Đăng ký kiểm xe nâng, máy xúc, máy đào



  • Đăng kiểm xe nâng, máy xúc, máy đào… thế nào?
    Bạn muốn làm thủ tục đăng kiểm xe nâng, máy xúc, máy đào… mới nhập khẩu? Bài viết này sẽ hướng dẫn chi tiết về các bước cần thiết.

    Thực ra, xe nâng, máy xúc… được gọi chung là xe máy chuyên dùng, gồm những loại phổ biến sau:

    Máy & thiết bị làm đất: máy ủi, máy xúc, máy đào, máy san, máy cạp…
    Máy & thiết bị gia cố nền móng: xe lu, máy đóng cọc, máy ép nhổ cọc, máy khoan cọc nhồi…
    Máy & thiết bị sản xuất bê tông: máy nghiền đá, máy sàng đá, máy bơm bê tông…
    Máy & thiết bị nâng: xe nâng, cần trục.
    Để làm thủ tục hải quan nhập khẩu, bạn phải tiến hành đăng kiểm cho những loại xe, máy này. Thuật ngữ đầy đủ là “đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường”. Vì dài và khó nhớ, nên mọi người thường gọi ngắn gọn là “đăng kiểm” cho nhanh.

    Hồ sơ đăng kiểm xe nâng
    Trước hết, bạn cần lưu ý, nghị định 187 cấm nhập xe nâng, máy xúc… có số khung, số máy bị dập lại, cho dù là xe cũ hay mới. Nếu cố ý hoặc vô ý nhập về sẽ không làm được đăng kiểm, và hải quan sẽ tịch thu ngay.

    Theo quy định tại Điều 4 – Thông tư 41/2011/TT-BGTVT, bạn cần chuẩn bị hồ sơ về Đăng kiểm xe máy chuyên dùng như sau:

    Giấy đăng ký đăng kiểm, theo mẫu: 1 bản chính gồm 3 trang, ký đóng dấu vào chỗ người nhập khẩu, và đóng dấu giáp lai 2 trang đầu.
    Hóa đơn thương mại: 1 bản chụp
    Bản xác nhận giá trị hàng nhập khẩu: 1 bản chính (theo mẫu).
    Chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất (Certificate of Quality – C/Q)
    Tài liệu kỹ thuật
    Trường hợp là xe cũ, không có C/Q hay tài liệu kỹ thuật, thì bạn nên hỏi cán bộ đăng kiểm để được làm công văn trình bày. Sau khi kiểm tra thực tế sẽ trả sau cũng được.

    Các bước làm thủ tục đăng kiểm xe nâng nhập khẩu
    Bước 1: Làm hồ sơ như tôi vừa nêu trên.

    Bước 2: Nộp hồ sơ tại Đội kiểm tra chất lượng xe cơ giới – thuộc Chi cục đăng kiểm nào bạn thấy thuận tiện. Xem danh sách địa điểm các đội đăng kiểm tại đây.

    Bước 3: Cán bộ tiếp nhận sẽ xem hồ sơ. Nếu hồ sơ sai, hoặc thiếu, thì bạn bổ sung chỉnh sửa. Khi đã đầy đủ, hợp lệ, thì cán bộ sẽ hẹn bạn giờ quay lại lấy số đăng ký. Ở Hải Phòng bên tôi đi làm thì thường đợi một buổi, chẳng hạn: sáng nộp chiều lấy.

    Bước 4: Nhận Giấy đăng ký đã được cấp số và có dấu xác nhận của Đăng kiểm, cùng Bản xác nhận giá trị hàng nhập khẩu (để sau tính lệ phí đăng kiểm).

    Bước 5: Bạn scan giấy đăng ký để truyền cùng tờ khai hải quan. Sau đó nộp giấy này cùng bộ hồ sơ hải quan. Khi cán bộ hải quan xem xong và đồng ý cho hàng về kho bảo quản thì bố trí kéo hàng về, và lấy tờ khai “tạm giải phóng”. Khi kéo hàng về kho (hoặc để hàng luôn tại bãi cảng, nếu không cần tạm giải phóng), cần khẩn trương lắp đặt chạy thử để xe sẵn sàng cho kiểm tra đăng kiểm. Đồng thời tìm vị trí và kiểm tra lại số khung số máy để đảm bảo tính chính xác (sai là toi đấy!).

    Bước 6: Mời kiểm tra thực tế – bạn nộp cho cơ quan Đăng kiểm 1 bản chụp tờ khai hải quan và Giấy đăng ký thay đổi địa điểm thời gian kiểm tra (trang 3 Giấy đăng ký nêu trên). Khi Đội đăng kiểm phân cán bộ xong sẽ thông báo cho bạn qua điện thoại ngày giờ dự kiến, và số điện thoại cán bộ kiểm tra hiện trường. Tốt nhất là bên bạn thu xếp phương tiện đưa đón cán bộ cho nhanh, vì nếu để họ thu xếp đến địa điểm ở xa thì phải chờ bố trí mất khá lâu thời gian (xe công vụ không có sẵn mà).

    Bước 7: Khi cán bộ đăng kiểm đến kiểm tra hiện trường, bạn cần bố trí người có thể vận hành thử máy trơn tru, chỉ chỗ số khung số máy để chụp ảnh. Đồng thời, bạn cũng có thể quan tâm một chút với cán bộ hiện trường để công việc được nhanh chóng, vui vẻ.

    Bước 8: Chờ kết quả đăng kiểm, thường sau 7-10 ngày làm việc. Khi có kết quả, bạn đến nộp lệ phí và lấy kết quả (thường có 3 liên). Nộp kết quả, liên dùng để thông quan, cho hải quan để hoàn tất việc thông quan hàng hóa.

    Nguồn: Sưu tầm, tổng hợp và biên tập