5 NHÓM RỦI RO CHÍNH TRONG CHUỖI CUNG ỨNG



  • Một trong những điểm dễ dàng nhận thấy trong chuỗi cung ứng là khi phát sinh vấn đề. Bạn không thể ngăn chặn được điều này Tuy nhiên, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đo lường các vấn đề đó để tìm cách khắc phục.

    Procurement Leaders đang nghiên cứu chi phí tác động của từng nhóm rủi ro chính và đã xác định được 5 nhóm rủi ro chính có thể ảnh hưởng đến hoạt động của chuỗi cung ứng.

    Rủi ro giá thành

    Rủi ro giá thành chịu ảnh hưởng bởi hai yếu tố chính: lạm phát và biến động.
    Việc tăng giá đột ngột có thể ảnh hưởng lớn đến các thị trường dễ bị tác động. Một biện pháp để kiểm soát tình trạng này là ký kết hợp đồng dài hạn, có thể giúp giảm tác động của các đợt tăng giá trong tương lai. Tuy nhiên, biện pháp này cũng có mặt hạn chế là mất tính linh động. Đặc biệt, khi giảm phát diễn ra và giá thành đã cố định dài hạn, công ty cũng sẽ bị thiệt hại lớn.

    Nhân tố thứ hai liên quan đến rủi ro giá thành là biến động thị trường. Tình trạng này diễn ra khi thị trường thay đổi nhanh, đột ngột khó dự đoán. Khi thị trường biến động, trượt giá có thể diễn ra bất ngờ, đồng thời việc hoạch định kế hoạch cũng khó khăn hơn. Thị trường hàng hóa dễ bị biến động nhất, dẫn đến người mua trong thị trường này thường ký các hợp đồng bảo đảm trong đó giá sản phẩm có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị hiện tại nhưng về lâu về dài sẽ có lợi cho người mua.

    Rủi ro chất lượng

    Rủi ro chất lượng có thể diễn ra vì một nguyên nhân đơn giản (ví dụ thùng đừng hàng dính nước và bị móp) nhưng lại gây ra hậu quả nghiêm trọng (bao bì đóng gói không sử dụng được, dẫn đến đình trệ dây chuyền sản xuất).

    Quản lý rủi ro chất lượng là quá trình áp dụng nhiều phương pháp để đảm bảo chất lượng sản phẩm trước các thay đổi bất thường có thể diễn ra trong quá trình sản xuất. Các quy trình đảm bảo chất lượng, như Six Sigma, cung cấp hướng dẫn hữu ích về cách tự động hóa quy trình sản xuất và giảm thiểu lỗi do con người, đồng thời, cũng khuyến khích sử dụng các quy trình tối giản, hiệu quả.

    Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu 3 rủi ro chuỗi cung ứng khác mà doanh nghiệp cần quản lý chặt chẽ.

    Rủi ro vận chuyển

    Khi một quy trình vận chuyển không thực hiện được, nhân viên logistic và mua hàng là người sẽ chịu trách nhiệm. Nhưng việc vận chuyển này không chỉ giới hạn với hàng hóa mà còn với các nội dung khác nữa. Ví dụ, khi banner quảng cáo chưa được giao đúng hẹn, chiến dịch của công ty có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

    Rủi ro vận chuyển có thể tác động đến hoạt động kinh doanh theo 3 cách sau đây: không chuyển hàng, chuyển hàng muộn hoặc chuyển hàng sớm. Quản lý các rủi ro này có ý nghĩa khá quan trọng, doanh nghiệp cần nhận thức được các biến động, thay đổi có thể làm ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển, từ đó tăng cường năng lực phản ứng của mình.

    Rủi ro pháp lý

    Khi nhà cung cấp vi phạm pháp luật, doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng có thể bị liên đới. Ví dụ, theo Đạo luật Chống hối lộ của Anh, khi một nhà cung ứng phạm tội tham nhũng trong quá trình kinh doanh, khách hàng của công ty đó có thể phải chịu các án phạt tài chính nặng nề. Vì thế, khi ký kết hợp đồng, các công ty cần bổ sung các điều khoản giúp bảo vệ mình trước các rủi ro pháp lý từ bên cung ứng.

    Tuy nhiên, điều này chỉ giúp giải quyết một phần các rủi ro pháp lý mà thôi. Để công ty không bị ảnh hưởng bởi các rủi ro loại này, họ cần phải đào tạo bên cung ứng và đội ngũ thu mua của mình sao cho nhận thức đầy đủ về luật pháp, và phải có thái độ kiên quyết, không dung tha trước các hành vi phạm pháp.

    Rủi ro danh tiếng

    Đây là loại rủi ro khó lường nhất. Rủi ro này liên quan mật thiết đến quan điểm của công chúng về doanh nghiệp. Danh tiếng của một công ty có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu cộng đồng cho rằng công ty đang vi phạm một vấn đề đạo đức nào đó, hay thậm chí vi phạm luật pháp.

    Tương tự như rủi ro về pháp lý ở trên, công ty bạn có thể không liên quan đến rủi ro danh tiếng, nhưng nhà cung cấp của bạn lại là người gặp rủi ro, thì sớm hay muộn gì doanh nghiệp của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng. Để tránh tình trạng này xảy ra, doanh nghiệp cần phải chủ động giám sát và thực hiện các tiêu chuẩn, các quy định pháp luật.