tên, địa chỉ của người nhận hàng. Chỉ có người nhận hàng có ghi tên trên vận đơn mới được nhận hàng. Vận đơn đích danh không thể chuyển nhượng được bằng ký hậu. Vận đơn vô danh (Bearer B/L) là vận đơn trên đó ô mục consignee bỏ trống. Người vận chuyển giao hàng cho bất kỳ người nào xuất trình vận đơn cho họ. Vận đơn vô danh chuyển nhượng bằng cách trao tay.

    Phân loại dựa vào ghi chú trên vận đơn, vận đơn chia làm 2 loại: vận đơn hoàn hảo và vận đơn không hoàn hảo. Vận đơn hoàn hảo (Clean B/L) là vận đơn trên đó không có ghi chú của shipper về tình trạng xấu của hàng hóa hoặc sự hư hỏng, khuyết tật của bao bì. Những ghi chú chung chung như: “không biết về trọng lượng, phẩm chất và nội dung bên trong” hay “bao bì dùng lại” không làm mất tính hoàn hảo của vận đơn. Vận đơn không hoàn hảo (Unclean B/L) là vận đơn trên đó ghi về tình trạng xấu của hàng hóa hoặc bao bì bị khuyết tật hoặc bị hư hỏng, ví dụ:” một số bao hàng bị rách vỡ”, “các thùng bị rò rỉ”, “một số kiện hàng bị ướt” hoặc “các bao gạo có côn trùng:…Đặc biệt, vận đơn không hoàn hảo sẽ không được ngân hàng chấp nhận thanh toán tiền hàng.

    Phân loại dựa vào đặc điểm hàng trình vận chuyển, vận đơn chia làm 3 loại: vận đơn đi thẳng, vận đơn đi suốt và vận đơn đa phương thức. Vận đơn đi thẳng (Direct B/L) là vận đơn được sử dụng trong trường hợp hàng hóa được vận chuyển từ cảng xếp hàng đến cảng dỡ hàng bằng một tàu, tức là hàng hóa đi thẳng từ cảng xếp đến cảng dỡ mà không phải chuyển tải dọc đường. Vận đơn đi suốt (Through B/L) là vận đơn được sử dụng trong trường hợp hàng hóa được vận chuyển từ cảng xếp đến cảng dỡ bằng hai hay nhiều tàu của nhiều shipper khác nhau, phải chuyển tải dọc đường. Vận đơn đi suốt có các đặc điểm: có điều khoản cho phép chuyển tải; có ghi rõ cảng xếp, cảng dỡ và cảng chuyển tải; người cấp vận đơn đi suốt chịu trách nhiệm về hàng hóa trên toàn bộ hành trình vận chuyển từ cảng xếp đến cảng dỡ hàng cuối cùng. Vận đơn đa phương thức (Multimodal transport B/L) hay còn gọi là vận đơn vận tải liên hợp (Combined transport B/L) là vận đơn được sử dụng trong trường hợp hàng hóa được vận chuyển từ nơi đi đến đích bằng hai hay nhiều phương thức vận tải khác nhau, tức là nhiều chặng vận chuyển thủy, bộ khác nhau, trong đó có vận chuyển bằng đường biển. Vận đơn vận tải đa phương thức có các đặc điểm: Trên vận đơn ghi rõ nơi nhận hàng để vận chuyển và nơi trả hàng; Trên vận đơn ghi rõ nơi được phép chuyển tải và các phương thức vận tải tham gia vận chuyển hàng hóa. Người cấp vận đơn đa phương thức phải chịu trách nhiệm về hàng hóa trên toàn bộ hành trình vận chuyển hàng hóa.



  • Các loại vận đơn là loại chứng từ quan trọng


Hãy đăng nhập để trả lời