Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với nhân viên thông qua các hình thức truyền thông



  • Mối quan hệ giao tiếp tốt đẹp với nhân viên trong tổ chức sẽ giúp công tác truyền thông trở nên thành công và hiệu quả hơn. Một đội ngũ nhân viên tận tâm và gắn bó tạo nên một hình ảnh tốt về tổ chức, vì thế không nên xem nhân viên chỉ là lực lượng lao động mà phải như là một đối tượng chính của truyền thông.

    Có câu chuyện rằng: Spike sở hữu và quản lý một công ty sản xuất băng đĩa nhỏ với 25 nhân viên. Một nghệ sĩ đã kiện ông khi có sự bất đồng về khoản tiền bản quyền. Bối rối trước vụ kiện, Spike giữ kín tin này. Nhưng những lời đồn đại cuối cùng đã đến tai nhân viên của Spike. Họ bắt đầu lo lắng về tương lai của mình, tin đồn cho rằng vụ kiện có thể khiến Spike phá sản. Một nhân viên đã xin chuyển sang công ty khác vì lo ngại về sự không đảm bảo của công việc hiện tại. Sau khi phát hiện ra trong công ty đang lan truyền những tin đồn xấu, sai sự thật, ông đã cho triệu tập một cuộc họp để giải thích tình hình. Các nhân viên mới biết rằng Spike bị bôi nhọ và hoàn toàn có khả năng thắng kiện. Tinh thần mọi người đã ổn địnhh trở lại và họ cùng nhau sát cánh bên Spike trong suốt giai đoạn khó khăn này. Việc Spike ngần ngại không thông báo tin xấu với nhân viên đã gây tâm lý sợ hãi, bất an và cuối cùng là mất đi một nhân viên. Bằng cách trò chuyện với nhân viên của mình, Spike đã loại bỏ mọi lo ngại và tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ họ.

    Từ câu chuyên trên, câu hỏi đặt ra là làm cách nào một tổ chức đạt được sự hỗ trợ của nhân viên trong tổ chức đó. Ban quản lý có thể trả lương cao và thưởng “đậm”, môi trường làm việc tốt hơn so với những công ty khác trong cùng ngành nhưng nhân viên vẫn không mấy hài lòng. Trừ khi họ thấy rằng họ là một phần của tổ chức và có ảnh hưởng trong việc ra quyết định, ít nhất là trong những công việc họ trực tiếp đảm nhận. Truyền thông cung cấp một hệ thống giao tiếp hiệu quả cùng với tổ chức chắc chắn sẽ mở ra những kênh giao tiếp trong tất cả các chiều - từ trên xuống, từ dưới lên và theo chiều ngang. Những công cụ chính phục vụ cho mục đích này bao gồm: tạp chí nội bộ, thư thông báo và bản ghi chú, buổi họp và thảo luận, hệ thống đề xuất cho nhân viên và ủy ban thường trực.

    TẠP CHÍ NỘI BỘ

    Tạp chí nội bộ là kết nối quan trọng giữa người quản lý và nhân viên. Ban biên tập nên bao gồm thành viên của ban quản lý, phòng Truyền thông và nhân viên. Tạp chí nội bộ nên cung cấp những thông tin hữu ích, có ý nghĩa về nhiều chủ đề hoạt động, phúc lợi, tình huống làm việc, thơ, tiểu thuyết và cả thể thao… Những bài viết, câu chuyện, lá thư của những người tham gia nên tạo nên sự hãnh diện cho họ. Trách nhiệm của những người làm truyền thông là đảm bảo rằng tạp chí nội bộ phù hợp với những tiêu chuẩn cao nhất của một tờ báo. Bên cạnh thông tin, tài liệu, giải trí nên có sự lý thú và truyền cảm hứng. Một tạp chí nội bộ không nên dành quá nhiều chỗ cho những chính sách và thành công của công ty mà bỏ qua những nhìn nhận về những điểm thiếu sót. Điều đó rất dễ khiến nhân viên thấy nghi ngờ, đồng nghĩa với tạp chí nội bộ đơn thuần chỉ là tiếng nói của nhà quản lý.

    BẢNG THÔNG BÁO

    Bảng thông tin nhân viên (hay bảng thông báo, bảng chú ý) là phương pháp giao tiếp trung gian để hàng ngày cung cấp thêm thông tin về các vấn đề của tổ chức đến với đông đảo nhân viên. Bên cạnh đó, những thông tin được đưa lên bảng thông tin còn có thể được nhiều nhân viên đọc để giải trí. Bảng thông tin có thể sử dụng một bảng đủ rộng, trình bày nổi bật, sắp xếp những thông tin về tổ chức, hoạt động của các phòng ban, thời khóa biểu các cuộc họp hoặc chính các mẩu chuyện cắt ra từ báo chí, nhân viên tiêu biểu, quảng cáo của công ty và những tin tức hàng ngày.

    HỌP VÀ THẢO LUẬN

    Hãy cho nhân viên tham gia vào các cuộc họp chính thức hoặc không chính thức. Điều này sẽ giúp tạo nên những dòng thông tin từ bên trên, bên dưới và theo chiều ngang. Đây là những cơ hội tốt để nhà quản lý biết được cảm giác và thái độ của nhân viên. Cảm giác được tham gia và liên quan đến các cuộc họp sẽ tạo nên sức mạnh, từ đó sức lôi cuốn trong công việc sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, tinh thần và sự hài lòng của nhân viên cũng cao hơn. Ngoài ra, từ cuộc họp mọi người sẽ có thêm kiến thức và kinh nghiệm, thảo luận có thể giúp phát triển những ý tưởng và giải pháp mới cho các vấn đề của công ty.

    ỦY BAN THƯỜNG TRỰC

    Đây cũng là một phương pháp được sử dụng khá nhiều trong truyền thông nội bộ. Nhiều phòng ban của các công ty hiện nay cần có sự hợp tác để tránh tình trạng có sự chia rẽ giữa các phòng ban với nhau. Với ủy ban này, tất cả những chi nhánh, phòng ban của công ty có thể làm việc cùng nhau như một đội với cùng một mục đích. Ủy ban có thể bao gồm đại diện của cả ban quản lý và đại diện của nhân viên. Ví dụ, công ty thành lập ủy ban an toàn cung cấp những thông tin về chính sách bảo vệ an toàn của công ty và chắc rằng toàn thể nhân viên hiểu chính sách này một cách rõ ràng.

    HỆ THỐNG ĐỀ XUẤT CỦA NHÂN VIÊN

    Nhiều tổ chức tiến bộ đã cổ vũ nhân viên của họ đưa ra những đề xuất mang tính xây dựng nhằm phát triển chính sách và quy trình làm việc của công ty. Nhân viên có thể phát biểu quan điểm và đưa ra đề xuất thông qua quản lý thậm chí trực tiếp đến cấp cao. Những hộp đề xuất có thể được đặt tại những vị trí quan trọng trong công ty để thực hiện mục đích này. Luôn có phần thưởng cho người đưa ra được những đề xuất hữu ích. Thậm chí, nếu một đề xuất không được chấp nhận vì bất kỳ lí do gì, đại diện quản lý nên đến gặp nhân viên và giải thích cho anh ta hiểu tại sao đề xuất đó không được chấp nhận.

    LỜI KẾT

    Trả lời câu hỏi xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với nhân viên khó hay dễ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thật ra đây là một mối quan hệ khá phức tạp, nhiều trường hợp “cơm không lành canh không ngọt”. Dễ hay khó phụ thuộc vào sự nỗ lực của từng công ty trong các hoạt động với nhân viên của mình. Hãy để nhân viên cảm thấy họ được trân trọng và công ty như một gia đình, nơi họ được yêu thương, che chở và đóng góp.

    Saga