10 CHIẾN DỊCH MARKETING BẬC THẦY TRONG VIỆC THU HÚT SỰ CHÚ Ý (PHẦN I)



  • Các ý tưởng marketing du kích (guerrilla marketing) thường không tốn kém. Các đoạn thu hình tải lên YouTube được thực hiện bằng các máy ảnh tích hợp trong điện thoại smartphone hoặc các đạo cụ giá rẻ có thể thu hút sự chú ý không kém gì các chiến dịch quảng cáo trên TV trị giá hàng triệu USD. Chỉ cần bắt đầu chiến dịch đúng cách, đúng lúc, đúng chỗ, bạn có thể thu hút sự chú ý của rất nhiều người, cũng như lôi kéo giới báo chí địa phương và truyền thông quốc gia cùng tham gia.

    Dưới đây là 10 chiến dịch marketing "giá rẻ" của các nhà tiếp thị lớn và nhỏ. Tất cả đều có chung một điểm chung đó là: chúng là những chiến dịch bậc thầy trong nghệ thuật thu hút sự chú ý dù được thực hiện với nguồn ngân sách hạn hẹp.

    CUỘC THI "MỘT THÁNG TRONG VIỆN BẢO TÀNG" (MONTH AT THE MUSEUM) CỦA BẢO TÀNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHIỆP CHICAGO, MỸ
    Vào tháng 07/2010, với nỗ lực cải thiện hình ảnh và tìm kiếm nguồn tài trợ, viện bảo tàng Khoa học và Công nghiệp của thành phố Chicago, Mỹ đã tổ chức một cuộc thi. Theo đó, những người đăng ký thi sẽ sống “một tháng trong bảo tàng” (nhưng thực ra là sống trong một phòng kính đặt bên trong bảo tàng, được bố trí tiện nghi như một phòng khách sạn) và cập nhật lên các mạng xã hội Twitter, Facebook, YouTube và Flicker những trải nghiệm của mình, sẽ có cơ hội được thưởng 10.000 USD.

    Ban đầu, bảo tàng chỉ mong có khoảng vài trăm người đăng ký với các bài luận và đoạn băng hình. Nhưng thực tế, họ đã nhận được hơn 1.500 bài đăng ký trên khắp thế giới, thu hút hơn 400 blogs, nhiều gấp đôi so với lượng người hâm mộ trên mạng Facebook của bảo tàng. Không những vậy, cuộc thi này đã lôi kéo được hãng truyền hình và phát thanh địa phương, cùng chương trình nổi tiếng Good morning America (“Chào buổi sáng nước Mỹ”) của kênh truyền hình ABC và các kênh giải trí và tin tức quốc gia khác của Mỹ tham gia đưa tin. Cuộc thi đã thành công đến nỗi nhà tổ chức đã quyết định thực hiện chương trình này lần thứ hai.

    CHƯƠNG TRÌNH “TỦ LẠNH KHỔNG LỒ” (WALK-IN FRIDGE) CỦA HÃNG BIA HEINEKEN
    Nhà sản xuất bia Heineken đã cho phát sóng đoạn một đoạn quảng cáo ấn tượng vào năm 2009, trong đó ghi lại cảnh một nhóm các bạn gái trẻ nhảy và hét lên đầy phấn khích khi thấy phòng thay đồ với rất nhiều quần áo và phụ kiện của nữ chủ nhà. Tại một phòng khác, những người đàn ông thậm chí còn phấn khích hơn thế khi bước vào bên trong chiếc tủ lạnh khổng lồ có kích thước như một căn phòng với những kệ dài chứa đầy bia Heineken ướp đá lạnh của ông chủ.

    Hãng bia Heineken sau đó đã làm mới đoạn quảng cáo này. Năm 2010, hãng đã làm một chiếc tủ lạnh thật có kích thước to như một căn phòng và đem đến các lễ hội bia để hàng đoàn người có thể bắt chước đoạn quảng cáo và tải clip của họ lên trang YouTube.

    Đây là một ví dụ tuyệt vời của việc chọn ra một ý tưởng tốt nhất và tìm cách làm mới nó theo thời gian. Chi phí cũng ở mức tối thiểu vì hầu hết công sức đều do các khách hàng thực hiện - những người quay và tải những đoạn thu hình của chính mình lên các trang mạng xã hội.

    “ĐÁM ĐÔNG TRÊN MÁY BAY” (PLANEMOB) CỦA HÃNG HÀNG KHÔNG ĐỨC GERMANWWINGS
    Hãng hàng không giá rẻ của châu Âu - Germanwings đã chứng minh rằng, chỉ cần vài người với một chiếc máy quay bỏ túi nhỏ gọn Flip có thể tạo ra một đoạn băng hình quảng cáo trực tuyến cho hiệu ứng tuyệt vời với tốc độ lan truyền như một loại virus.

    Hãng Germanwings đã gài một số “hành khách ruột” của mình trên một chuyến bay vào tháng 4 năm 2010 của đối thủ cạnh tranh – hãng Ryanair. Hãng Ryanair nổi tiếng trong việc cung cấp các chuyến bay giá rẻ trong phạm vi châu Âu, và cũng mang tai tiếng vì đã thu phí sử dụng toilet của hành khách. Khi các hành khách “gián điệp” này đã ổn định chỗ ngồi trong chuyến bay của hãng Ryanair, các tấm biển các-tông đồng loạt xuất hiện. Một tấm viết “Tôi ghét mấy chữ “hãy tự chọn chỗ ngồi!” này”. Một tấm khác viết "Có lẽ chỉ có nhìn ra ngoài cửa sổ là không mất tiền. ” Các hành khách “gián điệp” khác của hãng Germanwings đã ghi lại những gì đang diễn ra cho đến khi tấm biển cuối cùng xuất hiện "Lần sau, hãy bay với Germanwings."

    Một đoạn quảng cáo vừa nhanh vừa rẻ, có chăng chỉ tốn tiền mua vài chiếc vé máy bay giá rẻ của hãng Ryannair và một chiếc máy quay bỏ túi Flip.

    CHƯƠNG TRÌNH BIỂU DIỄN ÁNH SÁNG CỦA TARGET
    Nhằm quảng bá cho tuần lễ thời trang New York, hãng Target đã thuê một số vị trí giáp mặt phố của khách sạn Standard của quận Manhattan tại khu phố thời trang Meatpacking District để dựng nên một sân khấu có vũ công và người chỉnh nhạc (DJ) tham gia biểu diễn. Khi mặt trời lặn, đèn tắt, tấm phông trắng được kéo xuống, 66 vũ công vừa múa gần tới chỗ DJ Sam Spiegel trong lúc một màn trình diễn ánh sáng với chùm màu sắc với tên gọi là Close Encounters diễn ra.

    Target đã lắp đặt chỗ ngồi cho khoảng 3.000-5.000 người xem tại chỗ, mời những người nổi tiếng đến để khuấy động không khí và quay video, tải lên Web, chụp hình sự kiện để tạo hiệu ứng truyền thông và xã hội tối đa.

    CHIẾN DỊCH TĂNG CƯỜNG NHẬN THỨC VỀ SỰ ẤM LÊN TOÀN CẦU
    Các công ty nhỏ có thể học hỏi từ các tổ chức vận động và phi lợi nhuận ở cách chỉ dùng một lượng ngân sách rất nhỏ để tạo ra các chiến dịch rất độc đáo.

    Thành phố Vancoucer đã có toa thuốc giải quyết thực trạng nóng lên toàn cầu khi Offsetters, một tổ chức phi lợi nhuận của Canada đã có ý tưởng độc đáo nhằm thu hút sự chú ý của mọi người cũng như tăng cường nhận thức về vấn đề nóng lên của trái đất. Tổ chức này đã đã treo các bè cứu hộ dọc theo các mặt của các tòa nhà, thiết lập các trạm cứu hộ có người gác tại các công viên trong thành phố với biển báo “Có cứu hộ”, và có các áo cứu hộ nhét dưới ghế đá công viên với biển báo tư vấn cho người qua lại.

    Chúng ta đều biết, nếu sự ấm lên toàn cầu không được kiểm soát, nó sẽ lnhấn chìm các thành phố ven biển. Chiến dịch này không tốn kém nhiều nhưng đã tạo ra hiệu ứng gây sốc cao, thu hút sự quan tâm của giới truyền thông quốc gia và địa phương.