Vai trò của chuỗi cung ứng và quản trị chuỗi cung ứng SCM



  • Chuỗi cung ứng là sự liên kết giữa các công ty nhằm mục đích đưa sản phẩm/dịch vụ vào thị trường. Chuỗi cung ứng cũng như quản trị chuỗi cung ứng đóng một vai trò quan trọng, quyết định sự thành công của thương hiệu trong giai đoạn hiện nay. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn về tầm quan trọng cũng như vai trò của chuỗi cung ứng và quản trị chuỗi cung ứng.

    Trước khi tìm hiểu về vai trò của chuỗi cung ứng và quản trị chuỗi cung ứng, bạn có thể đọc để hiểu Chuỗi cung ứng là gì? - Quản trị chuỗi cung ứng là gì?.

    Vai trò của chuỗi cung ứng
    Bạn có biết một bộ quần áo phải trải qua quá trình nào để có thể đến được tay của người tiêu dùng không? Đó là một quá trình dài, gồm nhiều khâu, bắt đầu từ việc nhà cung cấp cung cấp các nguyên vật liệu như vải, chỉ,… sau đó các nhà máy và xưởng sẽ gia công vải them mẫu mã. Tiếp đến, chúng sẽ được vận chuyển đến các công ty, đại lý, cửa hàng sỉ lẻ và đến tay người tiêu dùng.
    Qua ví dụ trên, ta có thể thấy được chuỗi cung ứng tham gia vào hầu như tất cả các hoạt động diễn ra hàng ngày. Chính vì vậy, chuỗi cung ứng đóng một vai trò rất quan trọng.
    Vai trò của quản trị chuỗi cung ứng

    Vai trò của quản trị chuỗi cung ứng là gì

    Trong kinh doanh, khi giá bán và thu mua ngày càng bị siết chặt, hơn 90% các CEO trên thế giới đã đặt yếu tố quản trị chuỗi cung ứng (SCM) lên hàng đầu. Khi thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, yếu tố này tác động lớn đến việc chiếm lĩnh thị trường và sự tín nhiệm của khách hàng. Quản trị chuỗi cung ứng tốt, doanh nghiệp không những đạt được lợi nhuận cao, mà còn có thể vượt xa các đối thủ cạnh tranh trong ngành và ngày càng phát triển bền vững. Trên thế giới, nhờ có chuỗi cung ứng hiệu quả mà các tập đoàn lớn như Apple, Sam Sung, Coca-Cola… đã đạt lợi nhuận cao hơn 40% so với đối thủ.

    Việc quản lý cung ứng SCM (Supply chain management) đóng vai trò quan trọng trong các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xây dựng trong tình hình hiện nay khi cạnh tranh trên thị trường ngày càng cao, giá bán cũng như giá thu mua ngày càng bị quản lý chặt chẽ hơn.
    Hoạt động quản trị chuỗi cung ứng tác động rất lớn đến khả năng vươn xa của doanh nghiệp, khả năng chiếm lĩnh thị trường, cũng như sự tín nhiệm của khách hàng. Nếu quản lý chuỗi cung ứng tốt thì doanh nghiệp không những có thể thu được lợi nhuận cao mà còn có thể vượt xa các đối thủ cạnh tranh trong ngành.

    Ví dụ điển hình mà ta có thể thấy đó là sự thành công của Wal-Mart. Wal-Mart đã vượt mặt Kmart và trở thành nhà bán lẻ lớn nhất thế giới. Tổng Giám đốc của Kmart đã phải thừa nhận rằng chính chuỗi cung ứng là yếu tố ảnh hưởng đến sự thất bại của Kmart.
    Mục đích chủ yếu của bất kì một chuỗi cung ứng nào chính là nhằm thỏa mãn và đáp ứng nhu cầu khách hàng trong quá trình tạo ra lợi nhuận cho chính doanh nghiệp. Chính vì vậy, quản lý chuỗi cung ứng SCM cũng tác động đến chất lượng dịch vụ khách hàng bằng việc đảm bảo phân phối một cách kịp thời và đầy đủ một loại sản phẩm nào đó tới khách hàng, triển khai đáp ứng khách hàng một cách hiệu quả. Qua khâu này, doanh nghiệp có thể giảm chi phí lưu kho sản phẩm cũng như lượng tồn kho.

    Bên cạnh đó, việc quản trị chuỗi cung ứng SCM hiệu quả cũng mang lại một số lợi ích khác cho doanh nghiệp như

    Giảm thiểu lượng hàng tồn kho từ 25-60%
    Giảm thiểu chi phí cho chuỗi cung ứng từ 25-50%
    Tăng lợi nhuận sau thuế
    Cải thiện vòng cung ứng đơn hàng
    Tăng độ chính xác trong việc dự báo sản xuất
    Giảm chi phí giá thành mỗi sản phẩm và nâng cao lợi nhuận