Các chuyến tàu bị huỷ trên tuyến xuyên Thái Bình Dương tăng vọt khi lưu lượng hàng hóa lao dốc
-
Các hãng tàu đồng loạt cắt chuyến trên tuyến xuyên Thái Bình Dương nhằm ứng phó với sự sụt giảm xuất khẩu từ Trung Quốc do biến động thuế quan, phản ánh một thị trường vận tải đầy biến động và khó dự đoán.
Trong vài tuần qua, ngành vận tải container toàn cầu đã chứng kiến những biến động mạnh về kế hoạch điều động tàu, đặc biệt trên các tuyến kết nối châu Á với Bắc Mỹ, nhằm phản ứng với môi trường thương mại đầy biến động và tình hình thuế quan thay đổi nhanh chóng.Dữ liệu từ Container Atlas của SONAR cho thấy lượng đơn đặt hàng từ Trung Quốc đã giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái tính đến giữa tháng 4, khi các chủ hàng đang cân nhắc chuyển hướng sang Việt Nam và các trung tâm sản xuất khác trong khu vực.
“Mấy nhà phân phối của chúng tôi liên tục thúc giục đặt hàng, đặt hàng để đón đầu thuế quan,” một nhà bán lẻ hàng gia dụng độc lập chia sẻ với FreightWaves. “Tôi đã bảo rằng kho của chúng tôi đã đầy, nhưng dường như họ đang lợi dụng tình hình.”
“Nhưng cuối cùng thì chúng tôi cũng sẽ phải tìm cách xoay xở với đống hỗn loạn thuế quan này,” bà nói, dùng từ Yiddish “mishegas” để ám chỉ sự hỗn loạn, điên rồ.
Trên tuyến châu Á – Bờ Tây Bắc Mỹ, ghi nhận sự sụt giảm rõ rệt về công suất dự kiến trong các tuần 16–19 của năm 2025. Sáu tuần trước, kế hoạch triển khai là 1,43 triệu TEU, nhưng đến tuần 15, con số này chỉ còn 1,37 triệu TEU – tương đương mức giảm 12%, theo báo cáo mới nhất từ hãng phân tích Sea-Intelligence.
Tuyến châu Á – Bờ Đông Bắc Mỹ còn giảm mạnh hơn. Trong cùng giai đoạn sáu tuần, công suất dự kiến giảm từ 1,01 triệu TEU xuống còn 867.000 TEU – mức sụt giảm lên đến 14%.
Điểm đáng chú ý nhất là sự gia tăng đột biến của các chuyến “blank sailing” (cắt chuyến). Chỉ ba tuần trước, chỉ có khoảng 60.000 TEU bị cắt lịch trong các tuần 16–19. Tuy nhiên, chỉ trong một tuần, con số này tăng vọt lên 250.000 TEU khi các hãng tàu đồng loạt cắt chuyến nhằm phản ứng với sự sụt giảm đột ngột trong xuất khẩu của Trung Quốc do thuế quan. Đến tuần 15, tổng dung lượng bị cắt trong giai đoạn này đã lên tới 367.800 TEU.
“Blank sailing” là các chuyến tàu bị hủy hoặc bỏ qua một số cảng trong hành trình đã định. Các hãng tàu thường sử dụng biện pháp này nhằm giữ giá cước ổn định khi nhu cầu sụt giảm.
Điều thú vị là tuyến vận chuyển xuyên Đại Tây Dương lại không chịu ảnh hưởng tương tự. Năng lực trên tuyến này tương đối ổn định, có thể nhờ vào thông báo tạm hoãn áp thuế trong vòng 90 ngày giữa chính quyền Trump và Liên minh châu Âu mới đây.
Những điều chỉnh nhanh chóng trong công suất vận chuyển hiện nay phản ánh xu hướng ứng phó ngắn hạn của toàn ngành. Với việc thuế quan liên tục được áp dụng rồi lại tạm dừng theo từng ngày, cả các hãng tàu lẫn chủ hàng dường như chỉ đưa ra các điều chỉnh tức thời cho chuỗi cung ứng, và đang chờ tình hình ổn định trở lại trước khi tái cấu trúc hệ thống vận tải dài hạn.