Nhược điểm của vận đơn đường biển



    1. Vận đơn đường biển là gì?
      Bộ luật hàng hải 2005 quy định:
      Điều 73. Chứng từ vận chuyển Chứng từ vận chuyển bao gồm vận đơn, vận đơn suốt đường biển, giấy gửi hàng đường biển và chứng từ vận chuyển khác.

    Theo công ước của Liên hiệp quốc về chuyên chở hàng hóa bằng đường biển 1978 quy định:
    Điều 1. Các định nghĩa ...

    “Vận đơn đường biển” là một chứng từ làm bằng chứng cho một hợp đồng vận tải đường biển và cho việc người chuyên chở đã nhận hàng để chở hoặc xếp hàng xuống tàu và bằng vận đơn này, người chuyên chở cam kết sẽ giao hàng khi xuất trình nó.
    Một điều khoản trong chứng từ này quy định rằng lô hàng phải được giao theo lệnh của người được ghi đích danh hoặc giao theo lệnh, hoặc giao cho người cầm vận đơn chính là sự cam kết đó.
    Như vậy, vận đơn đường biển được hiểu là một chứng từ thực hiện các chức năng:

    Là bằng chứng về việc người vận chuyển đã nhận hàng hoá với số lượng, chủng loại, tình trạng như được ghi trong vận đơn để vận chuyển đến nơi trả hàng;

    Là bằng chứng về sở hữu hàng hoá dùng để định đoạt, nhận hàng;

    Là bằng chứng của hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường biển.

    1. Một số nhược điểm của vận đơn đường biển
      Thứ nhất, vấn đề về vận đơn đường biển không có đầy đủ chức năng Bộ luật hàng hải quy định:
      Điều 71. Các loại hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường biển Hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường biển bao gồm:

    2. Hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển là hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường biển được giao kết với điều kiện người vận chuyển không phải dành cho người thuê vận chuyển nguyên tàu hoặc một phần tàu cụ thể mà chỉ căn cứ vào chủng loại, số lượng, kích thước hoặc trọng lượng của hàng hoá để vận chuyển. Hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển được giao kết theo hình thức do các bên thoả thuận;

    3. Hợp đồng vận chuyển theo chuyến là hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường biển được giao kết với điều kiện người vận chuyển dành cho người thuê vận chuyển nguyên tàu hoặc một phần tàu cụ thể để vận chuyển hàng hoá theo chuyến. Hợp đồng vận chuyển theo chuyến phải được giao kết bằng văn bản.

    Như vậy, hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển gồm hai loại là hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển và hợp đồng vận chuyển theo chuyến. Tương ứng với hai loạt hợp đồng này là hai loại vận đơn: vận đơn thông thường (Conline bill) dùng cho hợp đồng vận chuyển theo chứng từ và vận đơn cấp theo hợp đồng thuê tàu (Congen bill) dùng cho hợp đồng vận chuyển theo chuyến.

    Trong đó, Conline bill có đầy đủ ba chức năng của một vận đơn (chúng tôi đã phân tích trên) còn Congen bill thường chỉ có chức năng làm bằng chứng về việc người vận chuyển đã nhận hàng hoá với số lượng, chủng loại, tình trạng như được ghi trong vận đơn để vận chuyển đến nơi trả hàng.

    Chính vì vậy, Congen bill, đúng như tên gọi của nó, phải được cấp theo hợp đồng thuê tàu (nghĩa là chỉ mình Congen bill không thể cung cấp đầy đủ nội dung thông tin liên quan đến vấn đề vận chuyển mà đi kèm với nó luôn phải có hợp đồng thuê tàu). Do đó, khi xảy ra tranh chấp, thường rất bất lợi cho bên nhận hàng trong hợp đồng vận chuyển hàng theo chuyến.

    Lấy một ví dụ đơn cử như sau: A và B ký hợp đồng vận chuyển theo chuyến (người giao hàng là A, người vận chuyển là B). Các giấy tờ có liên quan đến hợp đồng này gồm Congen bill và hợp đồng thuê tàu. Khi bốc hàng lên tàu, bên vận chuyển B ký phát cho bên A một Congen bill. Congen bill này sau đó sẽ được bên A gửi cho bên C để làm bằng chứng chứng minh tư cách nhận hàng của bên C. Khi tàu của B cập cảng, nảy sinh tranh chấp về vấn đề hàng hóa giữa B và C. Khi đó, ngoài Congen bill đang nắm giữ, bên C còn cần có cả hợp đồng thuê tàu để làm bằng chứng chứng minh các nội dung liên quan.

    Tuy nhiên, vấn đề lấy được hợp đồng thuê tàu giữa A và B là một việc khó khăn với bên C (vì bên C hoàn toàn không phải bên ký kết hợp đồng). Hơn nữa, trong trường hợp bên C lấy được hợp đồng thuê tàu thì nội dung hợp đồng thuê tàu này cũng có thể bất lợi cho C (Vì các nội dung trong hợp đồng là A và B thỏa thuận).

    Thứ hai, vấn đề về thời gian chuyển vận đơn. Nhiều khi hàng hoá đã đến cảng dỡ hàng nhưng người nhận không có vận đơn để nhận hàng vì thời gian hành trình của hàng hoá trên biển ngắn hơn thời gian gửi vận đơn từ người giao hàng đến người nhận hàng. Vấn đề này xuất phát từ nguyên nhân vận đơn không thích hợp với việc áp dụng các phương tiện truyền số liệu hiện đại tự động (fax, telex...) bởi việc sử dụng vận đơn trong thanh toán, nhận hàng.... đòi hỏi phải có chứng từ gốc.

    Ví dụ: D và E ký hợp đồng mua hàng hóa, trong đó thỏa thuận D có nghĩa vụ vận chuyển hàng hóa. D ký hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển với F. Sau khi F bốc hàng lên tàu, F ký phát cho D một vận đơn đường biển và bắt đầu khởi hành. D gửi cho E vận đơn qua đường bưu điện. Đến ngày nhận hàng, E tới cảng nhận hàng nhưng F không đồng ý vì E không có vận đơn chứng minh tư cách nhận hàng.


Hãy đăng nhập để trả lời