Trãi qua vài trăm năm phát triển, ngành vận tải biển đóng một vai trò to lớn cho sự phát triển không chỉ về kinh tế mà nó còn giúp cả thế giới kết nối, với nhau về cả văn hóa, chính trị, … Để rút ngắn các tuyến đường này mà không cần phải đi đường vòng qua rất nhiều nước, những kênh đào được xây dựng nên mà trong đó nổi tiếng nhất là Kênh đào Suaez và Panama. Những kênh đào này đem lại lợi ích kinh tế rất lớn cho nước đi qua mà còn cho tất cả các tàu thuyền qua lại. Ở Đông Nam Á cũng đã có một ý tưởng về một kênh đào như thế-Kênh đào Kra cắt ngang Thái Lan. Hãy cùng New Golden Sea tìm hiểu về dự án này nhé.
Một nhóm chuyên gia bao gồm các tướng lĩnh nghỉ hưu, nhiều nhà chính trị, nhà nghiên cứu và doanh nhân thân với Trung Quốc đã tái đề xuất lên chính phủ Thái Lan một “siêu dự án” có chi phí ước tính 35 tỷ USD. Dự án kênh đào Kra sẽ kéo dài 135 km xuyên qua Thái Lan, kết nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Hình ảnh kênh đào
Tuy nhiên, ý tưởng đào một con kênh xuyên Thái Lan không phải là mới. Trên thực tế, vào khoảng thế kỷ 17, một nhà vua Thái đã từng yêu cầu thuộc hạ của mình báo cáo về tính khả thi của ý tưởng này. Và hai thế kỷ sau, dư luận một lần nữa “dậy sóng” khi Ferdinand de Lesseps – cha đẻ của kênh đào Suez bày tỏ quan điểm đồng tình với dự án thế kỷ này.
Rất dễ dàng để thấy tại sao không chỉ người dân Thái mà còn nhiều nước khác trên thế giới đang kỳ vọng vào dự án Kênh đào Kra. Được ví như là kênh đào Suez hay kênh đào Panama của Châu Á, dự án khổng lồ này có khả năng rút ngắn hơn 1.200 km hành trình, tương đương với 2 hoặc 3 ngày lênh đênh trên biển. Đặc biệt là dự án Kênh đào Kra sẽ giúp hàng trăm con tàu mỗi ngày không phải chen chút qua eo biển Malacca nhỏ hẹp và đầy cướp biển.
Ước tính trung bình một tàu cỡ lớn có thể tiết kiệm đến hơn 350.000 USD chi phí vận hành nếu băng qua kênh đào Kra.
Eo biển Malacca hiện là “con đường độc đạo” hướng Tây kết nối giữa các nền kinh tế lớn của Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản với các mỏ dầu Trung Đông cũng như thị trường Âu – Mỹ khổng lồ. Vào năm ngoái, ít nhất 84.000 tàu đã băng qua eo biển Malacca.
Một báo cáo gần đây trên trang Nikkei Asian Review cho thấy rất nhiều tổ chức và cá nhân có tiếng đang ra sức thuyết phục Thủ tướng Prayuth Chan-ocha về tính khả thi và lợi ích của Kênh đào Kra. Dự án khổng lồ này rất có thể được Trung Quốc “hào phóng” tài trợ khi nó nằm trong hướng phát triển của một dự án tỷ đô khác là ‘Con đường tơ lụa trên biển’ của Trung Quốc, hay còn biết đến với tên gọi ‘Vành đai và con đường’.
Một cựu tướng quân đội Thái Lan và là thành viên của Hiệp hội kênh đào Thái cho hay: “Chúng tôi hy vọng sẽ đem được tiếng nói chung tới chính phủ và thúc đẩy họ nghiêm túc xem xét dự án này. Kênh đào Kra chắc chắn sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho quốc gia, nhưng tiếc rằng hiện nay nó vẫn còn bị bỏ ngỏ.”
Trung Quốc sẽ là một trong những bên được lợi nhất từ con kênh rộng 450 mét, sâu 26 mét và có khả năng cho phép những con tàu lớn nhất thế giới hiện nay đi qua. Kênh đào Kra hứa hẹn sẽ thu hút hơn 30% lượng hàng hóa hiện tại đang đi qua Singapore và thay đổi hoàn toàn cục diện hàng hải khu vực.
Tiềm năng là thế, nhưng vài thế kỷ trôi qua và Kênh đào Kra vẫn nằm trên giấy
Luồng hàng hóa
Thủ tướng Thái Lan, Ông Prayuth, bày tỏ quan ngại với công chúng vào tháng 6 năm nay và tuyên bố rằng ông không ủng hộ dự án vì nó có thể góp phần chia cắt thêm đất nước, nơi hiện tại vẫn còn nhiều cuộc binh biến và tình hình chính trị không ổn định ở phía Nam.
Vào đầu năm nay, chính phủ Singapore cho rằng hiện tại còn quá sớm để kết luận ảnh hưởng của kênh đào Kra lên cảng Singapore nói riêng và kinh tế trong cả khu vực nói chung.
“Chúng tôi biết các nước trong khu vực đang ra sức đầu tư để phát triển kinh tế cảng biển. Dù các dự án ở nước khác như thế nào, Singapore chỉ biết phản hồi bằng cách tiếp tục phát triển để dẫn đầu khu vực. Không chỉ hướng đến cảng lớn hơn, chúng tôi sẽ hướng đến cảng thông minh hơn.”
Vai trò của Trung Quốc trong dự án Kênh đào Kra
Trung Quốc sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất từ dự án này. Ngoài việc cắt giảm thời gian và chi phí di chuyển qua eo biển Malacca, kênh đào Kra còn cho phép nền thương mại của Trung Quốc bớt phụ thuộc vào những tuyến đường “độc đạo” đi qua Indonesia và Singapore.
Trường Đại Học Peking Bắc Kinh và Công ty đầu tư Grand Dragon International của Trung Quốc luôn tích cực hỗ trợ khảo sát và cung cấp thông tin cho các tổ chức ủng hộ kênh đào Kra.
Vào năm 2005, một báo cáo của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị cho một dự án “lớn” tại Thái Lan với hơn 30.000 lao động và thời gian thi công lên đến hơn 10 năm.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đang tiếp cận vấn đề này một cách rất thận trọng, nhất là khi đây là một dự án cực kì “nhạy cảm” với Singapore, đầu mối trung chuyển lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Và như thế, mặc dù lợi ích cả về kinh tế lẫn ngoại giao không thể nào đếm hết được từ Kênh đào Kra, nhưng dự án này vẫn chưa thể ra được khỏi bàn giấy.
Vậy đấy các bạn, một dự án có tiềm năng to lớn như kênh đào Kra nhưng phải đặt trong tình hình lợi ích quốc gia. Hãy cùng chờ xem siêu dự án này có thể được thi công lúc nào nhé và cùng hy vọng Việt Nam chúng ta cũng có những công trình lớn thu hút ngành vận tải biển góp phần thúc đầy kinh tế nước nhà.