SỰ KHÁC NHAU GIỮA LOGISTICS VÀ CHUỖI CUNG ỨNG



  • SỰ KHÁC NHAU GIỮA LOGISTICS VÀ CHUỖI CUNG ỨNG
    Logistics
    Cho đến nay, người ta đã có những cách nhìn nhận toàn diện hơn, sâu sắc hơn và nhất là logic hơn về lý luận, cơ sở khoa học của logistics, đã xuất hiện những nghiên cứu nhằm xây dựng những cơ sở lý thuyết của logistics như một môn khoa học (xem Introduction to Logistics Engineering – nhiều tác giả, London, New York 2008).

    Ngày nay, người ta nhận thấy vai trò của logistics rất lớn, không chỉ trong kinh tế mà còn đối với các tổ chức, trong đó có các công ty, do vậy đòi hỏi phải có cách nhìn nhận tổng quát hơn về logistics.

    Trong thế kỉ XXI, trên thế giới, logistics được nhìn nhận như là một phần của công tác quản trị, và có bốn (4) phân ngành sau:

    Logistics trong kinh doanh (business logistics– thường gọi chung là logistics)

    Logistics trong quân sự (military logistics): hoạch định, hợp nhất mọi phương diện của sự hỗ trợ cho khả năng tác chiến của quân đội (trong việc triển khai quân hoặc đóng quân) và các thiết bị quân sự đảm bảo sẵn sàng, tin cậy và hiệu quả. Nhiều tài liệu nêu hoạt động của đường mòn Hồ Chí Minh như là một điển hình của công tác logistics trong cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước của Việt Nam , mà các tài liệu đó gọi là chiến tranh Việt nam ( xem Introduction to Logistics Engineering -sđd).

    Logistics sự kiện (event logistics): một mạng gồm các hoạt động, phương tiện và con người cần thiết để tổ chức, lập kế hoạch và triển khai các nguồn lực trên cho một sự kiện diễn ra và kết thúc một cách hiệu quả.

    Logistics dịch vụ (service logistics) : cung cấp, lên kế hoạch và quản trị các phương tiện/vốn liếng, nhân lực và vật tư để hỗ trợ hoặc đảm bảo cho một tác nghiệp dịch vụ hoặc kinh doanh.
    (xem Langley/Coyle/Gibson/Novack/Bardi - Managing Supply Chains – A Logistics Approach xuất bản lần thứ 8, năm 2008, SOUTH-WESTERN, CENGAGE Learning, giáo trình dùng cho sinh viên tại Úc, Braxin, Nhật, Hàn quốc, Mexico, Singapore, Tây ban nha, Liên hiệp Anh, và Mị)

    SỰ KHÁC NHAU GIỮA LOGISTICS VÀ CHUỖI CUNG ỨNG

    Chuỗi Cung Ứng - Supply Chain Management
    Khái niệm về chuỗi cung ứng xuất hiện từ những năm 60 của thế kỉ XX, nghĩa là có trước khi bắt đầu xuất hiện khái niệm logistics (business logistics). Khi đó, chuỗi cung ứng là đơn lẻ, nhưng khi người ta kết hợp cả việc cung ứng vật tư, kĩ thuật, nguyên vật liệu.. với việc phân phối sản phẩm, việc xây dựng các chuỗi cung ứng mang một bộ mặt khác, nó là một phần không thể thiếu được khi nghiên cứu, áp dụng logistics.

    Chuỗi cung ứng có thể hình dung như một đường ống hoặc một cái máng dùng cho dòng chảy của sản phẩm/vật tư, dịch vụ, thông tin và tài chính từ nhà cung ứng qua nhiều tổ chức, công ty trung gian cho đến tận người tiêu dùng.

    Như vậy một chuỗi cung ứng sẽ bao gồm các đơn vị tham gia với những dịch vụ logistics cụ thể.

    Khi logistics ra đời và phát triển ở nhiều công ty – mà dạng đơn giản nhất của logistics là sự sát nhập cung ứng vật tư (inbound logistics) vào phân phối sản phẩm (outbound logistics), cùng với quan điểm giá thành tổng thể, quan điểm chuỗi giá trị cũng được đưa vào xem xét. Quan niệm này đặc biệt quan trọng trong quản trị logistics.

    Những năm 90 của thế kỉ XX, với sự phát triển của logistics, các chuỗi cung ứng hiện đại hình thành và phát triển mạnh ở nhiều công ty.

    Vài Sự Khác Biệt Giữa Logistics Và Quản Lý Chuỗi Cung Ứng (Supply Chain Management)

    Về tầm ảnh hưởng: Logistics có tầm ảnh hưởng ngắn hoặc trung hạn, còn quản lý chuỗi cung ứng có tầm ảnh hưởng dài hạn

    Về mục tiêu: Logistics mong muốn đạt được đến giảm chi phí Logistics nhưng tăng được chất lượng dịch vụ còn quản lý chuỗi cung ứng lại đặt mục tiêu ở giảm được chi phí toàn thể dựa trên tăng cường khả năng cộng tác và phối hợp, do đó tăng hiệu quả trên toàn bộ hoạt động Logistics

    Về công việc: Logistics quản trị các hoạt động bao gồm vận tải, kho bãi, dự báo, đơn hàng, giao nhận, dịch vụ khách hàng...còn quản lý chuỗi cung ứng bao gồm tất cả các hoạt động của Logistcs và quản trị nguồn cung cấp, sản xuất, hợp tác và phối hợp của các đối tác, khách hàng...

    Về phạm vi hoạt động: Logistics chủ yếu quản trị bên trong doanh nghiệp còn quản lý chuỗi cung ứng quản trị cả bên trong lẫn bên ngoài