VIỆT NAM CÓ NHỮNG LỢI THẾ GÌ ĐỂ PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ LOGISTICS?



  • Giới thiệu một bài viết để Diễn đàn cùng thảo luận...

    Việt Nam đang ở trong giai đoạn vàng của cơ cấu dân số, khi số dân trong độ tuổi lao động chiếm đến 51% tổng số dân. Lực lượng lao động trẻ là những yếu tố rất thuận lợi để đào tạo nên một đội ngũ cán bộ, công nhân logistics chuyên nghiệp, có trình độ hiểu biết và quản lý cao trong lĩnh vực logistics.

    Logistics đang trở thành ngành dịch vụ quan trọng
    Theo ước tính của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, tính đến đầu năm 2017, Việt Nam có khoảng 1.300 doanh nghiệp dịch vụ logistics. Các doanh nghiệp dịch vụ logistics ở Việt Nam chia thành 3 nhóm gồm: các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có các tập đoàn đa quốc gia đã có tên tuổi; các doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu hoặc đã cổ phần hóa và nhà nước còn sở hữu một phần vốn; nhóm thứ 3 là các công ty tư nhân, cổ phần.

    Đưa ra những lợi thế phát triển logistics tại Việt Nam, Bộ Công Thương cho biết, nằm ở trung tâm khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trên tuyến hàng hải quốc tế, Việt Nam là quốc gia có điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý rất thuận lợi để phát triển dịch vụ logistics.
    Bên cạnh đó, với bờ biển dài khoảng 3.260 km trải dài từ Bắc đến Nam, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để đưa hàng hóa xuất nhập khẩu đến với thế giới. Không chỉ hàng hóa của chính mình sản xuất, Việt Nam cũng là địa điểm lý tưởng đến tiến hành các hoạt động trung chuyển như quá cảnh, chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất.

    Cùng với tiến trình mở cửa và hội nhập, lượng hàng hóa sản xuất, lưu thông trong nước và xuất nhập khẩu những năm qua tăng trưởng mạnh mẽ, là tiền đề và cũng là động lực thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics. Logistics đang trở thành ngành dịch vụ quan trọng của hoạt động thương mại quốc tế, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng kinh tế.

    Cũng theo Bộ Công Thương, Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết nhiều hiệp định thương mại, những hiệp định này buộc nền sản xuất phải tái cấu trúc, mở ra thêm những thị trường mới, tạo sức hút về hàng hóa cho đất nước.
    “Việt Nam đang ở trong giai đoạn vàng của cơ cấu dân số, khi số dân trong độ tuổi lao động chiếm đến 51% tổng số dân. Lực lượng lao động trẻ, ham học hỏi là những yếu tố rất thuận lợi để đào tạo nên một đội ngũ cán bộ, công nhân logistics chuyên nghiệp, có trình độ hiểu biết và quản lý cao trong lĩnh vực logistics”, Bộ Công Thương nêu.

    Quy mô doanh nghiệp logistics Việt Nam còn nhỏ

    Theo Bộ Công Thương, mục tiêu của ngành logistics đến năm 2025 là đưa tỷ trọng đóng góp và GDP đạt 8 – 10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15 – 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50 – 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% - 20% GDP.

    Cùng với đó, tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, xây dựng các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế, nâng cao hiệu quả kết nối giữa Việt Nam với các nước. Đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics của khu vực.

    Mặc dù có nhiều lợi thế, nhưng theo Bộ Công Thương, hiện doanh nghiệp logistics Việt Nam còn chưa đông, quy mô vốn nhỏ, địa bàn hoạt động chủ yếu chỉ ở trong nước, các dịch vụ cung cấp còn đơn điệu, chất lượng dịch vụ thấp, ít giá trị gia tăng, thiếu liên kết. Đây được xem là điểm yếu nổi bật của doanh nghiệp logistics.

    Nói riêng về thiếu liên kết, theo Bộ Công Thương, trong thời gian qua, các doanh nghiệp logistics Việt Nam chưa thực sự tìm được tiếng nói chung với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, do vậy chưa có sự gắn bó, phối hợp nhịp nhàng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thiếu tin tưởng và ít muốn bắt tay chia sẻ với doanh nghiệp logistics Việt Nam.

    Điều này dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước đang phải chịu các loại phí cao, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Còn doanh nghiệp logistics thì tăng trưởng chậm, khó vươn xa ra thị trường quốc tế.

    Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng có hạn chế về trình độ quản trị doanh nghiệp, tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên. Đặc biệt, các doanh nghiệp logistics Việt Nam không có mối quan hệ sâu rộng, chắc chắn với các đối tác nước ngoài nên khó giành được hợp đồng từ nước ngoài.
    Ngay cả ở trong nước, do mối quan hệ từ các tập đoàn mẹ, các doanh nghiệp logistics đầu tư nước ngoài (FDI) cũng dễ dàng ký được hợp đồng cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh có vốn FDI. Sau đó, doanh nghiệp logistics FDI thuê lại doanh nghiệp logistics trong nước để cung cấp dịch vụ trong từng công đoạn nhỏ.

    Tuy vậy, theo Bộ Công Thương, so với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp logistics Việt Nam lại lợi thế về việc am hiểu thị trường nội địa, nắm vững tập quán thương mại, có mối quan hệ rộng rãi với các doanh nghiệp trong nước. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp Nhà nước hoặc đã cổ phần hóa đã chiếm lĩnh được những vị trí, địa điểm mang tính chiến lược để xây dựng và khai thác hạ tầng logistics.

    Theo Yến Nhi/ vnmedia.vn