Reverse Logistics (Logistics Ngược, Logistics Thu Hồi) Là Gì?



  • Reverse logistics (Logistics ngược, Logistics thu hồi) là quá trình lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát một cách hiệu quả dòng chảy của nguyên liệu, bán thành phẩm và thông tin có liên quan từ các điểm tiêu thụ đến điểm xuất xứ với mục đích thu hồi lại giá trị hoặc xử lý một cách thích hợp.

    Môi trường Logistics được đánh giá ngày càng trở nên năng động, phức tạp và không ổn định. Cạnh tranh ngày một gia tăng ở hầu hết các thị trường và gay gắt hơn trước rất nhiều. Vòng đời sản phẩm ngày một ngắn đi và điều kiện kinh doanh thì luôn thay đổi. Tất cả những yếu tố này buộc các công ty phải thay đổi chiến lược kinh doanh của mình.

    Các công ty – dù quy mô lớn hay bé đều phải đối mặt với rất nhiều những vấn đề mới phát sinh như Logistics toàn cầu (Global Logistics), sự xuất hiện đa dạng của các loại hình cung cấp dịch vụ Logistics (3PLs, 4PLs, 5PLs), Logistics thương mại điện tử (E-Logistics), đối tác Logistics (Logistics Partnerships) và Logistics thu hồi (Reverse Logistics).

    KHÁI NIỆM LOGISTICS NGƯỢC, LOGISTICS NGƯỢC KHÁC LOGISTICS XUÔI NHƯ THẾ NÀO?
    Logistics ngược có những đặc trưng khác biệt căn bản so với logistics xuôi. Bảng so sánh dưới đây sẽ mô tả những khác biệt đó.

    LOGISTICS NGƯỢC
    LOGISTICS XUÔI
    Dự báo khó khăn hơn Dự báo tương đối đơn giản hơn
    Vận chuyển từ nhiều điểm tới một điểm Vận chuyển từ một điểm tới nhiều điểm
    Chất lượng sản phẩm không đồng nhất Chất lượng sản phẩm đồng nhất
    Bao bì sản phẩm thường đã bị phá hủy Bao bì sản phẩm nguyên vẹn, tiêu chuẩn hóa
    Giá cả phụ thuộc vào nhiều yếu tố Giá cả tương quan đồng nhất
    Tốc độ thường không được xem là ưu tiên Tốc độ là quan trọng
    Chi phí không thể nhìn thấy trực tiếp Chi phí có thể giám sát chặt chẽ
    Quản lý dự trữ không nhất quán Quản lý dự trữ nhất quán
    Mâu thuẫn về sở hữu và trách nhiệm vật chất Sở hữu và trách nhiệm vật chất rõ ràng

    MÔ HÌNH VÀ QUY TRÌNH LOGISTICS NGƯỢC
    Dòng logistics ngược được hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau như: thu hồi các sản phẩm không bán được để nâng cấp; thu hồi các sản phẩm có khuyết tật để sửa chữa; thu hồi sản phẩm đã sử dụng để tháo dỡ và tái sử dụng một phần; thu hồi và tái sử dụng bao bì…

    Quy trình logistics ngược được thực hiện theo 4 giai đoạn như trong hình dưới đây:

    Bước đầu tiên trong quy trình logistics ngược là “Tập hợp” bao gồm các hoạt động cần thiết để thu về các sản phẩm không bán được, sản phẩm khuyết tật hay bao bì và vận chuyển chúng tới điểm phục hồi. Tại điểm phục hồi, sản phẩm sẽ được “Kiểm tra” thông qua các hoạt động như kiểm tra chất lượng sản phẩm, chọn lọc và phân loại sản phẩm. Kết quả của giai đoạn 2 là căn cứ quan trọng và cần thiết để xác định quá trình tiếp theo cho hầu hết các sản phẩm thương mại.
    Trong giai đoạn 3 “Xử lý”, khi một sản phẩm được thu hồi ngược trở lại, DN sẽ có nhiều cách xử lý:
    (1) Tái sử dụng trực tiếp hoặc bán lại
    (2) phục hồi sản phẩm (sửa lại, làm mới lại, sản xuất lại, tháo để lấy phụ tùng…)
    (3) xử lý rác thải (thiêu đốt hoặc thải ra môi trường).
    Bán lại được áp dụng khi các sản phẩm được đưa vào thị trường nào đó khá lâu nhưng không bán được vì không có nhu cầu hoặc nhu cầu đã bão hòa có thể được thu hồi để chuyển sang bán ở thị trường khác đang có nhu cầu hoặc bán thông qua các cửa hàng giảm giá.
    Tái sử dụng là trường hợp chất lượng sản phẩm thu hồi vẫn đảm bảo để có thể quay vòng tiếp tục sử dụng như linh kiện, các loại bao bì sử dụng nhiều lần (chai, lọ thủy tinh), pallet, container và các hầu hết các thiết bị thuê ngoài.
    Đối với các sản phẩm mà công dụng, màu sắc, kiểu dáng, tính năng… của nó không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng thì cần phải phục hồi thông qua việc sửa chữa, nâng cấp, làm mới, sản xuất lại… rồi sau đó lại được tiếp tục đưa vào mạng phân phối.
    Đối với những sản phẩm, bao bì không thể xử lý được dưới các hình thức trên vì điều kiện tồi tệ của nó hay vì trách nhiệm luật pháp và giới hạn về môi trường, DN sẽ cố gắng để vứt bỏ sản phẩm với chi phí thấp nhất.
    Giai đoạn cuối cùng là “Phân phối lại” sản phẩm đã phục hồi. Giai đoạn này đề cập đến các hoạt động logistics để đưa lại sản phẩm vào thị trường và chuyển nó cho khách hàng như các hoạt động dự trữ, bán hàng và vận chuyển.

    TẠI SAO CẦN QUAN TÂM ĐẾN REVERSE LOGISTICS?

    Những tiêu chí Logistics này đã trở thành những tiêu chuẩn chung cho hầu hết các công ty và là những yêu cầu cơ bản của khách hàng. Khi hầu như công ty nào cũng đạt được những tiêu chí trên thì những yếu tố khác sẽ tạo ra sự khác biệt, ảnh hưởng đến quyết định mua của khách hàng. Một trong các yếu tố ngày càng trở nên quan trọng đó chính là Logistics thu hồi (Reverse Logistics). Khá nhiều công ty đã đưa ra các giải pháp liên quan đến Logistics thu hồi, tuy nhiên không nhiều trong số này đưa ra được các giải pháp tối ưu.

    Với nhiều lý do như chi phí, sự hài lòng của khách hàng và doanh thu – Logistics thu hồi đang trở thành một phần quan trọng trong chiến lược chuỗi cung ứng hiện tại và tương lai. Nhiều công ty đã bắt đầu tìm hiểu Logistics thu hồi và đặt ra những tiêu chuẩn ngành trong hoạt động này. Nhiều công ty trên thế giới thậm chí đã nhận được chứng nhận ISO về quy trình Logistics thu hồi của họ.

    Những nhà cung cấp dịch vụ Logistics bên thứ ba (3PLs) chuyên về mảng Logistics thu hồi đã dự đoán được sự gia tăng về nhu cầu của dịch vụ này trong tương lai. Một số số liệu thống kê dưới đây sẽ phản ánh phần nào tầm quan trọng của Logistics thu hồi:
    • Chi phí Logistics thu hồi chiếm từ 0,5% đến 1% trong tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Mỹ. Tổng thu nhập quốc nội của Mỹ năm 2008 là 14,29 nghìn tỷ đô la Mỹ.
    • Doanh thu bán lẻ hàng hóa trên mạng của Mỹ năm 2008 đạt 147,6 tỷ đô la Mỹ và dự đoán trong năm 2009 đạt 165,9 tỷ đô la Mỹ. Trong khi đó, tỷ lệ thu hồi hàng hóa bán lẻ trên mạng chiếm 6,3% thay đổi tùy loại sản phẩm và tùy thời gian trong năm.
    • 95% người tiêu dùng thích trả lại sản phẩm được mua trên mạng tại một địa điểm cụ thể hơn; 43% thường sử dụng lựa chọn này nếu có thể; 37% người mua hàng trên mạng và 54% những người lướt web ngại mua hàng trên mạng bởi vì việc trả lại và đổi hàng rất khó khăn.
    • Chi phí thực hiện việc thu hồi hàng hóa có thể cao từ 2 đến 3 lần so với việc xuất khẩu hàng đi nước ngoài.