Cơn địa chấn Thuế quan Mỹ làm giảm mạnh đơn hàng vận tải container toàn cầu
-
Cú sốc thuế quan từ Mỹ và Trung Quốc khiến lượng đơn hàng vận tải container sụt giảm mạnh, buộc doanh nghiệp phải tái đánh giá toàn bộ chiến lược chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sau khởi đầu mạnh mẽ đầu năm 2025, nối tiếp đà phục hồi bắt đầu từ năm 2023, khối lượng đặt chỗ cho hàng nhập khẩu container hóa vào Mỹ đã giảm 20% so với mức đỉnh trong tháng 1, dù vẫn cao hơn 30% so với cùng kỳ năm 2024.Sự thay đổi đột ngột này được cho là có liên quan trực tiếp đến tâm lý lo ngại về việc tăng thuế quan, theo phân tích từ công ty dữ liệu container Vizion.
Các chủ hàng, phản ứng trước thông tin về việc tăng thuế quan, đã vội vã “gom hàng” để đi trước các đợt tăng thuế tiềm tàng. Tuy nhiên, khi sự bất ổn về chính sách thuế quan leo thang, tác động đến lưu lượng thương mại ngày càng rõ rệt.
Trong giai đoạn từ ngày 24–31 tháng 3 đến ngày 1–8 tháng 4, ngành logistics thế giới chứng kiến mức sụt giảm nghiêm trọng trên nhiều lĩnh vực, điều mà Vizion gọi là một “cơn địa chấn thuế quan”:
Số lượng container tính theo đơn vị TEU toàn cầu giảm 49%.
Tổng lượng hàng nhập khẩu vào Mỹ giảm 64%.
Hàng xuất khẩu từ Mỹ giảm 30%.
Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ giảm 64%.
Hàng xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc giảm 36%.
Những con số này trùng khớp với thời điểm chính quyền Tổng thống Trump công bố các biện pháp thuế mới vào ngày 4 tháng 4, ngay sau đó là các hành động đáp trả từ phía Trung Quốc vào ngày 5 tháng 4. Kết quả là một đợt “đóng băng” trên diện rộng trong việc đặt chỗ vận chuyển, khi các chủ hàng tạm dừng để đánh giá lại chiến lược logistics và thương mại.
Xét sâu hơn vào từng nhóm sản phẩm, có thể thấy tác động rất rõ rệt. So sánh hai tuần từ ngày 24–30 tháng 3 và 31 tháng 3–6 tháng 4, nhiều lĩnh vực đã chứng kiến mức sụt giảm mạnh trong đơn hàng nhập khẩu vào Mỹ:Hàng may mặc và phụ kiện: giảm 59%
Len, vải và dệt may: giảm 57%
Theo báo cáo, đây là các ngành hàng mang tính mùa vụ và không thiết yếu, nên thường là nhóm phản ứng đầu tiên trước biến động kinh tế và chính sách. Sự nhạy cảm cao đối với biến động giá cả và nhu cầu tiêu dùng khiến chúng trở thành chỉ báo sớm cho xu hướng thương mại rộng hơn.Tác động đối với các nguyên liệu đầu vào sản xuất từ Trung Quốc cũng không kém phần nghiêm trọng, đặc biệt trong các mặt hàng then chốt như:
Nhựa: giảm 45,4%
Đồng: giảm 31,1%
Gỗ: giảm 24%
Đây là các vật liệu quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghiệp và sản xuất, hiện đang chịu áp lực lớn từ thuế quan. Tình hình càng trở nên căng thẳng hơn khi vào ngày 10 tháng 4, Nhà Trắng công bố mức thuế mới lên hàng Trung Quốc lên đến 145%, bao gồm mức thuế 125% đã công bố trước đó cộng thêm 20% phụ thu nhập khẩu.Vizion cho biết dữ liệu cho thấy các chủ hàng ban đầu đã đẩy mạnh vận chuyển để “né thuế”, sau đó nhanh chóng dừng lại khi tình hình diễn biến xấu hơn.
Dự báo trong thời gian sắp tới, phần còn lại của năm 2025 có thể sẽ tiếp tục bị chi phối bởi sự bất ổn. Khi các đối tác thương mại khác đang được tạm hoãn thuế trong 90 ngày, Vizion cảnh báo rằng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần chuẩn bị tinh thần cho sự biến động liên tục — thể hiện qua nhu cầu thất thường, chu kỳ đặt hàng rút ngắn và sự tái cấu trúc sâu rộng trong chiến lược tìm nguồn cung toàn cầu.