Vận tải đa phương thức Quốc tế và những điều cần biết



  • Vận tải đa phương thức trước khi có công ước về vận tải đa phương thức quốc tế
    Trong công cuộc phát triển vận tải chuyên chở hàng hóa giao lưu quốc tế, người ta ngày càng nâng cao, hoàn thiện các phương thức vận tải riêng lẻ, vận tải đường biển, đường bộ, đường sắt,vận tải đường hàng không (một số nơi còn vận tải đường ống). Đó là những phương thức vận tải đơn lẻ, vận tải đơn phương thức (Unimodal transport). Nhưng hoàn cảnh thực tế đòi hỏi phải liên kết những phương thức đó lại với nhau để thu được hiệu quả lớn hơn, lợi nhuận cao hơn. Người ta gọi đó là tổ chức vận tải liên hợp (Intermodal transport).

    Vận tải liên hợp là vận tải hàng hóa bằng nhiều phương thức vận tải từ một điểm xuất phát qua một hay nhiều điểm xen giữa đến một điểm cuối cùng do một người chuyên chở (hay một ngườigiao nhận) đứng ra tổ chức cho toàn bộ hành trình.

    Người ta còn gọi vận tải liên hợp là vận tải hỗn hợp (combined transport) chuyên chở hàng hóa bằng ít nhất hai phương thức vận tải khác nhau từ một địa điểm nơi nhận trách nhiệm đối với hàng hóa đến một địa điểm được chỉ định giao hàng ở một nơi khác.

    Sự khác biệt của vận tải liên hợp với vận tải đơn phương thức, vận tải từng cung đoạn thông thường là :
    a) Vận tải liên hợp dựa trên một hợp đồng đơn nhất, còn vận tải riêng lẻ từng chặng thì người có hàng phải kí kết nhiều hợp đồng, mỗi hợp đồng cho một chặng đường chuyên chở.

    b) Chứng từ vận tải mà người kinh doanh vận tải liên hợp (người giao nhận hay người chuyên chở) cung cấp cho chủ hàng là một chứng từ đơn nhất thể hiện cả quá trình vận tải qua nhiều cung đoạn.

    c) Người kinh doanh vận tải liên hợp hoạt động như một bên chính (principal) chứ không đóng vai trò đại lý của người gửi hàng hay người chuyên chở tham gia vận tải liên hợp.

    d) Người kinh doanh vận tải liên hợp có trách nhiệm về tổn thất hàng hóa xảy ra bất cứ lúc nào hoặc ở bất cứ cung đoạn nào trong quá trình vận tải liên hợp cũng như về chậm giao hàng.

    e) Người gửi hàng phải trả cho người kinh doanh vận tải liên hợp tiền cước chở suốt, bao gồm tiền cước của tất cả các phương thức vận tải đã sử dụng theo một giá chung do hai bên thỏa thuận.

    Tóm lại, có thể hình dung vận tải liên hợp là vận tải trên cơ sở một hợp đồng đơn nhất, một chứng từ vận tải đơn nhất, một trách nhiệm đơn nhất và một giá cước đơn nhất.

    Việt Nam đã nhiều lần thực hiện vận tải liên hợp. Năm 1982, Công ty thuê tàu Vietfracht đã chở hàng từ thành phố Hồ Chí Minh đi Paris (Pháp) qua các chặng đường: Sài Gòn / Biển Đen bằngtàu biển của hãng Interlighter, từ Biển Đen đi Regenburg (Đức) bằng tàu kéo sà lan, từ Regenburg đi Paris bằng xe lửa. Khoảng năm 1980, Công ty giao nhận Vietrans chở hàng từ Hải Phòng đi Tiệp Khắc qua các chặng: Hải Phòng đi Singapore bằng tàu biển của hãng Blasco, từ Singapore đi Trieste (Italia) bằng tàu của hãng Hapaglloyd, từ Trieste đi Chop bằng xe ôtô tải và từ Chop đi Praha bằng xe lửa.

    Các công ty Transimex, Viconship, Gemartrans, Vosa tuy chưa lập tuyến vận tải thường xuyên nhưng đã có tổ chức những chuyến vận tải liên hợp có kết quả tốt, đã quen những kiểu vận tảiliên hợp Seaair (đường biển-đường hàng không), Searoad (đường biển-đường bộ) hay Searoadsea (đường biển-đường bộ-đường biển).

    Công ước về vận tải đa phương thức quốc tế
    Ngày 24/8/1980 một hội nghị của Liên hiệp quốc họp tại Geneva đã thông qua công ước của Liên hợp quốc về vận tải hàng hóa đa phương thức quốc tế (UN Convention on the International Multimodal Transport of Goods ,1980).

    Tiếp sau UNCTAD (Ủy ban của liên hợp quốc về thương mại và phát triển) đã cùng ICC (Phòng thương mại quốc tế) đưa ra bản quy tắc chung về chứng từ vận tải đa phương thức (UNTACD ICC Rules for Multimodal Transport Documents) có hiệu lực từ 1/1/1992.

    Công ước đã định nghĩa vận tải đa phương thức là việc chuyên chở bằng ít nhất hai phương thức vận tải khác nhau trên cơ sở một hợp đồng vận tải đa phương thức, theo đó hàng hóa được người vận tải đa phương thức nhận trách nhiệm để đưa từ một địa điểm đến giao ở một địa điểm thuộc một nước khác.

    Công ước cũng định nghĩa người vận tải đa phương thức là “Một người tự mình hoặc thông qua một người khác thay mặt mình kí một hợp đồng vận tải đa phương thức và hoạt động như là một bên chính chứ không phải là một đại lí hay là người thay mặt người gửi hàng hay những người chuyên chở tham gia vận tải đa phương thức và chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng”.

    Có các loại người kinh doanh vận tải đa phương thức sau :

    VO.MTOs (Vessel operating Multimodal Transport Operators-Người kinh doanh vận tải đa phương thức có tàu biển). Đây là những người chủ tàu, từ khi vận tải containner phát triển đã làm thêm việc gửi tiếp đường bộ, máy bay sau hành trình đường biển của mình.

    NVO-MTOs (NonVessel Operating Multimodal Transport Operators-Người kinh doanh vận tải đa phương thức không có tàu biển). Đây là những người kinh doanh một hay nhiều phương thức vận tải khác, ngoài kinh doanh tàu biển kí hợp đồng thuê tàu biển tham gia vận tải đa phương thức.

    Loại thứ ba là loại không có phương tiện vận tải nào, trong số đó có thể là người giao nhận, người môi giới hải quan, đôi khi có người kinh doanh kho hay công ty bốc xếp. Những người này kí hợp đồng thuê tàu biển tham gia vận tải đa phương thức nên người ta đưa vào loại NVO-MTOs.

    Loại cuối cùng giống loại thứ ba nhưng không có phương tiện vận tải nào (đôi khi có xe vận tải đường ngắn) chuyên làm vận tải đa phương thức, chuyên kí kết hợp đồng kết nối các phương tiện vận tải, cũng được gọi là NVO-MTO.
    Những quy định về nguyên tắc vận tải đa phương thức ở Việt Nam
    Ở Việt Nam, Chính phủ ban hành Nghị định 87/2009/NĐ-CP thống nhất quản lý Nhà nước về vận tải đa phương thức quốc tế và vận tải đa phương thức nội địa có hiệu lực từ ngày 15/12/2009:

    “Vận tải đa phương thức quốc tế” là vận tải đa phương thức từ nơi người vận tải kinh doanh vận tải đa phương thức tiếp nhận hàng hóa ở Việt Nam đến một địa điểm được chỉ định giao trả hàng ở nước khác và ngược lại”.

    “Vận tải đa phương thức nội địa” là vận tải đa phương thức được thực hiện trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Người kinh doanh vận tải đa phương thức là doanh nghiệp hoặc hợp tác xã giao kết và tự chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng vận tải đa phương thức”.

    Về điều kiện kinh doanh vận tải đa phương thức, nghị định cũng quy định cụ thể:

    Điều kiện kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế:
    a) Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong đó có đăng ký ngành nghề kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế.

    b) Duy trì tài sản tối thiểu tương đương 80000 SDR hoặc có bảo lãnh tương đương.

    c) Có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp hoặc có bảo lãnh tương đương.

    d) Có giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế.

    Về điều kiện kinh doanh vận tải đa phương thức nội địa, chỉ doanh nghiệp hợp tác xã Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam mới được kinh doanh vận tải đa phương thức nội địa và phải đáp ứng các điều kiện sau:

    a) Có giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh trong đó có đăng kí ngành nghề kinh doanh vận tải đa phương thức.

    b) Có hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vận tải đa phương thức.
    Về thời hạn trách nhiệm, nghị định quy định người kinh doanh vận tải đa phương thức phải chịu trách nhiệm về hàng hóa từ khi tiếp nhận hàng cho đến khi giao trả hàng cho người nhận hàng.
    Nếu người kinh doanh vận tải đa phương thức phải chịu trách nhiệm về tổn thất do việc giao trả hàng chậm thì trách nhiệm được giới hạn trong số tiền không vượt quá số tiền tương đương với tiền cước vận chuyển theo hợp đồng vận tải đa phương thức.

    Thực hiện vận tải đa phương thức ở Việt Nam
    Việt Nam đã tiến hành vận tải liên hợp, hỗn hợp, một hình thức vận tải đa phương thức quốc tế, có kết quả tốt, không có trường hợp nào xảy ra tranh chấp hư hỏng, mất mát hàng hóa, không có khi nào phải bồi thường.

    Tuy nhiên, hầu hết các dịch vụ vận chuyển liên hợp, hỗn hợp chưa thực sự là vận tải đa phương thức quốc tế vì:

    Chủ hàng thường chỉ yêu cầu vận chuyển từng chặng, không ủy thác vận chuyển cả quá trình. Theo những phương thức mua bán quốc tế FCA, CPT, CIP thì vận tải đa phương thức rất thích hợp nhưng chủ hàng không quen dùng.

    Người giao nhận vận tải không thuyết phục được người có hàng ủy thác vận chuyển toàn bộ hành trình để kí một hợp đồng đơn nhất trong đó người kinh doanh vận tải đa phương thức (người giao nhận vận tải) chịu trách nhiệm đơn nhất thu một giá cước đơn nhất cho cả hành trình.
    Việt Nam đã có luật lệ rõ ràng, người kinh doanh logistics hay người kinh doanh vận tải biển có thể triển khai vận tải đa phương thức rất thuận lợi. Những công ty này có thể bàn bạc với chủ hàng vận chuyển hàng xuất khẩu cũng như hàng nhập khẩu bất cứ đi đâu đến đâu, từ đâu về, dù phải dùng nhiều phương thức vận chuyển. Song, người kinh doanh vận tải đa phương thức phải lưu ý:

    Thực hiện đúng những quy định của Chính phủ, xin giấy phép đầy đủ, có vốn theo đúng quy định.

    Trên cơ sở hợp đồng vận tải đa phương thức, nếu có sai sót gây tổn thất hàng hóa, người kinh doanh vận tải đa phương thức phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình, bồi thường đầy đủ cho chủ hàng.

    Cân nhắc kỹ khi kí hợp đồng, tốt nhất là theo quy định của Chính phủ Việt Nam (giới hạn trách nhiệm có thấp hơn công ước của Liên hợp quốc), chỉ khi kí hợp đồng với chủ hàng nước ngoài, nếu họ đòi kí theo Công ước Liên hợp quốc, mới kí theo các quy định đó, còn nói chung vẫn cứ lấy Nghị định của Chính phủ Việt Nam làm cơ sở chính.