Phát triển chuỗi cung ứng quá yếu



  • Phát triển chuỗi cung ứng được đánh giá có thể mang lại nhiều lợi ích cho ngành công nghiệp Việt Nam, nhưng đến nay số lượng công ty Việt Nam trong ngành hỗ trợ, có đủ năng lực để tham gia chuỗi cung ứng còn quá ít.

    Ít doanh nghiệp cung ứng đủ năng lực

    Phát biểu trong hội thảo hôm 12-4 do Dự án hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn III (EU-Việt Nam Mutrap III) tài trợ, tiến sĩ Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ - Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết hiện số doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực để tham gia chuỗi cung ứng cho công nghiệp chế tạo ở Việt Nam chỉ khoảng 300.

    Theo bà Bình, trên thực tế có nhiều hơn 300 doanh nghiệp đang cung cấp linh kiện, phụ tùng, tại Việt Nam, nhưng chủ yếu cung cấp phụ tùng thay thế cho thị trường nội địa, chứ chưa thể tham gia vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp.

    Trong đó, số nhà cung cấp phụ tùng có đủ năng lực cho sản xuất ô tô tại Việt Nam là 50, trong khi ở Thái Lan là 2.500 doanh nghiệp, và ở Malaysia là 400, theo số liệu năm 2010 của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA).

    Ngoài ra, hiện doanh nghiệp trong ngành phụ trợ đang cung cấp linh kiện, phụ tùng cho ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam chủ ‎yếu là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), và liên doanh. Bà Bình cho biết, trong số các nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng cho công ty Honda Việt Nam, có 19 nhà cung cấp Việt Nam, và 59 nhà cung cấp là doanh nghiệp FDI.

    Đối với ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn như may mặc, hiện trong số 3.700 doanh nghiệp trong ngành này, có 70% là doanh nghiệp may, trong khi đó doanh nghiệp dệt, sợi, nhuộm chỉ chiếm lần lượt 17%, 6% và 4%. Chuỗi cung ứng dệt may cũng bị “đứt gãy”.

    Cụ thể, Việt Nam phải nhập khẩu bông để đáp ứng 99% nhu cầu bông trong nước, và nhập 70% xơ nhân tạo. Nhưng 65% sợi sản xuất ra phải xuất khẩu vì Việt Nam yếu trong khâu dệt, nhuộm, và sau đó Việt Nam nhập vải về để cắt, may. Hiện Việt Nam nhập khẩu 5,2 tỉ mét vải để đáp ứng nhu cầu 6 tỉ mét/năm.

    Ngoài ra, không ít công ty trong ngành hỗ trợ của Việt Nam đang gặp khó khăn là họ khó có thể tham gia vào các chuỗi cung ứng hiện hữu của các công ty lớn chuyên về lắp ráp, chế tạo. Chẳng hạn như một công ty cao su ở Đà Nẵng được đánh giá là có sản phẩm lốp ô tô khá tốt, nhưng chưa thể bán cho các công ty ô tô trong nước.

    Theo bà Bình, những tập đoàn lớn như Toyota đã có được chuỗi cung ứng truyền thống là các công ty Thái Lan, Nhật Bản, do đó Toyota không có lý do gì để thay đổi các nhà cung ứng này. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam không dễ dàng chen chân được vào chuỗi hiện hữu này.

    Ngoài việc có ít doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, ngành da giày Việt Nam cũng gặp trường hợp tương tự như trên. Theo bà Nguyễn Thị Tòng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da Giày Việt Nam, hiện Việt Nam đã sản xuất được đế giày và một số nguyên phụ liệu trong ngành da giày.

    Tuy nhiên, vì doanh nghiệp giày Việt Nam chủ yếu làm gia công, nên nếu khách àng muốn dùng nguyên phụ liệu của một công ty ở nước ngoài thì doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải nhập về.

    Cần hỗ trợ của Chính phủ

    Theo bà Bình, để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, vai trò lớn nhất vẫn là Chính phủ, thay vì để thị trường dẫn dắt, vì đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi máy móc hiện đại, và nhân công giỏi, trong khi rủi ro cao. Do đó, Chính phủ cần có những quyết sách thật mạnh mẽ để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

    Đến nay, đã có nhiều nghị định, quyết định liên quan đến việc đưa ra các ưu đãi cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ.

    Gần đây nhất là Quyết định 12/2011/QĐ-TTg ngày 24-2-2011 của Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ. Tiếp đó là Quyết định 1483/2011 ngày 26-8-2011 của Chính phủ ban hành danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.

    Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng các quyết định này chưa thể khuyến khích được doanh nghiệp tham gia vào ngành công nghiệp hỗ trợ. Chẳng hạn, theo Quyết định 12 của Thủ tướng Chính phủ thì những dự án sản xuất trong công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục ưu tiên phát triển được phép xin ưu đãi đặc biệt.

    Tức là, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ để xin ưu đãi, sau đó hội đồng thẩm định dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định. Việc này có thể dễ làm nản lòng doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ vốn chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

    Do đó, có ý kiến cho rằng, thay vì thực hiện theo cơ chế xin-cho, tại sao Chính phủ không đưa ra ưu đãi cụ thể hơn, như giảm bao nhiêu phần trăm một số loại thuế, như các nước khác trong ASEAN đã làm.

    Đối với việc làm thế nào để doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng có sẵn, bà Bình cho rằng, có những linh kiện cồng kềnh mà các công ty lắp ráp, chế tạo muốn nội địa hoá để giảm chi phí vận chuyển và lưu kho nếu phải nhập từ nước ngoài, chẳng hạn như vỏ máy giặt. Theo bà Bình, cách này có thể là bước đầu để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi hiện hữu của doanh nghiệp lắp ráp, chế tạo.

    Theo - TBKTSG



  • Làm cách nào để nâng cao năng lực trong chuỗi cung ứng quốc tế?
    Tất cả đều là cơ chế, là cách tiếp cận, là cơ hội và chi phí cơ hội ....