Các trường hợp sai sót nhỏ được chấp nhận trên CO



  • Các trường hợp sai sót nhỏ được chấp nhận trên CO

    Câu hỏi: Xin tư vấn giúp chúng tôi các trường hợp sai sót nhỏ được chấp nhận trên CO nhập khẩu. Lô hàng của chúng tôi có màu mực giữa các ô có sự khác biệt. Xin chân thành cảm ơn!

    Trả lời:

    Theo thông tư số 38/2018/TT-BTC hướng dẫn quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

    Tại khoản 6, điều 15 có quy định các trường hợp sai sót nhỏ (khác biệt nhỏ) sẽ được cơ quan hải quan xem xét chấp nhận CO.

    Cụ thể:

    Điều 15. Kiểm tra nội dung trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa

    Các trường hợp khác biệt nhỏ không ảnh hưởng đến tính hợp lệ của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa:
    Cơ quan hải quan chấp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp có sai sót nhỏ hoặc khác biệt nhỏ giữa nội dung khai trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa với các chứng từ khác thuộc hồ sơ hải quan nếu những sai sót, khác biệt này phù hợp với thực tế hàng hóa nhập khẩu, gồm:
    a) Lỗi chính tả hoặc đánh máy không làm thay đổi nội dung khai trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa;
    b) Khác biệt trong cách đánh dấu tại các ô trên C/O: đánh dấu bằng máy hoặc bằng tay, đánh dấu bằng “x” hay “√”;
    c) Khác biệt nhỏ giữa chữ ký trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa và chữ ký mẫu;
    d) Khác biệt về đơn vị đo lường trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa và các chứng từ khác thuộc hồ sơ hải quan (như tờ khai hải quan, hóa đơn, vận tải đơn);
    đ) Sự khác biệt giữa khổ giấy của C/O nộp cho cơ quan hải quan với mẫu C/O theo quy định;
    e) Sự khác biệt về màu mực của các nội dung khai trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa;
    g) Sự khác biệt nhỏ trong mô tả hàng hóa trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa và các chứng từ khác;
    h) Sự khác biệt mã số trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa với mã số trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu nhưng không làm thay đổi bản chất xuất xứ hàng hóa và hàng hóa thực tế nhập khẩu phải phù hợp với mô tả hàng hóa trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa;
    i) Các khác biệt nhỏ khác theo thỏa thuận tại Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên được Tổng cục Hải quan thông báo.

    Do vậy, nếu trên CO của doanh nghiệp thể hiện khác màu mực nhưng không làm ảnh hưởng gì tới bản chất xuất xứ hàng hóa thì được xem xét chấp nhận.



  • CO có lỗi chính tả được sửa đổi và đóng dấu có được chấp nhận?
    CO có lỗi chính tả được sửa đổi và đóng dấu
    Câu hỏi: Chúng tôi có nhập khẩu 1 lô hàng từ Trung Quốc nhưng CO có lỗi chính tả được sửa đổi và đóng dấu. Tuy nhiên khi xuất trình thì cơ quan hải quan đã bác không chấp nhận CO form E này. Vậy điều này có đúng không? Xin cảm ơn

    Trả lời:

    Hiện nay, việc cấp CO form E và kiểm tra CO form E đều thực hiện theo thông tư 36/2010/TT-BCT.

    Trong đó, tại Điều 10 phụ lục 2 của thông tư 36/2010/TT-BCT hướng dẫn thực hiện hiệp định ACFTA có quy định về cấp CO form E:

    Điều 10.

    Không được phép tẩy xóa hoặc viết thêm lên C/O mẫu E. Mọi sửa đổi phải được thực hiện bằng cách gạch bỏ chỗ có lỗi và bổ sung các thông tin cần thiết. Tất cả những thay đổi này phải được chấp thuận bởi người có thẩm quyền ký C/O mẫu E và được Tổ chức cấp C/O tương ứng chứng nhận bằng con dấu chính thức hoặc con dấu sửa lỗi sai (nếu có). Các phần còn trống phải được gạch chéo để tránh điền thêm.

    Do đó, theo quan điểm trên thì nếu CO có lỗi sai thì có thể được phép gạch phần sai phải được gạch bỏ. Doanh nghiệp bổ sung phần sửa đổi và có con dấu xác nhận của tổ chức cấp CO lên phần sửa đổi (có thể bằng dấu Correction).

    Vậy khi CO có lỗi chính tả được sửa đổi, doanh nghiệp có thể tham khảo và giải thích các thông tin đầy đủ cho cơ quan hải quan để được hướng dẫn chi tiết hơn.



  • Khác biệt về HS code trên CO và tờ khai hải quan
    Khác biệt về HS code trên CO và tờ khai hải quan
    Một trong những trường hợp hay gặp nhất với các lô hàng nhập khẩu đó là sự khác biệt về HS code trên CO và tờ khai hải quan.

    Cụ thể, trên ô số 7 của CO thể hiện 1 mã HS code, nhưng khi doanh nghiệp nhập khẩu khai báo hải quan theo biểu thuế xuất nhập khẩu Việt Nam lại theo mã HS code khác. Vậy đây có phải là tiêu chí để bác CO?

    Sự khác biệt này đã được liệt kê ra tại các điều sau:

    Điều 26 thông tư 38/2015/TT-BTC.
    Căn cứ Điểm c Khoản 2 Điều 26 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định:

    “Điều 26. Kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

    ..2. Đối với hàng hóa nhập khẩu
    c) Cơ quan hải quan chấp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ trong trường hợp có khác biệt nhỏ, không ảnh hưởng đến tính hợp lệ của chứng từ chứng nhận xuất xứ và bản chất xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu, bao gồm:

    c.1) Lỗi chính tả hoặc đánh máy;


    c.8) Sự khác biệt mã số trên C/O với mã số trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu nhưng không làm thay đổi bản chất xuất xứ hàng hóa.

    …..
    g) Trường hợp nội dung thông tin trên chứng từ chứng nhận xuất xứ không phù hợp với bộ hồ sơ hải quanvà các quy định về kiểm tra xuất xứ hàng nhập khẩu hoặc chữ ký, dấu trên chứng từ chứng nhận xuất xứ không phù hợp với mẫu chữ ký, mẫu dấu lưu tại cơ quan hải quan, trừ các trường hợp quy định tại điểm c khoản này, cơ quan hải quan yêu cầu người khai hải quan giải trình, cung cấp thêm tài liệu để chứng minh xuất xứ hàng hoá. Nếu nội dung giải trình và tài liệu cung cấp phù hợp thì chấp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ.

    Trường hợp cơ quan hải quan đủ cơ sở để xác định chứng từ chứng nhận xuất xứ không phù hợp thì đình chỉ việc áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt và tính thuế theo mức thuế suất MFN hoặc thuế suất thông thường.

    Khi làm thủ tục hải quan, nếu có nghi vấn về tính hợp lệ của chứng từ chứng nhận xuất xứ nhưng chưa đủ cơ sở để từ chối thì cơ quan hải quan tạm tính thuế theo mức thuế suất MFN hoặc thuế suất thông thường và tiến hành xác minh theo quy định tại khoản 3 Điều này.

    Do vậy, trong trường hợp có sự khác biệt về mã HS trên C/O với mã HS trên tờ khai, cơ quan hải quan căn cứ tên hàng hóa, mã HS khai báo, mô tả hàng hóa trên tờ khai hải quan, C/O, các chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan, kết quả kiểm tra hàng hóa (nếu hàng hóa thuộc điện kiểm tra hoặc trong trường hợp cần kiểm tra phục vụ xác minh xuất xứ), tiêu chí xuất xứ trên C/O, nội dung giải trình và tài liệu cung cấp của doanh nghiệp (nếu có) hoặc kết quả xác minh C/O (trong trường hợp cần xác minh) … để xác định tính hợp lệ của C/O.

    Trường hợp sự khác biệt về mã HS không làm thay đổi chất xuất xứ hàng hóa thì cơ quan hải quan xem xét, chấp nhận C/O. Trường hợp cơ quan hải quan có cơ sở xác định hàng hóa trên C/O không phải là hàng hóa nhập khẩu theo khai báo thì cơ quan hải quan không xem xét chấp nhận tính hợp lệ của C/O.
    Khoản h, điều 15 thông tư 38/2018/TT-BTC
    h) Sự khác biệt mã số trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa với mã số trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu nhưng không làm thay đổi bản chất xuất xứ hàng hóa và hàng hóa thực tế nhập khẩu phải phù hợp với mô tả hàng hóa trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa;

    Chi tiết hơn, các bạn có thể xem các công văn hướng dẫn cho trường hợp này.

    Công văn 1079/GSQL-GQ4
    Khác biệt HS code trên CO
    Trả lời công văn số 931/HQHN-GSQL ngày 2/4/2018 của Cục Hải quan TP. Hà Nội vướng mắc về sự khác biệt giữa mã số HS trên C/O với mã số HS trên tờ khai hải quan của Công ty CP Vineco và Công ty BCT Quốc tế. Về vấn đề này, Cục Giám sát quản lý về Hải quan có ý kiến như sau:

    Việc khác biệt mã số HS trên C/O với mã số HS trên tờ khai hải quan được quy định tại Điều 26 Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo đó, cơ quan Hải quan cần căn cứ thông tin khai báo về tên hàng hóa, mã số HS, mô tả hàng hóa khai trên tờ khai hải quan, C/O, các chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan, kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa (nếu hàng hóa thuộc đối tượng phải kiểm tra thực tế hoặc trong trường hợp cần kiểm tra để phục vụ việc xác minh xuất xứ) để xác định tính hợp lệ của C/O.

    Trường hợp khác biệt mã số HS trên C/O với mã số HS khai báo không ảnh hưởng đến bản chất hàng hóa nhập khẩu thì cơ quan Hải quan có thể xem xét chấp nhận tính hợp lệ của C/O. Trường hợp cơ quan hải quan có cơ sở xác định hàng hóa nhập khẩu trên C/O không phải là hàng hóa nhập khẩu theo khai báo thì cơ quan hải quan không xem xét chấp nhận tính hợp lệ của C/O.

    Cục Giám sát quản lý về Hải quan trả lời để đơn vị biết và thực hiện./.

    Công văn 1652/GSQL-GQ4
    Khác biệt HS code trên CO
    Công văn số 540/GSQL-GQ4
    khác biệt HS code trên CO
    HS code hàng hóa trên CO khác HS code hàng hóa thực nhập
    Tuy nhiên, nếu hàng hóa khác hẳn bản chất (HS code và hàng hóa trên CO khác hẳn HS code hàng hóa thực nhập) thì CO sẽ bị bác.
    Tổng cục hải quan đã có công văn số 3318/GSQL-GQ4 giải thích vấn đề này.

    khác biệt mã HS trên CO

    Hi vọng với bài viết trên, các doanh nghiệp đã có thể tự tin hiểu về CO hơn. Nhất là trường hợp khác biệt HS code trên CO và HS code trên tờ khai hải quan.



  • Khác biệt về trị giá FOB và CIF trên CO
    Trong một số trường hợp, sự khác biệt về trị giá FOB và CIF trên CO cũng là một yếu tố khiến CO của lô hàng bị kiểm tra kỹ.

    Doanh nghiệp lo lắng là nếu trên CO thể hiện nhầm giá trị CIF thay vì phải thể hiện giá FOB thì có bị bác CO hay không.

    Tổng cục hải quan đã có công văn số 978/GSQL-TH trả lời công văn số 2544HQHCM-GSQL ngày 14/7/2014 của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh về vướng mắc C/O mẫu E.

    Cục Giám sát quản lý về Hải quan có ý kiến như sau:

    Đối với C/O mẫu E có số tham chiếu E14470ZC46550009 ngày 16/6/2014, Tổng cục Hải quan sẽ gửi văn bản yêu cầu cơ quan cấp C/O xác minh C/O mẫu E dẫn trên và thông báo khi có kết quả xác minh.
    Đối với C/O mẫu E có số tham chiếu E14470ZC38510585 ngày 19/5/2014.

    Theo báo cáo của đơn vị thì trị giá ghi tại ô số 9 trên C/O mẫu E bằng với trị giá ghi trên hóa đơn thương mại (CIF). Sự khác biệt này không làm ảnh hưởng đến tính hợp lệ của C/O nếu các tiêu chí khác trên C/O phù hợp với bộ chứng từ trong hồ sơ hải quan, thực tế hàng hóa (nếu hàng hóa phải kiểm tra thực tế) và cơ quan Hải quan không có nghi ngờ nào khác về xuất xứ lô hàng.

    Cục Giám sát quản lý về Hải quan trả lời để đơn vị biết và thực hiện./.



  • Tích tay vào ô Issued Retroactively trên CO
    Tích tay vào ô Issued Retroactively trên CO
    Khi CO được cấp sau 3 ngày kể từ ngày tàu chạy thì trên CO sẽ được đóng dấu hoặc tích Issued retroactively. Vậy có thể tích tay vào ô Issued retroactively trên CO hay phải tích máy?

    Trả lời vấn đề này, Tổng cục hải quan có công văn số 37/GSQL-TH giải đáp chi tiết:

    Tích tay ô Issued retroactively

    Kính gửi: Cục Hải quan tỉnh Đắk Lắk.

    Trả lời công văn số 1277/HQĐL-NV ngày 16/12/2015 của Cục Hải quan tỉnh Đắk Lắk về việc vướng mắc C/O mẫu E và AK, Cục Giám sát quản lý về Hải quan có ý kiến như sau:

    Về vướng mắc C/O mẫu AK:
    – Căn cứ quy định tại Phụ lục VII (mẫu C/O mẫu AK) của Thông tư 20/2014/TT-BCT ngày 25/6/2014 của Bộ Công Thương thì các nước thành viên có thể linh hoạt (as far as known) thực hiện việc ghi thông tin tại ô số 3 của C/O. Do đó, việc tại ô số 3 không ghi tên tàu, tên cảng dỡ hàng cụ thể (đã có nước nhập khẩu là Việt Nam) có thể xem xét chấp nhận.

    – Tại điểm c.2 Khoản 2 Điều 26 của Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định:

    “c. Cơ quan hải quan chấp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ trong trường hợp có khác biệt nhỏ, không ảnh hưởng đến tính hợp lệ của chứng từ chứng nhận xuất xứ và bản chất xuất xứ hàng hóa nhập khấu, bao gồm:

    c.2. Khác biệt trong cách đánh dấu tại các ô trên C/O: đánh dấu bằng máy hoặc bằng tay, đánh dấu bằng “x” hay “v”, nhầm lẫn trong việc đánh dấu”.

    Đối chiếu với trường hợp này nêu tại công văn trên, việc tại ô số 12 trên C/O có dòng chữ “ISSUED RETROACTIVELY” tương tự trường hợp nhầm lẫn, sai sót trong việc đánh dấu vào ô số 13 trên C/O, trong đó có ô nhỏ “ISSUED RETROACTIVELY” và không phải là lý do từ chối C/O.

    Do vậy, nếu cơ quan Hải quan không có nghi ngờ nào khác về tính hợp lệ của C/O mẫu AK dẫn trên thì xem xét chấp nhận C/O.

    Về vướng mắc C/O mẫu E:
    Đối với C/O mẫu E, việc xử lý C/O có lỗi được thực hiện theo quy định tại Điều 10 Phụ lục 2 Thông tư 36/2010/TT-BCT ngày 15/11/2010 của Bộ Công Thương và công văn số 887/TCHQ-GSQL ngày 8/2/2013.

    Đối chiếu với trường hợp nêu tại công văn dẫn trên cho thấy: doanh nghiệp nộp C/O mẫu E mới thay thế cho C/O mẫu E có lỗi.

    Cơ quan có thẩm quyền cấp C/O không có thư xác nhận/thông báo việc cấp mới thay thế cho C/O có lỗi gửi đến Tổng cục Hải quan. Do vậy, cơ quan hải quan không chấp nhận C/O mẫu E trên để cho hưởng ưu đãi theo Hiệp định ACFTA.

    Cục Giám sát quản lý về Hải quan thông báo để đơn vị biết và thực hiện./.