Nhập khẩu vào Mỹ tăng trong tháng 3 nhưng có thể sụt giảm do tác động của thuế quan, theo S&P Global Market Intelligence
-
Theo dữ liệu mới được công bố bởi S&P Global Market Intelligence, khối lượng hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ trong tháng 3 đã ghi nhận mức tăng trưởng tích cực.
Cụ thể, tổng khối lượng hàng nhập khẩu trong tháng 3 đạt 2,75 triệu TEU (đơn vị tương đương container 20 feet), tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu quý tăng trưởng thứ 19 liên tiếp. Trong quý đầu tiên, tổng khối lượng nhập khẩu đạt 8,14 triệu TEU, tăng 9,1% so với năm trước. Tuy nhiên, S&P lưu ý rằng dữ liệu so sánh hàng năm phần nào bị "giảm nhẹ" do năm 2024 là năm nhuận còn tháng 2/2025 chỉ có 28 ngày.
Nhóm hàng tiêu dùng đóng vai trò chủ lực trong mức tăng của tháng 3, với mức tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước (không bao gồm ô tô). Cụ thể, mặt hàng nội thất gia đình tăng 23,3%, thiết bị gia dụng tăng 14,4%, và các mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng tăng 14,0%. Đáng chú ý, dược phẩm tăng 17,3%, có thể liên quan đến khả năng xem xét áp thuế theo Mục 232 sắp tới. Các sản phẩm giải trí và đồ chơi cũng lần lượt tăng 8,4% và 5,6%.
Những mặt hàng tiêu dùng có vòng đời dài – ít bị ảnh hưởng bởi xu hướng thời trang hay công nghệ – tiếp tục dẫn đầu mức tăng trưởng, nhờ khả năng lưu kho dài hạn.
S&P Global Market Intelligence cũng cho biết, sự tăng trưởng trong nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu một phần phản ánh tác động từ các mức thuế quan mới cũng như tâm lý phòng ngừa trước rủi ro thuế trong tương lai.
Đối với nhóm hàng công nghiệp, mức tăng không đồng đều: nguyên liệu thô tăng 15,2% nhờ hóa chất tăng 22,3%; trong khi thiết bị đầu tư tăng 7,2%, do lượng linh kiện điện tử và thiết bị điện giảm.
S&P lưu ý rằng các quyết định sản xuất và vận chuyển hàng hóa cho mùa cao điểm thường được thực hiện trong quý II – với hàng hóa thường đến Mỹ cao điểm vào tháng 10 giai đoạn 2016–2019. Tuy nhiên, trong năm 2024, tháng 9 là thời điểm cao điểm do lo ngại về nguy cơ đình công cảng. Năm 2025 có thể khác biệt vì kỳ vọng đạt được các thỏa thuận giảm thuế có thể khiến doanh nghiệp trì hoãn ra quyết định.
Nhìn về phía trước, S&P dự báo nhập khẩu vào Mỹ có thể giảm trong các quý tới, dựa trên dữ liệu cơ bản về nhu cầu tiêu dùng và công nghiệp đang cho thấy dấu hiệu suy yếu. Cụ thể, nhập khẩu container của Mỹ được dự báo giảm 3,0% trong quý II và tiếp tục giảm mạnh hơn, tới 4,9% trong quý III. Đồng thời, các yếu tố như biến động cước vận tải, thay đổi trong liên minh vận chuyển và khả năng áp dụng phí cảng mới sẽ càng làm phức tạp thêm việc ra quyết định.
Ông Chris Rogers – Giám đốc Nghiên cứu Chuỗi Cung ứng của S&P Global Market Intelligence – cho rằng trong bối cảnh chuỗi cung ứng bất ổn, thiếu tính dự báo và áp lực từ thuế quan, các doanh nghiệp nên cân nhắc những chiến lược ứng phó linh hoạt.
“Thứ nhất là hãy nhập hàng khi có thể, càng sớm càng tốt. Thứ hai là hãy chuyển phần chi phí tăng đó cho khách hàng,” ông nói. “Liệu doanh nghiệp có thể thuyết phục nhà cung cấp chia sẻ một phần thiệt hại? Các nhà bán lẻ tại Trung Quốc đã thử điều đó và bị chính phủ cảnh cáo. Một lựa chọn khác là tăng giá bán cho khách hàng – điều mà các doanh nghiệp thường không muốn làm, nhưng một số đã triển khai phụ phí thuế và công khai lý do tăng giá, ví dụ như: 'Chi phí nhập hàng tăng thêm 20 USD, nên anh phải trả phần đó nếu muốn chúng tôi tiếp tục bán hàng có lời.'”
Ông Rogers cho rằng, hiện nay nhiều công ty đang tăng tốc nhập khẩu trong quý II – do đó, số liệu có thể sẽ bị thổi phồng nhẹ – nhưng việc thương mại sụt giảm là xu hướng rõ ràng. “Thuế 10% vẫn còn đó. Thời gian vận chuyển từ 6 đến 8 tuần. Nếu muốn đẩy nhanh, bạn phải đặt hàng ngay lập tức. Các quyết định cho mùa cao điểm tựu trường đang được đưa ra ngay lúc này, còn các đơn hàng đồ chơi sẽ chốt trong vài tháng tới. Các công ty có khối lượng nhập khẩu lớn thì lại có lợi thế về khả năng lập kế hoạch, vì họ biết chắc nhu cầu sẽ cao. Nhưng với những ai nhập khẩu từ Việt Nam hay Mexico thì lại thiếu thông tin rõ ràng, vì chính sách có thể thay đổi bất cứ lúc nào.”