Tìm hiểu thêm về vận tải đa phương thức và kinh doanh vận tải đa phương thức



  • Vận tải đa phương thức là việc vận chuyển hàng hóa bằng ít nhất hai phương thức vận tải khác nhau trên cơ sở hợp đồng vận tải đa phương thức.

    Ngày 12 tháng 7 năm 2013, Bộ Giao thông vận tải đã có Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGTVT - Nghị định về vận tải đa phương thức, quy định về hoạt động vận tải đa phương thức bao gồm vận tải đa phương thức quốc tế và vận tải đa phương thức nội địa.
    Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức đăng ký kinh doanh vận tải đa phương thức bao gồm: doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về đầu tư và hợp tác xã được thành lập theo quy định của pháp luật về hợp tác xã của Việt Nam; các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải đa phương thức.

    Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về vận tải đa phương thức. Vận tải đa phương thức là việc vận chuyển hàng hóa bằng ít nhất hai phương thức vận tải khác nhau trên cơ sở hợp đồng vận tải đa phương thức.

    Hàng hóa vận tải đa phương thức quốc tế được miễn kiểm tra thực tế hải quan, trừ một số trường hợp nếu nghi ngờ có dấu hiệu vận chuyển ma túy, vũ khí và các loại hàng cấm khác.

    Doanh nghiệp, hợp tác xã Việt Nam chỉ được kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế khi có đủ các điều kiện: i) Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong đó có đăng ký ngành nghề kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế; ii) Duy trì tài sản tối thiểu tương đương 80.000 SDR hoặc có bảo lãnh tương đương; iii) Có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vận tải đa phương thức hoặc có bảo lãnh tương đương; iv) Có Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế.

    Doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam chỉ được kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế khi có đủ các điều kiện: i) Là doanh nghiệp có Giấy chứng nhận đầu tư trong đó có đăng ký ngành nghề kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế;ii) Có tài sản tối thiểu tương đương 80.000 SDR hoặc có bảo lãnh tương đương; iii) Có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vận tải đa phương thức hoặc có bảo lãnh tương đương; iv) Có Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế.

    Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế bao gồm:
    a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế (theo mẫu tại Phụ lục I).
    b) Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc bản sao chứng thực Giấy phép đầu tư trong đó có đăng ký ngành nghề kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế.

    c) Xác nhận giá trị tài sản doanh nghiệp của cơ quan tài chính quản lý doanh nghiệp hoặc Kiểm toán Nhà nước, doanh nghiệp kiểm toán. Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện kiểm toán thì phải được tổ chức ngân hàng bảo lãnh tương đương.
    Hồ sơ này được gửi tới Văn phòng Bộ Giao thông vận tải(trực tiếp hoặc qua đường bưu chính). Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế cho doanh nghiệp theo mẫu tại Phụ lục III của Nghị định này. Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế có giá trị 05 năm kể từ ngày cấp.

    Chỉ doanh nghiệp, hợp tác xã Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam mới được kinh doanhvận tải đa phương thức nội địa và phải đáp ứng các điều kiện sau:

    a) Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong đó có đăng ký ngành nghề kinh doanh vận tải đa phương thức;
    b) Có hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vận tải đa phương thức.

    Người kinh doanh vận tải đa phương thức phải chịu trách nhiệm về:

    hàng hóa kể từ khi tiếp nhận hàng cho đến khi giao trả hàng cho người nhận hàng;

    mọi hành vi và sai sót của người làm công hoặc đại lý của mình, khi họ đã hành động trong phạm vi được thuê, hoặc mọi hành vi và sai sót của bất cứ người nào khác mà người kinh doanh vận tải đa phương thức sử dụng dịch vụ của họ để thực hiện hợp đồng vận tải đa phương thức;

    tổn thất do mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa hoặc do việc giao trả hàng chậm gây nên, nếu sự việc đó xảy ra trong thời hạn và phạm vi trách nhiệm quy định tại Nghị định này, trừ khi người kinh doanh vận tải đa phương thức chứng minh được mình, người làm công, đại lý hoặc bất cứ người nào khác quy định tại Điều 18 Nghị định này đã thực hiện các biện pháp hợp lý trong khả năng cho phép của mình nhằm tránh hậu quả xấu xảy ra.

    thanh toán chi phí giám định, ngay cả khi người nhận hàng yêu cầu giám định, nếu không chứng minh được rằng hàng hóa bị mất mát, hư hỏng ngoài phạm vi trách nhiệm của mình.

    tổn thất tiếp theo do giao trả hàng chậm, khi người gửi hàng đã có văn bản yêu cầu giao trả hàng đúng hạn và văn bản đó đã được người kinh doanh vận tải đa phương thức chấp nhận.

    Việc tính tiền bồi thường do mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được thực hiện trên cơ sở tham khảo giá trị của hàng hóa đó tại địa điểm và thời gian hàng hóa được giao trả cho người nhận hàng hoặc tại địa điểm và thời gian đáng lẽ hàng hóa được giao trả theo quy định của hợp đồng vận tải đa phương thức.

    Mọi khiếu nại, khởi kiện liên quan tới việc thực hiện hợp đồng vận tải đa phương thức nói trong Nghị định này bao gồm cả tranh chấp trong hợp đồng và ngoài hợp đồng đều phải giải quyết theo quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan. Thời hạn khiếu nại do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng vận tải đa phương thức, nếu không có thỏa thuận thì thời hạn khiếu nại là 90 ngày, kể từ khi hàng hóa được giao trả xong cho người nhận hàng.

    Kèm theo Nghị định là 4 phụ lục về Mẫu đơn xin cấp/cấp lại giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức; Mẫu giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức; Mẫu công văn đề nghị xác nhận mẫu chứng từ vận tải đa phương thức

    Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2009 và bãi bỏ Nghị định số 125/2003/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về vận tải đa phương thức quốc tế. Các tổ chức đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức còn thời hạn theo Nghị định số 125/2003/NĐ-CP phải làm thủ tục xin cấp lại Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức sau khi hết hạn hiệu lực của Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức