Những chính sách "đáng sợ" khiến ai ai cũng khiếp đảm chuỗi cung ứng của Amazon



  • Chỉ trong vòng 20 năm, Amazon từ một trang web bán sách đã trở thành một thế lực thống lĩnh ngành bán lẻ toàn cầu. Góp phần không nhỏ trong thành công này là những nước cờ chuỗi cung ứng đầy “cao tay” nhằm đem sản phẩm Amazon đến tay khách hàng nhanh hơn bất kì đối thủ nào.

    Và ít ai biết được rằng, những nước cờ này sẽ nằm trong một chiến lược dài hơi và cực kỳ tham vọng nhằm đưa chuỗi cung ứng của người khổng lồ Amazon vươn ra cả thế giới.

    Nhận hàng trong vòng 2 ngày làm việc? Amazon đã làm điều đó từ năm 2005

    Vào năm 2005, Amazon đã làm sửng sốt các trang thương mại điện tử đối thủ khi cung cấp dịch vụ giao hàng trong vòng 2 ngày cho thành viên Amazon Prime, lúc này các đối thủ của Amazon đang cam kết với khách hàng là sản phẩm sẽ được giao trong 5-7 ngày làm việc. Đây là một trong những nước cờ đầu tiên trong kế hoạch thống trị của gã khổng lồ này.

    Sau đó, khi các nhà bán lẻ khác bắt đầu đuổi kịp dịch vụ giao hàng 2 ngày này. Amazon lại tiến thêm một bước dài nữa với dịch vụ giao hàng ngay trong 1 giờ với cho khách hàng Amazon Prime Now.

    Thông qua một ứng dụng điện thoại, khách hàng của Amazon có thể sắp xếp việc giao hàng vào thời điểm cụ thể trong ngày, và với một số thị trường, khách thậm chí có thể đặt mua sản phẩm bách hóa và thực phẩm mang đi từ mọi cửa hàng thành viên của Amazon. Dịch vụ này biến Amazon trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp không chỉ với công ty thương mại điện tử mà còn cả các công ty giao nhận.

    Amazon Prime Air – Câu chuyện viễn tưởng có thật

    Vào năm 2013, CEO Jeff Bezos làm dậy sóng dư luận khi công bố kế hoạch sử dụng máy bay không người lái để vận chuyển hàng hóa.

    Dịch vụ Amazon Prime Air có thể cung cấp gói hàng dưới 2,5 kg chỉ trong vòng 30 phút cho khách hàng có địa chỉ trong bán kính 16 km của bất kì kho hàng nào của Amazon.

    Dù được dư luận hoài nghi và đánh giá chỉ là một chiêu trò truyền thông, vào tháng 12 năm 2016 Amazon Prime Air đã thử nghiệm thành công với một gói hàng giao tại Cambridge, Anh. Và hiện tại Amazon đang tích cực mở thêm nhiều địa điểm kho và làm việc với cơ quan kiểm soát không lưu tại Mỹ và Anh để xúc tiến đưa Amazon Prime Air trở thành hiện thực ngay trong năm 2017.

    Cần thêm bột giặt? Chỉ cần nhấn nút.

    Vào năm ngoái, Amazon tung ra nút Dash, một thiết bị Internet of things (IoT) cho phép các bà nội trợ chỉ cần bấm nút để đặt hàng, từ cà phê cho đến dầu gội và bột giặt.

    Nút Dash thể hiện tham vọng xâm nhập sâu vào đời sống hàng ngày của khách hàng. Chỉ cần một nút bấm, người tiêu dùng sẽ không cần phải bước ra khỏi nhà đến các cửa hàng (có thể là đối thủ) của Amazon nữa.

    Thuê ngoài dịch vụ vận chuyển? Chỉ làm giảm sự hiệu quả của Amazon.

    Giao hàng trong ngày và giao hàng trong vòng 1 giờ là những dịch vụ mà các tập đoàn vận chuyển như UPS hay FedEx chưa bao giờ cung cấp.

    Với mô hình vận chuyển truyền thống tách ra làm 3 bước: Nhận hàng từ người bán, soạn hàng và xếp hàng tại kho, và cuối cùng là vận chuyển hàng đến tay người mua. UPS và FedEx hoàn toàn không có khả năng thuyết phục Amazon sử dụng dịch vụ của mình.

    Và vì thế, người khổng lồ Amazon bắt đầu phát triển và sử dụng hệ thống vận chuyển của chính mình để đảm bảo cung cấp dịch vụ giao hàng với một tốc độ vô tiền khoáng hậu.

    Gartner, website chuyên đánh giá Chuỗi cung ứng trên thế giới đã nhận định: “Bằng cách tự phát triển hệ thống giao hàng của riêng mình, Amazon sẽ giành lại một phần thị trường giao nhận về cho tập đoàn, biến cả FedEx, UPS và Tập đoàn Dịch vụ bưu chính Mỹ thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của công ty.”

    Bạn sản xuất được bao nhiêu. Amazon sẽ sản xuất còn rẻ hơn.

    Amazon không chỉ đơn thuần là một công ty bán lẻ và phân phối đáng sợ mà còn là một nhà sản xuất khổng lồ. Hiện Amazon không chỉ thu mua và bán lại những sản phẩm với giá rẻ hơn so với các đối thủ bán lẻ khác, họ còn có thể sản xuất ra các dòng sản phẩm có giá tốt hơn các nhà sản xuất trên thị trường.

    Amazon Basics là dòng sản phẩm gia dụng do chính Amazon sản xuất, bao gồm sạc iPhone, loa Blue tooth, ba lô, pin và thậm chí là bao đựng phân chó.

    Bằng cách phối hợp đồng bộ giữa giữa sản xuất, bán lẻ và phân phối, các dòng sản phẩm này của Amazon có thể đến tay người tiêu dùng với giá thành rẻ hơn nhiều so với đối thủ. Hiện Amazon Basics vẫn đang được đầu tư để cho ra nhiều sản phẩm hơn trong tương lai.

    Lao động phổ thông cho kho hàng? Ý bạn là robot tự động?

    Amazon là một trong những công ty bị phàn nàn nhiều nhất về điều kiện làm việc trong kho hàng, mặc dù đã đầu tư cải thiện việc này, nhưng song song đó Amazon đang nỗ lực phát triển các hệ thống tự động nhằm loại bỏ hoàn toàn yếu tố con người ra khỏi kho hàng của mình.

    Vào năm 2012, Amazon mua lại Kiva Systems - công ty chuyên về robot và hệ thống tự động hóa kho hàng. Đến năm 2015, công ty này đổi tên thành Amazon Robotics và đưa vào thử nghiệm hệ thống robot có thể lấy, đóng gói và phân loại hàng hóa mà không cần sự hỗ trợ từ con người.

    Dự kiến trong tương lai hệ thống này sẽ được nhân rộng và phát triển hơn nữa, biến kho Amazon thành một kho tự động 100%.

    Và dự án đáng sợ nhất: Dragon Boat

    Bloomberg đã công bố một dự án dài hơi cho phép Amazon có thể đối đầu trực tiếp với UPS, FedEx và thậm chí là Alibaba. Dự án này bao gồm kế hoạch thuê hẳn nhiều máy bay và tàu container cỡ lớn để vận chuyển “độc quyền” cho Amazon.

    Kế hoạch này được Bloomberg giải thích là nhằm tạo nên "một mạng lưới thương mại toàn cầu, kết nối hàng hóa giữa nhà máy tại Trung Quốc và Ấn Độ đến thị trường chính của Amazon là Châu Âu và Châu Mỹ.”

    Kế hoạch đầy mạo hiểm này vượt qua tất cả thông lệ vận chuyển quốc tế lâu nay với hệ thống các nhà môi giới tàu và những hãng tàu. Amazon sẽ có thể "huy động hàng hóa từ hàng ngàn nhà cung cấp trên khắp thế giới, thúc đẩy họ chủ động mua các dịch vụ vận chuyển bằng đường bộ, máy bay và thậm chí là tàu container cỡ lớn để giảm chi phí so với các hãng vận chuyển thông thường". Nhờ đó giúp Amazon trở thành một địa chỉ cho toàn bộ nhu cầu thương mại và vận chuyển quốc tế.

    Với những nước cờ chuỗi cung ứng như trên, Amazon không những đang bỏ mặc đối thủ bằng tốc độ mà còn lên chiến lược dài hơi để cạnh tranh bằng giá cả và dịch vụ. Jeff Bezos không ngần ngại chịu lỗ ở nhiều mảng kinh doanh để ngày càng chiếm lấy thị phần và loại bỏ mọi rủi ro cạnh tranh.

    Liệu kế hoạch đầy tham vọng của Amazon có thành công và ai sẽ là người chặn bước kẻ khổng lồ này?

    Cuộc chiến không đội trời chung giữa Amazon và Alibaba ở chiến trường Đông Nam Á
    Lê Thanh Sang

    Theo Trí Thức Trẻ