Ngành logistics sau EVFTA: Phát triển hoặc bị thôn tính



  • Dịch vụ logistics (kho vận) Việt Nam được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn sau khi cánh cửa sang Liên minh châu Âu rộng mở nhưng đằng sau đó là nguy cơ bị thôn tính bởi những doanh nghiệp nước ngoài lớn mạnh nếu không gia tăng sức cạnh tranh.

    Ngày 30/6/2019, Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA) chính thức được ký kết tại Hà Nội sau gần một thập kỷ đàm phán, đặt dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ song phương, mở ra nhiều lợi ích cho cả hai bên.

    Hiện hiệp định đang trong quá trình phê chuẩn nội bộ để chính thức có hiệu lực.

    Dịch vụ logistics như vận tải, hỗ trợ vận tải là những dịch vụ có các cam kết đáng chú ý, theo hướng mở cửa mạnh hơn đáng kể so với Hiệp định thương mại quốc tế (WTO).

    Tại hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển logistics gắn với đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU)”, nhiều chuyên gia bày tỏ sự lạc quan đối với triển vọng của ngành sau EVFTA.

    Mối quan hệ thương mại được tăng cường trong khuôn khổ EVFTA có thể làm tăng nhu cầu vận chuyển không chỉ giữa EU và Việt Nam mà còn giữa EU và Đông Nam Á.

    Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, cho biết EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ và đặc biệt, quan hệ thương mại phát triển nhanh chóng. Kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng hơn 13,6 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 55,8 tỷ USD năm 2018.

    Theo điều tra năm 2018 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ 39/160 quốc gia tham gia về chỉ số năng lực logistics, đứng thứ 3 trong ASEAN sau Singapore, Thái Lan, tăng 25 bậc so với xếp hạng 64 năm 2016. Cả nước hiện có gần 1.500 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics.

    Từ năm 2017, Chính phủ Việt Nam xác định mục tiêu cụ thể cho ngành logistics nhằm đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics của khu vực vào năm 2025.

    Ngoài ra, kế hoạch chính sách này đã và đang được dần hiện thực hoá với rất nhiều nỗ lực như thu hút đầu tư nước ngoài, cải cách thủ tục hải quan và hợp tác với các đối tác nước ngoài trong các dự án cơ sở hạ tầng.

    Với EVFTA, dự kiến kim ngạch xuất khẩu sang các nước EU sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, tác động tích cực đến triển vọng thị trường và phát triển của ngành logistics Việt Nam.

    Ông Linh nhận định tự do hoá sẽ mời gọi các nhà đầu tư EU cùng tham gia vào việc cung cấp các dịch vụ logistics, vận tải hàng hải khác nhau cho thị trường Việt Nam, gồm các doanh nghiệp hàng hải, dịch vụ xử lý hàng hoá/container, dịch vụ lưu trữ và kho bãi.

    Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Thương mại tại Anh, cho biết thêm, theo cam kết của EVFTA về mở cửa thị trường logistics, doanh nhân, nhà đầu tư EU có thể sở hữu doanh nghiệp logistics lên tới 51% thông qua góp vốn liên doanh hay mua cổ phần, tuy nhiên không ảnh hưởng hay có nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.

    Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam hợp tác, học hỏi, và gọi vốn từ các công ty đa quốc gia, các đội tàu lớn hiện đại và chiếm thị phần lớn trên thị trường logistics thế giới đến từ châu Âu.

    Cuộc cạnh tranh khốc liệt trong tương lai

    Bên cạnh tiềm năng phát triển, ngành logistics Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít thách thức từ việc mở cửa thị trường.

    Trong lộ trình miễn thuế, với các mặt hàng như thực phẩm, dược phẩm, thiết bị máy móc từ EU xuất khẩu sang Việt Nam, nhu cầu của các doanh nghiệp châu Âu sẽ đòi hỏi một hệ thống logistics và vận chuyển đảm bảo được các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn và quy trình kiểm soát quốc tế, để mọi hàng hóa của châu Âu được đảm bảo giữ nguyên chất lượng tới người tiêu dùng Việt Nam.

    Đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam, các mặt hàng truyền thống hay các mặt hàng mới cũng cần có sự bảo đảm tốt hơn về chất lượng bảo quản, vận chuyển đặc biệt là nhóm hàng nông sản, mây tre đan, đồ gỗ là những mặt hàng dễ bị thay đổi chất lượng do điều kiện nhiệt độ, môi trường.

    “Đối với các mặt hàng có lộ trình dỡ bỏ thuế sau từ 5 - 10 năm, sự gia tăng nhu cầu vận chuyển có thể muộn hơn, nhưng không có nghĩa là không cần sự chuẩn bị về mặt phương tiện, thiết bị, quy trình quy chuẩn để vận chuyển các mặt hàng này chu đáo, chất lượng theo các cam kết trong Hiệp định EVFTA”, ông Linh lưu ý.

    Sự chênh lệch trình độ phát triển giữa các doanh nghiệp logistics của EU và Việt Nam dự báo có thể tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt bởi EU vốn là khu vực rất mạnh về logistics với các công ty đa quốc gia, các đội tàu lớn hiện đại chiếm thị phần rất lớn trên thị trường logistics thế giới.

    Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp logistics của EU đã hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, các cam kết mở cửa rộng hơn sẽ đẩy cuộc cạnh tranh thêm phần gay gắt.

    Theo ông Nguyễn Tuấn Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần vận tải và thương mại đường sắt, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh nội tại để có thể tận dụng các cơ hội kinh doanh đến từ các cam kết trong EVFTA.

    Doanh nghiệp cần tự tìm hiểu, chủ động thay đổi tư duy về logistics và chi phí logistics trong sản xuất, kinh doanh, góp phần tối ưu hóa chi phí logistics quốc gia; có thể chọn phương án vận chuyển trực tiếp trong điều kiện có thể để giảm các chi phí trong hành trình.

    Doanh nghiệp cũng có thể tham gia vào các hiệp hội ngành hàng và chủ hàng để tạo lợi thế đàm phán với các hãng vận chuyển nước ngoài.

    “Trong các giao dịch quốc tế, các doanh nghiệp nên xây dựng mối quan hệ chiến lược với một số hãng tàu để giành được thế chủ động trong việc đàm phán với người mua về quyền thuê tàu”, ông Vinh nhấn mạnh.

    Bên cạnh đó, các doanh nghiệp logistics cũng cần được đầu tư bài bản, đột phá về công nghệ, nguồn lực, nâng cao kỹ năng quản lý, quy trình cũng như sự hỗ trợ về chính sách từ phía Chính phủ và các cơ quan ban ngành.

    Các chủ doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải lựa chọn tăng trưởng hay bị thôn tính. Khi thị trường được mở rộng, các doanh nghiệp sẽ phải đối diện với gia tăng sức ép, cạnh tranh và có thể bị mất nhân lực giỏi vào tay đối thủ.

    Theo dõi TheLEADER