Bỏ "room" tín dụng: Cần một lộ trình...
-
PGS.TS Nguyễn Thị Mùi – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia – đã nêu khuyến nghị vậy tại chương trình "Vấn đề hôm nay" tối ngày 8/7 của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV).
Nhìn nhận việc bỏ hạn mức tín dụng ('room' tín dụng) là một bước đi cần thiết để 'tính thị trường được nâng lên', nhưng theo nữ chuyên gia, lộ trình này cần được thực hiện thận trọng, có đánh giá đầy đủ và hệ thống công cụ giám sát đi kèm.
Bởi lẽ, khi bỏ room, các ngân hàng thương mại sẽ được toàn quyền chủ động trong kế hoạch tăng trưởng tín dụng, theo chiến lược kinh doanh riêng. Đồng nghĩa, thị trường tín dụng sẽ vận hành theo quy luật cung – cầu.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần điều hành bám sát biến động thị trường để đảm bảo ổn định và an toàn hệ thống.
Lần lại lịch sử, cơ chế room tín dụng bắt đầu được NHNN đưa vào từ năm 2012 - là 'toa thuốc đắng' để 'dã tật trầm kha' cho hệ thống các tổ chức tín dụng và rộng hơn là cả nền kinh tế lúc bấy giờ: lạm phát phi mã, tín dụng nóng bỏng, thanh khoản căng thẳng và hàng loạt bất ổn vĩ mô, vi mô đi kèm.
"Room tín dụng – dù là công cụ hành chính – đã phát huy vai trò trong việc điều tiết chính sách tiền tệ, góp phần kéo giảm lạm phát và ổn định thị trường" - bà Mùi đánh giá.
13 năm trôi qua, tình hình đã có nhiều thay đổi. Dù vậy, dư âm của giai đoạn trước vẫn khiến một số ngân hàng thương mại chưa thể đạt chuẩn quản trị theo thông lệ quốc tế. Các vấn đề như nợ xấu, năng lực xử lý rủi ro và tính minh bạch tài chính vẫn còn tồn tại.
Nữ thành viên của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia khuyến nghị: Nếu bỏ hạn mức tín dụng, việc đầu tiên cần làm là đánh giá toàn diện mặt được và chưa được của công cụ này trong bối cảnh hiện tại. Từ đó, cần xác định rõ cách thức khắc phục những rủi ro có thể phát sinh nếu chuyển sang điều hành hoàn toàn theo thị trường.
"Giám sát rủi ro cần được thực hiện nghiêm ngặt hơn. Không chỉ các đơn vị kiểm toán, thanh tra nội bộ tại các ngân hàng mà cả NHNN cũng phải hoàn thiện bộ công cụ giám sát rủi ro và vận hành thực chất" - PGS. TS Mùi nói.
Lộ trình bỏ "room": Ưu tiên ngân hàng tốt, thúc đẩy thị trường vốn
Cũng theo PGS. TS. Nguyễn Thị Mùi, trong lộ trình bỏ "room", nếu vẫn áp dụng một số mức tăng trưởng tín dụng nhất định, thì nên ưu tiên phân bổ cho các ngân hàng có hệ số an toàn cao, quản trị tốt, chấp hành nghiêm quy định và hoạt động hiệu quả. Ngược lại, những ngân hàng yếu kém, chưa đủ năng lực thì cần bị giới hạn.
“Lợi nhuận của nhiều ngân hàng hiện nay vẫn chủ yếu đến từ tín dụng, chiếm tới 50 - 70%. Nếu không được tăng trưởng tín dụng thì lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng. Đây là áp lực thúc đẩy các ngân hàng yếu phải cải thiện để được ‘nới room’”, bà Mùi phân tích.
Ngoài ra, bà Mùi cảnh báo rằng tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam hiện thuộc hàng cao nhất trong nhóm nước có thu nhập trung bình thấp. Điều này khiến các tổ chức tài chính và xếp hạng tín dụng quốc tế thường xuyên đưa ra khuyến nghị.
Một cảnh báo còn mới tinh và nóng hổi mới được Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng - người đi lên từ Vụ chính sách tiền tệ và đang giữ trọng trách điều tiết hệ thống tiền tệ quốc gia - đưa ra: "Dư nợ tín dụng trên GDP hiện nay ở mức là 134% vào cuối năm 2024. Nếu chúng ta tiếp tục dựa vào nguồn vốn ngân hàng sẽ tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống và có thể gây hệ lụy cho nền kinh tế".
Chuyên gia Nguyễn Thị Mùi cảnh báo: “Nếu nền kinh tế toàn cầu biến động, thị trường tài chính bất ổn thì một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng mạnh, nhất là khi quá phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng”.
Xem bản tin của VTV, lắng nghe cảnh báo của bà Mùi và nhớ lại chia sẻ của Thống đốc Hồng, người viết cố thử hình dung về một tương lai hậu "dỡ room". Tỉ lệ dư nợ trên GDP liệu có cơ hội xẹp lại và an toàn hơn so với "lằn ranh" 134% mà thống đốc mới cảnh báo?
'Dây cương' nếu được tháo...