Dự báo xu hướng Logistics toàn cầu hậu COVID 19 (Phần 1)



  • Các công ty thương mại và logistics đã bắt đầu ước tính những hậu quả của dịch bệnh cho cả năm 2020, một số công ty vận tải đường bộ, đường hàng không và đường biển báo cáo sự sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019.

    Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

    COVID-19 được dự báo sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến thương mại toàn cầu hơn bất kỳ cuộc khủng hoảng nào gần đây.

    Tuy nhiên, những tác nhân trong nền kinh tế sẽ chiếm thế thượng phong của người bứt phá và dẫn đầu nếu họ đưa ra được các chiến lược và kế hoạch cho sự phục hồi dựa trên những kịch bản được tính toán hợp lý. Khả năng ổn định, tự kiểm soát và phục hồi sớm hiện nay được đánh giá là “sức mạnh” mới của một nền kinh tế và của mỗi doanh nghiệp nào trong bối cảnh khủng hoảng chung trên toàn cầu.

    Mặc dù Covid-19 là cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng với quy mô toàn cầu, nhưng đại dịch này đang tác động trực tiếp đến toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội và thậm chí là chính trị. Các quan sát cho thấy các tác nhân trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế phản ứng với những thách thức bằng các cách khác nhau, và nhiều nỗ lực đổi mới cũng ra đời. Các cuộc khủng hoảng thường là thời điểm để bùng nổ các phát minh và các phong trào đổi mới.

    Đại dịch sẽ rất có thể ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu lớn hơn nhiều những gì chúng ta đã thấy trong các cuộc khủng hoảng khác trong quá khứ. Mức độ gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ thay đổi tùy theo loại hàng hóa, các tuyến đường thương mại và phương thức vận tải, và đương nhiên bị ảnh hưởng bởi sự khác biệt về tình hình dịch bệnh ở mỗi khu vực địa lý.

    đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do covid 19.png

    Ở khía cạnh tích cực, cuộc khủng hoảng mang lại các cơ hội cho các công ty hậu cần và chuỗi cung ứng như: tham gia vào các thị trường mới, đổi mới các dịch vụ và đặt mình vào vượt lên các đối thủ cạnh tranh đang bị tác động nặng nề hơn bởi dịch bệnh... Những hiểu biết chi tiết về tác động của cuộc khủng hoảng trở nên rất quan trọng đối với các công ty khi họ chuyển từ quan điểm giải quyết các vấn đề tình huống, khẩn cấp sang lập kế hoạch cho sự quay trở lại thị trường và thích nghi với một điều kiện “bình thường mới”.

    Sử dụng mô hình dòng chảy thương mại “granular trade-flow”, các công ty có thể hiểu vị trí của họ trên thị trường và rủi ro trên các tuyến thương mại và hàng hóa trong cuộc khủng hoảng. Cách tiếp cận này nên được kết hợp với các kịch bản kinh tế vĩ mô để phát triển và thử nghiệm các chiến lược đối phó với khủng hoảng cũng như các diễn biến tiếp theo của dịch bệnh (ví dụ đợt bùng phát mới, sự biến đổi của dịch bệnh, tâm lý lo lắng, tình trạng suy thoái đầu tư, thói quen tiêu dùng thay đổi, những biến động trong nhân khẩu học... Do đó, các doanh nghiệp chủ hàng và các nhà cung cấp dịch vụ logistics cho họ buộc phải suy nghĩ về các kịch bản có khả năng xảy ra nhất và thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh để có thể tồn tại trong sự “bình thường mới” (next normal).

    Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey ước tính rằng nhu cầu thương mại toàn cầu có thể giảm tới 13 đến 22% trong quý hai và ba năm 2020. Trong khi đó, mức sụt giảm lớn nhất hàng quý về khối lượng thương mại trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 cũng chỉ là khoảng 5%.

    Các ước tính cho xu hướng thương mại toàn cầu bắt nguồn từ chín kịch bản, được phát triển bởi hai tổ chức là McKinsey (Hoa Kỳ) và Oxford economics (của Đại học Oxford- Vương quốc Anh), phác thảo mô hình các con đường khác nhau của nền kinh tế toàn cầu, dựa trên các giả định về hiệu quả của cả phản ứng chính sách kinh tế và y tế công cộng, cũng như cách các doanh nghiệp và hộ gia đình phản ứng với các sáng kiến ​​này. Mô hình chi tiết cung và cầu theo hàng hóa chỉ ra rằng hiệu ứng đối với thương mại toàn cầu sẽ lớn hơn đáng kể so với GDP toàn cầu (ước tính sẽ giảm 3 đến 8% vào năm 2020) và lâu hơn đáng kể. Trong các kịch bản được mô hình hóa, khối lượng giao dịch thương mại sẽ mất từ ​​15 đến 48 tháng để phục hồi lên mức đã đạt được trong quý IV / 2019 và tổng thiệt hại thương mại toàn cầu sẽ tương đương khoảng 8% đến 49% tổng khối lượng thương mại năm 2019.

    Các công ty thương mại và logistics đã bắt đầu ước tính những hậu quả của dịch bệnh cho cả năm 2020, một số công ty vận tải đường bộ, đường hàng không và đường biển báo cáo sự sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019.

    Nguồn: VITIC



  • Dự báo xu hướng logistics toàn cầu hậu Covid-19 (Phần 2)

    Tiếp theo phần 1:

    Nhận định trong báo cáo của hai tổ chức McKinsey và Oxford Economics cho rằng tác động của cuộc khủng hoảng sẽ thay đổi đáng kể tùy theo hàng hóa (hình dạng, kích cỡ hàng, các yêu cầu về bảo quản và đặc thù trong quá trình vận chuyển…) và thời gian chuỗi cung ứng hàng hóa đó bị gián đoạn. Sự gián đoạn được xác định bởi cả cú sốc cung- khi nhiều hoạt động sản xuất bị đình trệ vì các nước áp dụng các biện pháp phong tỏa/giãn cách xã hội và cú sốc cầu-do suy thoái kinh tế toàn cầu.

    Ví dụ, trong kịch bản dịch bệnh được khống chế tốt và can thiệp kinh tế hiệu quả một phần (kịch bản A1), khối lượng thương mại của ngành ô tô (hàng hóa đắt tiền, bền bỉ) trong ngắn hạn dự kiến ​​sẽ giảm hơn 50% do nhiều nhà máy ngừng hoạt động và tiêu dùng sụt giảm.

    Mặt khác, khối lượng giao dịch của ngũ cốc (mặt hàng cơ bản thiết yếu) có thể giảm không quá 5%. Nguồn cung sẽ chỉ giảm nhẹ do quá trình lưu thông trong khi sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tại nhà sẽ bù cho sự sụt giảm trong tiêu dùng ở bên ngoài.

    Mức độ mà mỗi phương thức vận chuyển và tuyến thương mại bị ảnh hưởng phụ thuộc vào hỗn hợp hàng hóa lưu thông trên tuyến đấy. Do đó, khi lập kế hoạch cho tương lai, do đó, các tác nhân trong chuỗi cung ứng (từ chủ hàng, chủ kho bãi, đơn vị vận tải…) đều phải tính toán các tác động qua lại giữa các yếu tố trong chuỗi, và thường cần được dựa trên các mô phỏng khoa học sử dụng dữ liệu đầy đủ, thậm chí là dữ liệu lớn (big data).

    Trong kịch bản A1, trong quý II năm 2020 nhu cầu đối với vận chuyển hàng hóa hàng không sẽ giảm 14% (về khối lượng) so với trước khủng hoảng và sẽ không tăng trở lại mức của năm 2019 cho đến khoảng giữa năm 2022.

    Sự sụt giảm nhu cầu đối với vận tải đường biển cũng tương tự, mặc dù việc phục hồi có thể mất nhiều thời gian hơn. Trong vận tải đường biển, phân khúc hàng khô sẽ ít bị ảnh hưởng so với hàng container, vì phân khúc này gồm nhiều loại hàng hóa cần thiết như hàng nông sản. Trọng tải hàng khô và hàng container sẽ giảm lần lượt 14% và 16% so với trước khủng hoảng.

    Trong phân khúc hàng hóa container, các đơn vị tương đương hai mươi feet (TEUs) sẽ chịu tác động lớn hơn, giảm 19% khối lượng so với trước khủng hoảng; điều này là vì phân khúc này có doanh thu lớn hơn và chi phí nhiên liệu cao hơn mức trung bình.

    Tác động của cuộc khủng hoảng đối với các tuyến thương mại riêng lẻ cũng sẽ thay đổi đáng kể theo diễn biến của COVID-19 của từng quốc gia và theo đó hàng hóa được vận chuyển trên làn thương mại. Ví dụ, trong thương mại container đường biển, trong kịch bản A1 mức sụt giảm của nhu cầu sẽ dao động trong khoảng 6% đối với hàng xuất khẩu của Nam Mỹ sang châu Âu (bao gồm chủ yếu là nông sản) đến 20% đối với một số mặt hàng xuất khẩu của châu Á (chủ yếu bao gồm máy móc và thiết bị).

    Nguồn: Global Trade Magazine

    Nếu các nỗ lực y tế cộng đồng cho phép kiểm soát dịch bệnh nhanh chóng và hiệu quả (kịch bản A3), thì sự suy giảm này có thể bị giới hạn ở mức khoảng 2% đến 11%; nhưng cũng có thể lên tới 8% đến 27% trong trường hợp các can thiệp kinh tế không hiệu quả (kịch bản B2).

    Theo các kịch bản mô phỏng bởi hai tổ chức McKinsey và Oxford Economics, tác động đối với hàng xuất khẩu của châu Á dường như lớn hơn so với nhập khẩu của châu lục này và tác động đối với các tuyến thương mại phía tây Đông có thể vượt quá các tuyến phía nam. Ngoài ra, khả năng ​​phục hồi của các trung tâm sản xuất và tiêu thụ, ví dụ như nền kinh tế Trung Quốc, Châu Âu và Hoa Kỳ cũng ảnh hưởng đến mức độ tác động tổng thể.

    Xác định chiến lược để chiến thắng khủng hoảng với sự hiểu biết chi tiết về các kịch bản thương mại và logistics

    Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đang dần thích nghi với khủng hoảng, đồng thời lên kế hoạch cho một sự bình thường mới. Dữ liệu về tác động của khủng hoảng đối với từng loại hàng hóa và quốc gia, tác động theo từng phương thức vận chuyển và tuyến thương mại là đầu vào cần thiết ba quá trình vượt qua khủng hoảng như sau:

    Thứ nhất là xây dựng kịch bản: Sự hiểu biết chi tiết, có căn cứ về các yếu tố ảnh hưởng đến cung và cầu chung sẽ cho phép các công ty phát triển quan điểm của riêng họ về kịch bản nào họ cần lập kế hoạch và những mô hình, giải pháp hay thậm chí nào sẽ phù hợp trong từng trường hợp.

    Thứ hai là xây dựng chiến lược thương mại: Dữ liệu chi tiết có thể tạo thành cơ sở của một hệ thống chỉ dẫn sớm cung cấp đánh giá thời gian thực về kịch bản phù hợp nhất tại bất kỳ thời điểm nào; giúp họ xác định các cơ hội ngắn hạn-tập trung vào lực lượng bán hàng, cung cấp sản phẩm và chiến lược giá.

    Thứ ba là triển khai chiến lược hoạt động: Mô hình cung và cầu từ dưới lên có thể được sử dụng để điều chỉnh công suất và chi tiêu vốn nhanh chóng khi hình dạng quá trình phục hồi (hình chữ V, hay chữ U…) trở nên rõ ràng hơn.

    Chẳng hạn, một công ty giao nhận vận tải hàng không hoặc đường biển muốn định vị sự phục hồi, sẽ cần phải biết thị phần và hiệu suất của chính mình trên thị trường cho từng tuyến thương mại và sự thay đổi trong nhu cầu thương mại. Các câu trả lời phải được điều chỉnh cho phù hợp với những diễn biến trong thực tế. Họ cũng cần điều chỉnh lại các cam kết về năng lực trong các tuyến thương mại bị ảnh hưởng nặng nhưng lại là nơi họ có thị phần lớn. Đồng thời, cũng cần triển khai lại các đội bán hàng để tăng thị phần trong các tuyến thương mại nơi họ có thị phần nhỏ nhưng lại ít bị tác động bởi khủng hoảng.

    Cách tiếp cận hàng hóa và đường hàng hóa tương tự cũng nên được sử dụng bởi các ga, cảng, bến bãi… để để hỗ trợ lập kế hoạch khôi phục năng lực cung ứng dịch vụ cũng như chiến lược thương mại hậu Covid-19 của họ.

    Ví dụ, đối với các kịch bản được lựa chọn, một nhà điều hành cảng có thể mô hình hóa tác động dự kiến ​​của cuộc khủng hoảng đối với các đối tác xuất khẩu, nhập khẩu lớn nhất của họ (có thể là các quốc gia hoặc các tập đoàn đa quốc gia...) và sử dụng dữ liệu này để xây dựng và vận hành chiến lược hậu Covid-19. Họ có thể quyết định quản lý năng lực và đưa ra kế hoạch cụ thể cho lực lượng lao động của mình một cách linh hoạt cho đến khi nhu cầu phục hồi hoàn toàn. Việc tranh thủ triển khai các dự án/hoạt động bảo trì cũng nên được cân nhắc đến trong giai đoạn “rỗi việc” như hiện nay. Ngoài ra, các cảng biển cũng có thể tiếp cận với các hãng tàu để mức giá hấp dẫn, qua đó tăng thông lượng để đảm bảo nguồn thu thường xuyên không bị sụt giảm quá mạnh…

    Nguồn: VITIC biên dịch