Báo cáo về thị trường chuyển phát nhanh và e commerce



  • Em đang phụ trách nghiên cứu về thị trường chuyển phát nhanh và giao nhận hàng thương mại điện tử.
    Rất mong nhận được các thông tin chia sẻ.
    Cảm ơn diễn đàn.

    #chuyenphatnhanh #ecommerce



  • @MinhHHH bạn ơi, mình cũng đang nghiên cứu chủ đề này, có gì trao đổi nhé



  • Forbes Việt Nam: Các cuộc khảo sát ở nước ngoài cho thấy các công ty sản xuất ở Trung Quốc đang có ý định chuyển nhà máy về Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là lựa chọn hàng đầu. Ông có nhận thấy xu hướng này hay không?

    Huỳnh Quang Hải: Chắc chắn là như vậy. Các doanh nghiệp từ những nước lân cận đang dịch chuyển hoạt động sản xuất hiện tại hoặc đưa phần nhà máy mở rộng sang Việt Nam là ưu tiên hàng đầu. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng nhà đầu tư tới tiếp xúc để mở nhà máy trong khu công nghiệp của chúng tôi tăng gấp đôi. Nhu cầu tăng cao khi họ buộc phải đầu tư ra nước ngoài và chọn Việt Nam là ưu tiên, nhằm tận dụng những ưu thế riêng biệt của Việt Nam trong vấn đề sản xuất để tiết kiệm được chi phí, tận dụng nguồn nhân lực đã có tay nghề cơ bản cũng như tận dụng cơ sở hạ tầng và chi phí logistics ngày càng hiệu quả hơn so với một số nước lân cận. Hầu hết trong số đó là các công ty làm hàng xuất khẩu. Họ cần Việt Nam là một cơ sở mới để xuất khẩu hàng hóa đi, ví dụ hàng may mặc, điện tử, tiêu dùng.

    Forbes Việt Nam: Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp nước ngoài lớn có ý định mở kho hàng ở Việt Nam. Họ có chọn VSIP không?

    Huỳnh Quang Hải: Tôi không thể nói tên nhưng chúng tôi đang làm việc với một số công ty nằm trong tốp đầu về thương mại điện tử trên thế giới để xây dựng tổng kho cho họ. Họ quyết định chọn Việt Nam là một trung tâm bởi vì quy mô đủ lớn và họ làm kho để nhập hàng về bán và mua hàng ở đây bỏ vô kho từ đó xuất đi. Kho đó giống như một e-commercial hub có thể dành cho khu vực Đông Nam Á hoặc dành cho Đông Dương trước tiên. Có doanh nghiệp mở kho ở khu vực lân cận cả Hà Nội và TP.HCM. Diện tích họ cần vào khoảng 30-40 ha, đó là một diện tích lớn nếu so với những công ty thương mại điện tử ở Việt Nam hiện tại. Có công ty muốn triển khai liền. Họ muốn tới năm 2020 phải chính thức hoạt động.

    Forbes Việt Nam: VSIP đang đầu tư dự án mới nào để mở rộng hoạt động?

    Huỳnh Quang Hải: VSIP có bảy dự án đang hoạt động và hai dự án mới đang triển khai là VSIP Bình Dương 3 và VSIP Bắc Ninh 2. Trong đó, dự án VSIP Bình Dương 3 có diện tích gần 1.000 ha, dự án VSIP Bắc Ninh 2 gần 300 ha. Dự án đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng cơ sở và nhà đầu tư cũng đang đăng ký thuê, nhưng chưa xây dựng nhiều. Hai dự án này mới đang trong giai đoạn bắt đầu. Vốn đầu tư của chủ đầu tư cho hai dự án này khoảng vài trăm triệu đô la Mỹ và có khả năng thu hút 150 nhà máy với số vốn từ vài chục triệu đô la.

    VSIP: Việt Nam có thể trở thành tổng kho cho thương mại điện tử trong khu vực - ảnh 1
    Ông Huỳnh Quang Hải là người điều hành hệ thống khu công nghiệp VSIP trên cả nước. Ảnh: Dâng Phạm
    Forbes Việt Nam: Các doanh nghiệp nước ngoài đang chuyển dịch theo cuộc cách mạng 4.0, các khu công nghiệp Việt Nam đang chuẩn bị gì cho xu hướng này?

    Huỳnh Quang Hải: Chúng tôi là nhà xây dựng hạ tầng cơ sở để phục vụ sản xuất công nghiệp, đang làm những bước xây dựng cơ sở phần cứng lẫn phần mềm để phục vụ cho chuỗi cung ứng, để hình thành trung tâm công nghiệp và phục vụ cho các nhà sản xuất để làm sao để từ nơi sản xuất đến nơi xuất khẩu hoặc đến các trung tâm phân phối cho người tiêu dùng với chi phí và thời gian tiết kiệm, cũng giống như phối hợp các nhà sản xuất công nghiệp đào tạo lực lượng lao động có tay nghề tốt hơn.

    Trong giai đoạn mới, chúng tôi kết nối họ với các nhà sản xuất linh kiện trong và ngoài nước để họ tìm kiếm doanh nghiệp cung ứng dễ dàng hơn. Xu hướng phát triển sắp tới là khu công nghiệp thông minh, tức là từ phần cứng tới phần mềm đi theo hướng áp dụng công nghệ mới trong việc xây dựng hạ tầng, cung ứng năng lượng, xử lý chất thải, thời gian và phương tiện kỹ thuật để kết nối doanh nghiệp, tự động liên hệ thông qua ứng dụng điện thoại mà chúng tôi đang xây dựng.

    Forbes Việt Nam: Đứng trước xu hướng đó, Việt Nam có thuận lợi và khó khăn gì?

    Huỳnh Quang Hải: Khi xây dựng khu công nghiệp thông minh, thách thức là con người. Chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đội ngũ có thể hiểu biết được các nước trên thế giới đã thành công hoặc đang áp dụng sản xuất công nghiệp thông minh, hạ tầng khu công nghiệp thông minh để phục vụ các doanh nghiệp cần những gì. Công nghệ chúng ta có thể mua được nhưng con người, cách áp dụng, xử lỳ cũng như cơ chế để hỗ trợ chúng tôi đang nghiên cứu để làm sao hoạt động hiệu quả nhất.

    Forbes Việt Nam: Ông có thể cho biết một vài chiến lược của VSIP để cung ứng được cho các doanh nghiệp sản xuất thông minh?

    Huỳnh Quang Hải: Các khu công nghiệp mới của VSIP đang được thiết kế và xây dựng theo mô hình thông minh hơn, từ hạ tầng cơ sở để làm hiệu quả hơn, nguồn năng lượng ổn định hơn. Chúng tôi đang kết hợp với đối tác từ Singapore, Nhật Bản để áp dụng công nghệ quản trị, vận hành, cung cấp điện, xử lý chất thải, cung cấp nước sạch, thu gom rác. Tất cả quy trình được làm hiệu quả nhất và tiết kiệm chi phí nhất cho doanh nghiệp. Đồng thời phối hợp với các đối tác về logistics và chuỗi cung ứng để gom hàng trong khu công nghiệp chuyển ra cảng hoặc các trung tâm tập kết hàng để đưa hàng về cảng, làm sao để doanh nghiệp không mất nhiều thời gian và tiết kiệm được chi phí. Chúng tôi cũng kết nối với doanh nghiệp trong một ứng dụng điện thoại để các doanh nghiệp tự liên lạc với nhau, để họ biết được trong các khu công nghiệp của chúng tôi, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cụ thể gì để họ không vất vả đi tìm.

    Forbes Việt Nam: Trong phiên thảo luận tại Diễn đàn Horasis châu Á 2018, ông có đề cập tới thương mại điện tử xuyên quốc gia. Theo ông, làm cách nào để thương mại điện tử xuyên suốt giữa các quốc gia?

    Huỳnh Quang Hải: Phải có chính sách một cửa liên kết hải quan, cảng hàng không quốc tế, kho trữ hàng. Tức là, hàng hóa nhập vào đi thẳng về kho. Tại kho đó, có hải quan, mở ra tại chỗ thì công ty đó sẽ không phải đi khai từng loại hàng hóa. Tức là hàng kéo thẳng tới các kho ngoại quan và có hải quan tại chỗ và hàng đó được cơ quan quản lý liên kết lại, thì lúc đó hàng thương mại điện tử mới chạy nhanh hơn. Thương mại điện tử xuyên biên giới hiện nay là phải làm từng tờ khai cho từng đơn hàng một. Tuy nhiên hiện đã có một số nơi đang thử nghiệm, phải có sự liên kết và được phê duyệt từ tổng cục Hải quan và bộ Tài chính.



  • Bùng nổ cuộc đua giao hàng, đồ ăn trực tuyến
    Thị trường giao hàng, đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam đang đón nhận sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư sừng sỏ.

    Gần đây, Hà Nội liên tiếp đón thêm các hãng công nghệ cung cấp dịch vụ giao nhận hàng hoá, đồ ăn. Sau một năm hoạt động tại TP HCM, Lalamove vừa gia nhập thị trường Thủ đô sáng nay (3/10). Hôm qua, Grab cũng chính thức cung cấp dịch vụ giao nhận đồ ăn (GrabFood) tại Hà Nội sau một thời gian thử nghiệm. Trước đó, Go Việt - đối tác chiến lược của "ông lớn" trong lĩnh vực đi chung xe Indonesia Go Jek ra mắt cùng lúc dịch vụ xe ôm công nghệ (Go Bike) và giao hàng (Go Send) với sự tham dự của Tổng thống Joko Widodo hồi giữa tháng 9.

    Lĩnh vực giao đồ ăn, hàng hoá trực tuyến tại Việt Nam đang dần trở thành miếng bánh "béo bở". Trước khi bước chân vào thị trường Hà Nội, Lalamove đã có kinh nghiệm 5 năm hoạt động tại 112 thành phố, ở 7 quốc gia châu Á. "Đến năm 2020, Việt Nam sẽ có hơn 50 triệu khách hàng mua sắm trực tuyến. Đây là một thị trường lớn với các hãng cung cấp dịch vụ giao nhận tức thời", ông Philippe Rambaud - Trưởng bộ phận phát triển thị trường Hà Nội của đơn vị này nhận định.

    Riêng với thị trường đặt món trực tuyến, theo một báo cáo của Euromonitor, lĩnh vực này ở Việt Nam có giá trị khoảng 33 triệu USD vào năm nay và dự báo đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020. Bởi vậy, ngày càng có nhiều doanh nghiệp muốn được chia phần.

    Ông Nguyễn Đức Lợi - Giám đốc điều hành Lalamove Việt Nam đặt mục tiêu có 10.000 đối tác tài xế giao hàng thường xuyên, với thu nhập trung bình 7 triệu đồng mỗi tháng vào đầu năm sau. Doanh nghiệp này cho biết, lợi thế cạnh tranh so với các đơn vị cung cấp dịch vụ tương tự trên thị trường ở mảng vận chuyển hàng hoá là có cả ôtô, sau là xe để chở các loại hàng hoá cồng kềnh.

    Trong khi đó, Jerry Lim - Giám đốc điều hành Grab Việt Nam cho biết, GrabFood tăng trưởng ấn tượng sau một tháng thử nghiệm tại Hà Nội khi số lượng đối tác kinh doanh dịch vụ này với Grab đã tăng trưởng gấp 8 lần. Đồng thời, nhờ việc giao thêm hàng hoá, đồ ăn, thu nhập các tài xế Grab đã tăng thêm 20% so với tháng 8.

    Dịch vụ giao đồ ăn được Grab chính thức triển khai tại Hà Nội từ tháng 10.

    “GrabFood là bước phát triển quan trọng tiếp theo của Grab nhằm trở thành siêu ứng dụng đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày của người dân. Cách các dịch vụ kết nối và bổ trợ lẫn nhau đang cho phép chúng tôi xây dựng một hệ sinh thái mang đến những lợi ích thiết thực không chỉ cho khách hàng, tài xế mà còn cho các đối tác kinh doanh và giao nhận", Giám đốc điều hành Grab tại Việt Nam chia sẻ.

    Cùng chung mục tiêu phát triển thành một siêu ứng dụng như Grab, nhưng Go Viet hiện mới chỉ cung cấp dịch vụ giao hàng Go Send. Doanh nghiệp này cũng đặt kế hoạch ra mắt dịch vụ giao đồ ăn tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất, dự kiến vào cuối năm nay. Tại thị trường Indonesia, Go Jek đã hợp tác với hơn 250.000 tiệm ăn. Năm ngoái, dịch vụ Go Send của hãng công nghệ này đã phân phối hơn 800.000 sản phẩm thời trang và 2,3 triệu mặt hàng đồ ăn cho 203.000 cửa hàng trực tuyến quy mô nhỏ.

    Dù ồ ạt đổ bộ lĩnh vực giao đồ trực tuyến với tham vọng lớn, ba tân binh kể trên vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi hiện diện muộn hơn các thương hiệu đã được nhiều người biết đến như Delivery Now (tức Foody) và Vietnammm. Bên cạnh đó, khá nhiều tài xế cũng còn e ngại phải ứng tiền trước cho bên gửi hàng và có khả năng chịu rủi ro khi người dùng không nhận hàng hoá, món ăn. Ví dụ, Lalamove hiện áp dụng chính sách để tài xế ứng tiền, mua hộ tối đa lên đến 3 triệu đồng tại TP HCM và 2 triệu đồng tại Hà Nội.

    Về phía các cửa hàng, một số đơn vị cũng chưa coi trọng việc bán, giao hàng qua ứng dụng của bên thứ ba. Trao đổi với VnExpress, đại diện một chuỗi cửa hàng trà sữa ở Hà Nội nói, doanh thu chủ yếu vẫn đến từ kênh bán hàng trực tiếp và đặt, giao hàng qua số điện thoại, ứng dụng của chính cửa hàng. Thời gian tiếp nhận và giao đơn hàng của hệ thống này vẫn nhanh hơn qua ứng dụng của bên thứ ba. Vị này cho biết, khi ngày càng có nhiều hãng cung cấp dịch vụ giao hàng, yếu tố mà doanh nghiệp quan tâm nhất là chính sách hỗ trợ và chiết khấu.

    Trong bối cảnh cuộc đua giao hàng trực tuyến nóng lên, khách hàng sẽ ngày càng được hưởng lợi, có thêm nhiều lựa chọn khi các hãng đua cạnh tranh bằng cách tung khuyến mại, nâng cao chất lượng dịch vụ... để giành thị phần. Đại diện các hãng như Grab, Go Viet hay Lalamove đều khẳng định, cạnh tranh là tốt cho thị trường, người tiêu dùng, cũng như bản thân doanh nghiệp. Lãnh đạo một trong ba đơn vị này còn cho rằng thị trường Việt Nam sẽ có thêm nhiều đối thủ trong thời gian tới.

    Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng dự báo, sự bùng nổ này sẽ sớm châm ngòi cuộc chiến giữa các hãng giao hàng công nghệ với các doanh nghiệp truyền thống trong lĩnh vực này như Uber, Grab với taxi truyền thống trước đây.

    Anh Tú



  • Nhận xét từ một người có KD qua mạng: Chưa có một dịch vụ chuyển phát nhanh nào hoàn hảo ở VN! nhu cầu của người dùng CPN là như sau: -

    Chuyển đúng hẹn : Tiền thanh toán là chuyển phát nhanh từ 24 đến 48 tiếng, nhưng nhiều lần đơn hàng chuyển đến hơn 10 ngày,
    Chi phí thấp : Có đơn vị giá không cao, nhưng tìm mọi cách ép người dùng trả chi phí đóng gói của họ, có khi lên đến 50% giá chuyển phát, mà nhiều khi đó chỉ là mấy cục sắt ! Khi chuyển phát chậm bị khách hàng trả lại, họ vẫn tính luôn phí vận chuyển chiều về !

    **Có thu hộ :**Tránh né điều này là mất đi một lượng khách hàng lớn.
    Chuyển đến vùng xa thành phố: Nhiều Cty CPN chỉ nhận chuyển đến các thành phố lớn, nhưng quảng cáo từa lưa, làm rất tốn tiền điện thoại.

    Dịch vụ hậu mãi tốt: Nhiều đơn vị có chương trình cho phép theo dõi người sử dụng dịch vụ biết trước giá cả, theo dõi được hành trình hàng hóa, mau chóng phản hồi khi có khiếu nại, trả lời trung thực, và miễn phí cho khách hàng khi hàng trể nãi v.v... là giữ chân được người sử dụng.
    Hiện nay nhiều đơn vị CPN chỉ có cái bảng hiệu, thực chất là họ... gửi qua các dịch vụ khác đã tính phí cao, lại còn cù nhây khi bị khách hàng khiếu nại. Một số đơn vị thực chất chỉ có... nửa đường, sau đó là nhờ sang đơn vị khác chuyển hộ, và đây là điều đau khổ nhất đối với người gửi vì trễ hạn đối với khách hàng. Chưa tìm thấy đơn vị CPN nào thực sự ổn định, có Cty ban đầu rất tốt, càng về sau càng cù nhây !



  • Giao hàng nhanh cạnh tranh khốc liệt
    Dù tỷ suất sinh lời thấp, thậm chí có đơn vị phải phá sản, mức tăng trưởng của ngành chuyển phát nhanh vẫn trên 30%.

    Bùng nổ cuộc đua giao hàng, đồ ăn trực tuyến

    Hợp tác với Lazada từ năm 2012, VNPost đặt bút ký "nâng tầm" mối quan hệ lên hàng "chiến lược" với hãng thương mại điện tử này hồi giữa tháng 8/2018. Mối quan hệ này được đánh giá là có lợi cho cả đôi bên, khi mà Lazada đang hoạt động sôi nổi và VNPost sở hữu được khách hàng lớn.

    "Tôi hy vọng trong tương lai, việc hợp tác lâu dài sẽ là bước tiến để công ty vượt qua những rào cản về mặt địa lý và thách thức về niềm tin", ông Fabian Wandt - Tổng giám đốc LEL Việt Nam thuộc Lazada nói khi ấy.

    Với mạng lưới giao nhận phủ 63/63 tỉnh thành phố, năng lực phát hàng đứng đầu về quy mô, đội ngũ bưu tá và nhân viên đến 18.000 người, VNPost hưởng lợi khá nhiều trong mảng chuyển phát nhờ thương mại điện tử tăng tốc. Tuy nhiên, phần còn lại của thị trường không êm đềm như thế. Đầu tháng trước, công ty Chuyển phát nhanh G.N.N (GNN Express) phải tạm dừng hoạt động vì "không còn đủ khả năng tài chính". Công ty nợ khách 5 tỷ đồng tiền thu hộ.

    GNN Express là cú "lao đao" mới nhất trong thị trường chuyển phát, vốn tăng trưởng đang khá nóng nhưng cũng quá nhiều anh tài. Theo StoxPlus, 3 năm qua, các công ty dịch vụ chuyển phát nhanh có mức tăng trưởng trên 30% cùng với sự tham gia mạnh mẽ từ các nhà cung cấp trong nước để đáp ứng nhu cầu thanh toán khi nhận hàng (COD).

    Tương tự các ngành dịch vụ khác như thương mại điện tử, giao thức ăn hay gọi xe, cuộc chiến giao hàng nhanh cũng đang chứng kiến cảnh đốt tiền giành thị phần. Theo đó, người mới đua nhau giảm giá dịch vụ để giành khách, người cũ đổ tiền để giữ "thế lực".

    Một số công ty đáng chú ý như Giao Hàng Nhanh, Giao Hàng Số 1, Giao Hàng Ong Vàng... có xu hướng đẩy mạnh bán hàng bằng cách giảm giá, giá rẻ và phục vụ nhu cầu giao hàng nội thành tại các thành phố lớn.

    Trong khi các công ty như DHL, TNT Express, FedEx... tiếp tục tăng cường sự hiện diện tại thị trường thương mại điện tử bằng cách giới thiệu các dịch vụ chuyên biệt hay thành lập công ty con mới tại nhiều tỉnh thành. Các tên tuổi lớn như VNPost và ViettelPost thì đầu tư vào hệ thống xe tải và kho bãi mới.

    Đáng chú ý, sự xuất hiện của nền tảng kỹ thuật số như Grab, Lalamove hay Ahamove, với những lợi thế về linh hoạt cùng với hàng nghìn tài xế đang là nhân tố thúc đẩy sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực dịch vụ chuyển phát nhanh.

    "Phân tích cho thấy bên cạnh trạng thái thanh khoản ổn định và chu kỳ tiền mặt tốt, các công ty dịch vụ chuyển phát nhanh có tỷ suất sinh lời khá thấp là do quản lý chi phí kém trong giai đoạn khảo sát", chuyên gia phân tích Linh Trần của StoxPlus nhận xét.

    Để tồn tại, một số tên tuổi nhỏ hơn chọn con đường đầu tư vào công nghệ hay sáng tạo các dịch vụ đặc thù để tồn tại. Có công ty tận dụng công nghệ máy học, phân tích dữ liệu để dự báo tình trạng giao thông. Có công ty tung trọn gói dịch vụ làm website, tiếp thị, giao hàng để tiếp cận phân khúc cửa hàng online nhỏ lẻ.

    "Về triển vọng lâu dài, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử sẽ thúc đẩy nhu cầu cao về việc giao hàng nhanh chóng cho số lượng đơn đặt hàng nhỏ và thường xuyên", bà Linh Trần nói.

    Đến năm 2025, theo nghiên cứu của Google & Temasek, Việt Nam sẽ có thị trường thương mại điện tử trị giá 7,5 tỷ USD. Theo VECOM, sự tăng trưởng doanh số thương mại điện tử đạt 25% trong năm 2017, và tỷ lệ này dự kiến duy trì trong thời gian ngắn (2018 - 2020).

    Các nhà bán lẻ thiết bị gia dụng hàng đầu đã cải thiện đáng kể về tỷ trọng doanh số bán hàng trực tuyến. Ví dụ Thế Giới Di Động từ 6,5% năm 2015 lên 12,3% trong nửa đầu năm 2018; FPT Retail từ 6% năm 2014 lên 16% trong nửa đầu năm 2018.

    Ngoài ra, dù các công ty hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử như Lazada, Shopee hay Tiki đều có đội ngũ giao hàng riêng vẫn phải đối mặt với nhu cầu cao của việc giao hàng tận nơi trong khu vực đô thị. Do vậy, Shopee vẫn liên kết với Giaohangnhanh và Giaohangtietkiem hoăc Sendo hợp tác với Ahamove để đáp ứng nhu cầu.



  • Theo báo cáo mới nhất của VNDirect, Viettel Post là doanh nghiệp có thị phần thứ hai và tăng trưởng nhanh nhất ngành. Trong 5 năm gần đây, Viettel Post có tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân 52,6%/năm, doanh thu tăng gấp 8 lần trong vòng 5 năm qua.
    Bắt đầu từ đầu năm 2016, tại các khu dân cư đông đúc ở các thành phố lớn, người ta nhận ra những cửa hàng mang logo xanh vàng của Tổng Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã mọc lên rất nhanh. Đó là năm mà Viettel Post chuyển mình mạnh mẽ, bùng nổ về số bưu cục và nhanh chóng vươn lên vị trí Top 2 thị trường Việt Nam trong lĩnh vực chuyển phát nhanh.

    Đến năm 2018, Viettel Post ghi nhận một sự chuyển mình mới khi ngày 23/11 tới đây, Tổng công ty sẽ chính thức đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM với mã chứng khoán là VTP.

    Vậy “Ông lớn” ngành chuyển phát này đang sở hữu những gì trong tay?

    Mạng lưới 1.300 bưu cục phủ kín 63 tỉnh thành trên cả nước

    Viettel Post đang sở hữu mạng lưới rộng khắp cả nước bao gồm 1.300 bưu cục, 17.000 cán bộ công nhân viên và hơn 500 xe ô tô các loại phục vụ cho việc vận chuyển bưu phẩm và hàng hóa đến mọi vùng miền. Vào cuối năm 2018, Viettel Post bắt đầu tiếp nhận và triển khai dịch vụ bưu chính tại 1.000 cửa hàng trực tiếp và hơn 6.000 điểm giao nhận. Số lượng cửa hàng tăng lên trung bình năm (CAGR) từ 2013-2018 là 67,59% Theo nghiên cứu của VNDirect, tổng số điểm giao nhận (bao gồm cả bưu cục và điểm giao nhận) của Viettel Post hiện nay đang đứng thứ hai trên thị trường. Dự kiến, với sự mở rộng nhanh chóng, cùng triết lý “mạng lưới đi trước, kinh doanh đi sau”, Viettel Post sẽ thu hẹp khoảng cách so với mạng bưu chính của hãng chuyển phát có thị phần dẫn đầu toàn ngành và vượt xa các start-up khác trong cùng lĩnh vực.

    Một lợi thế cạnh tranh của Viettel Post là hệ thống trung tâm khai thác chia chọn tự động trải dài khắp 3 miền. Nhờ hệ thống này, từ dây chuyền cần tới 30 người thường xuyên túc trực, hiện nay, công đoạn chia chọn bưu kiện tại các trung tâm khai thác của Viettel Post chỉ cần 4 nhân viên hỗ trợ, giảm đến 86% nhân lực.

    Doanh nghiệp chuyển phát tiên phong trong kỷ nguyên công nghệ số 4.0

    Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay những doanh nghiệp chuyển phát lớn có tiềm lực tài chính thường tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư vào cơ sở vật chất và đào tạo nhân viên. Trong khi đó, những công ty start-up tập trung vào phát triển công nghệ ứng dụng vào hoạt động kinh doanh, tuy nhiên lại gặp hạn chế về cơ sở hạ tầng và số lượng nhân viên phục vụ.

    Viettel Post là doanh nghiệp “truyền thống” đầu tiên vừa chú trọng đầu tư hạ tầng nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ cung ứng nhanh, chính xác lại vừa đầu tư vào công nghệ nhằm mang đến trải nghiệm người dùng thân thiện và tiện ích hơn.

    Một số các ứng dụng được khách hàng đánh giá cao, có thể kể đến như Ứng quản lý đơn hàng mang tên ViettelPost chuyển phát nhanh, phần mềm quản lý bán hàng đa kênh VTSale, là ứng dụng quản lý bán hàng tại chuỗi cửa hàng VTPOS, ứng dụng hỗ trợ bán hàng trên facebook và các trang mạng xã hội VTSocial…

    Viettel Post cũng xây dựng ứng dụng tạo website chuyên nghiệp mang tên VTWeb. Thay vì phải thuê một đơn vị khác thiết kế và xây dựng website với chi phí cao, chủ cửa hàng đã có thể tự tạo và làm chủ website mang thương hiệu riêng của mình.

    Viettel Post chuẩn bị cho ra mắt ứng dụng tích hợp sàn thương mại điện tử. Ứng dụng này hỗ trợ kết nối bán hàng với các sàn thương mại điện tử như Lazada, Adayroi, Tiki, đồng bộ thông tin sản phẩm, tồn kho và đơn hàng.

    Doanh nghiệp tiên phong đầu tư phát triển dịch vụ chuyển phát ra thị trường nước ngoài

    Từ năm 2009 đến nay, ngoài thị trường Việt Nam, Viettel Post đã phát triển dịch vụ bưu chính và logistics tại Campuchia và Myanmar. Tại thị trường Campuchia, Viettel Post đã có mặt tại 24/24 tỉnh/thành, đảm nhiệm 100% chu trình vận chuyển, giao nhận.

    Đây là hai thị trường có tiềm năng phát triển về logistics và Thương mại điện tử rất lớn khi mà nhu cầu mua sắm online và sử dụng dịch vụ vận chuyển của người dân đang tăng cao. Trong khi đó, có rất ít doanh nghiệp được chính phủ cấp phép hoạt động trong ngành chuyển phát, với Campuchia là 25 công ty còn Myanmar chỉ có 6 công ty.

    ViettelPost chuyển phát nhanh là ứng dụng quản lý đơn hàng giúp người nhận dễ dàng tạo đơn hàng và tra cứu chính xác hành trình hàng hóa mà mình đã đặt. Ứng dụng này còn cho phép người sử dụng theo dõi các chỉ số đơn hàng và tài chính như doanh thu, tiền cước bằng cách cập nhật, thống kê số lượng và tình trạng đơn hàng một cách chi tiết.

    VTSale là Phần mềm quản lý bán hàng đa kênh, dần trở thành công cụ đắc lực cho chủ cửa hàng, đặc biệt những cửa hàng nhỏ lẻ và bán hàng trực tuyến. Phần mềm tạo ra một hệ sinh thái gồm nhiều ứng dụng khác nhau phục vụ cho người bán, từ mở rộng bán hàng đa kênh qua facebook, sàn thương mại điện tử, cửa hàng truyền thống, cho đến quản lý khách hàng và đối tác, quản lý nhân viên, báo cáo chi tiết tính hiệu quả và tạo quyết định kinh doanh.

    VTPOS là Ứng dụng quản lý bán hàng tại chuỗi cửa hàng giúp hỗ trợ quản lý đầy đủ thông tin sản phẩm, bảng giá, tồn kho, tạo nhiều đơn hàng nhanh chóng cùng lúc, hỗ trợ kiểm soát thu chi công nợ chặt chẽ và đồng bộ thông tin giữa các cửa hàng theo thời gian thực.

    VTSocial là ứng dụng hỗ trợ bán hàng trên facebook và các trang mạng xã hội, nhằm giúp cho người bán có thể quản lý tất cả các trang mạng xã hội cùng lúc trên một công cụ duy nhất.


Hãy đăng nhập để trả lời