Chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị phá vỡ ra sao?



  • Trong bối cảnh chiến tranh thương mại kéo dài, thay vì xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều công ty sẽ lựa chọn việc xây dựng chuỗi cung ứng khu vực.

    Tin tức về việc Apple đã yêu cầu “các nhà cung ứng lớn” ước tính chi phí của việc dịch chuyển một phần sản xuất sang các nước Đông Nam Á. Những nhà cung ứng này bao gồm Foxconn Technology, Pegatron và Wistron (những công ty lắp ráp iPhone), Quanta Computer (nhà sản xuất MacBook), Compal Electronics (nhà sản xuất iPad cho Apple) và Inventec, Luxshare-ICT và GoerTek (các nhà sản xuất AirPod cho Apple).

    Sở dĩ Apple đưa ra yêu cầu trên cũng vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài, nhiều nguồn tin cho biết nếu xung đột được giải quyết thì họ sẽ không thể trở lại Trung Quốc. Apple đã quyết định rủi ro phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động sản xuất tại Trung Quốc là quá lớn và ngày càng gia tăng.

    Điều này báo hiệu một sự thay đổi lớn trong cách mọi người quan điểm về chuỗi cung ứng toàn cầu trong những năm tới, báo hiệu sự kết thúc của một giai đoạn kéo dài ba thập kỷ mở rộng các thị trường mới. Việc giảm hàng rào thuế quan và phi thuế quan đã thúc đẩy sự tăng trưởng chưa từng có trong ngành hàng hóa dịch vụ.

    Việc này đã đánh dấu sự khởi đầu của một thế giới với sự phân chia khu vực hóa nhiều hơn, trong đó các công ty điều hành chuỗi cung ứng sản xuất sẽ phải lưu tâm hơn tới yếu tố chính trị quốc tế hơn so với trước đây. Đã qua rồi cái thời mà một công ty như Apple bị phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc trong phần lớn hoạt động sản xuất của mình. Trong bối cảnh mới, các công ty, tập đoàn sẽ đặt các nhà máy sản xuất của mình tại nhiều châu lục khác nhau, chẳng hạn một cơ sở sản xuất riêng biệt để phục vụ thị trường Bắc Mỹ, một cơ sở khác để phục vụ thị trường Trung Quốc cũng như phần còn lại của thế giới.

    Để xây dựng một hệ thống nhà máy tại các thị trường mới, điều kiện tiên quyết là chi phí lao động thấp. Hầu hết các công ty này đều hy vọng rằng họ có thể “tháo chạy” khỏi ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ Trung, nhưng họ cũng kỳ vọng rằng họ có thể phát triển một cơ sở cung cấp song song giống như cơ sở họ có ở Trung Quốc. Một số “ứng cử viên” sáng giá thay thế cho Trung Quốc có thể là Việt Nam, Malaysia vì chi phí lao động thấp, môi trường chính trị ổn định. Bên cạnh đó, Indonesia và Philippine cũng là những sự lựa chọn hết sức hấp dẫn của các nhà đầu tư.

    Nhiều nhà đầu tư cũng đang nhắm đến Ấn Độ do quốc gia này sở hữu lực lượng lao động trẻ, đông đảo. Quốc gia Nam Á này được đánh giá là một trong những “đại gia” về lĩnh vực dịch vụ và công nghệ thông tin. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng chế tạo của nước này hiện chiếm chưa tới 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thấp hơn nhiều so với mức trên 30% của Trung Quốc. Với những chính sách mới cùng hơn 500.000 cử nhân công nghệ ra trường mỗi năm, Ấn Độ đang nỗ lực để khẳng định vị trí của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu ở các lĩnh vực như chế tạo ô tô, dầu khí, thép, hàng điện tử tiêu dùng.

    Nhờ sản phẩm uy tín, chất lượng cao và giao hàng đúng hẹn, một số công ty Ấn Độ được các tập đoàn sản xuất ô tô đa quốc gia tin tưởng chọn đặt mua linh kiện. Các hãng sản xuất ô tô hàng đầu thế giới như Hyundai, General Motors, Toyota và Ford đang “bắt tay” với các công ty địa phương hoặc mở nhà máy sản xuất riêng của mình để cung ứng xe hơi sản xuất ở Ấn Độ ra toàn thế giới. Trong những năm tới, Ấn Độ dự kiến sẽ tiếp tục là cơ sở sản xuất quan trọng cho các hãng xe hơi, do chi phí ở đây thấp trong khi nhu cầu của thị trường nội địa với gần 1,2 tỉ người tiêu dùng đang gia tăng.

    Một quốc gia hưởng lợi khác trong sự thay đổi của chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ là Mexico. Chi phí lao động của Mexico tương đối thấp, và vị trí địa lý gần với Mỹ và các mối quan hệ thương mại mở với nhiều quốc gia khác đã khiến quốc gia này trở thành một điểm sáng trong mắt các công ty sản xuất ô tô, điện tử và thậm chí là hàng không vũ trụ. Hiệp định thương mại USMCA giữa Mỹ, Mexico và Canada đã dọn đường cho Mexico bước đầu bước chân vào chuỗi cung ứng của Mỹ và tương lai nhiều công ty sẽ chọn Mexico để đặt các nhà máy sản xuất các sản phẩm phức tạp hơn.

    Quay trở lại câu chuyện dịch chuyển của Apple, trong một thống kê gần đây của CBRE, số lượng nhà máy tại Việt Nam trong danh sách nhà cung cấp của Apple đã tăng từ 16 trong năm 2015 đến 22 trong năm 2018, và tất cả đều là công ty FDI. Cũng theo xu hướng này, Samsung Electronics Co., Ltd trong năm vừa qua đã thông báo sẽ chấm dứt hoạt động các nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Trung Quốc. Hiện tại, 29 công ty Việt Nam đang là nhà phân phối Loại 1 của Samsung. Tỷ lệ nội địa hóa đã tăng từ 34% tổng giá trị sản xuất vào năm 2014 lên 57% vào năm 2017.

    Rõ ràng rằng, hoạt động này đã đánh tiếng lớn cho vị thế và tiếng tăm của Việt Nam như một thị trường sản xuất công nghiệp hàng đầu. Sắp tới sẽ tiếp tục là những thời điểm tốt với sự hỗ trợ từ chính quyền, những khuyến khích thương mại và sự quan tâm của doanh nghiệp. Phần còn lại của năm 2019 và cả năm 2020, chúng ta sẽ thấy Việt Nam tiếp tục tăng nguồn cung bất động sản công nghiệp đến từ lợi ích của sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc.

    Nguồn cung mới tiếp tục ra mới ở cả phía Bắc và phía Nam Việt Nam. Sự đa dạng hóa của các khu công nghiệp mới, các xưởng sản xuất và cơ sở hạ tầng chỉ ra rằng Việt Nam sẽ bước vào một thập kỷ mới trong một vị thế trọng yếu và thể hiện được mình là một quốc gia hưởng lợi chính trong quá trình tái cân bằng chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu và Trung Quốc.

    An Chi