Thành công của những Chuỗi Cung Ứng hàng đầu thế giới 2017



  • Trong năm 2016, nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại tại các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc, Brazil và một số thị trường đang phát triển khác. Đứng trước xu hướng kinh tế bị chậm lại, các tập đoàn hàng đầu thế giới đã không ngừng tìm kiếm cơ hội thúc đẩy tăng trưởng cho các năm tiếp theo, và hệ quả là trong năm 2016, các hoạt động mua bán và sát nhập đã diễn ra rất sôi nổi.

    Với nhiều biến đổi trong tình hình chính trị của thế giới, cụ thể là sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ (Brexit và các chính sách của Hoa Kỳ), nhiều tập đoàn lớn đã phải cân nhắc và thực hiện tối ưu hóa mạng lưới cung ứng cũng như lập những kế hoạch dự phòng cho những kịch bản rủi ro về kinh tế chính trị.

    Như vậy thì những tập đoàn hàng đầu này đang đầu tư thời gian và tài lực vào đâu? Và xu hướng nào sẽ trở nên phổ biến? Sau đây là 3 xu hướng nổi bật về chiến lược chuỗi cung ứng được cho là yếu tố chính giúp những doanh nghiệp dẫn đầu củng cố lợi thế cạnh tranh của họ trong một chiến lược dài hạn.

    Xu hướng số hoá trong chuỗi cung ứng

    Các doanh nghiệp hàng đầu xem việc số hóa chuỗi cung ứng không chỉ đơn giản là một cơ hội nâng cao hiệu quả kinh doanh hiện tại mà còn là đòn bẩy giúp doanh nghiệp giảm thời gian đưa hàng hóa ra thị trường và xây dựng một chuỗi cung ứng nhanh nhẹn với khả năng phản ứng nhanh chóng trước những thay đổi nhu cầu. Một số những công nghệ đột phá có thể kể đến là Internet of Things (IoT Internet Vạn Vật), điện toán đám mây, và tối ưu hóa thông qua mô phỏng chuỗi cung ứng. Mặc dù đã có nền tảng lý thuyết từ trước, nhưng trong năm vừa qua, hoạt động mô phỏng và tối ưu hóa chuỗi cung ứng mới được thực hiện rộng rãi hơn giúp doanh nghiệp cải tiến cũng như xây dựng lại chuỗi cung ứng của họ bằng những phân tích định lượng rõ ràng. Năm 2016 cũng là năm mà nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu ứng dụng robot, phương tiện tự vận hành và điều khiển từ xa để tự động hóa nhiều công đoạn trong sản xuất và logistics. Thực tế ảo và thực tế tăng cường cũng là những xu hướng công nghệ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh và trải nghiệm khách hàng.

    Một số công ty công nghệ và công nghiệp hàng đầu đã xây dựng các nhà máy sản xuất hoàn toàn tự động, nơi mọi hoạt động từ việc vận chuyển nguyên vật liệu đến sản xuất, quản lý chất lượng và phân phối đến kho thành phẩm đều được tự động hóa. Nhìn chung, trong 5 năm qua, đã có sự bùng nổ tăng trưởng gấp 3 lần trong việc ứng dụng robot vào các môi trường sản xuất công nghiệp và kho vận, đặc biệt ở Bắc Mỹ, Châu Âu và một số nước Châu Á phát triển. Ví dụ: Thông qua sự kết hợp của trí thông minh nhân tạo, cảm biến, track & trace, và big data, trang web Amazon có thể tự động phân tích hành vi mua sắm của người dùng ngay trong lúc họ đang mua hàng để đưa ra những gợi ý về sản phẩm. Các thao tác tạo hóa đơn thanh toán cũng như hỗ trợ khách hàng cũng hoàn toàn được tự động hóa.

    Ngoài nhà máy, kho, và các cửa hàng trực tuyến, công nghệ cảm biến và công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm track & trace cũng cũng được sử dụng để quản lý hoạt động vận tải và là nền tảng của việc số hóa hoạt động vận tải giao nhận. Kết hợp công nghệ cảm biến theo thời gian thực với các ứng dụng BI (business intelligence), doanh nghiệp có thể nhanh chóng phản ứng với những vấn đề mới phát sinh hoặc trước khi chúng kịp pháp sinh, cho phép tăng hiệu quả quản lý.

    Mặt tích cực của việc số hóa chuỗi cung ứng là cung cấp những giải pháp cho các vấn đề xã hội, nâng cao hiệu quả của hoạt động cung cấp hàng hóa. Tuy nhiên, mặt tiêu cực là xu hướng số hóa có thể đem đến sự đảo lộn trong cuộc sống của con người khi mà xã hội phụ thuộc quá nhiều vào trải nghiệm số, cũng như khủng hoảng về việc làm cho con người trong tương lai xa hơn.

    Cơ cấu tổ chức có khả năng thích ứng cao

    Liên quan đến việc số hóa chuỗi cung ứng là khả năng thích nghi của cơ cấu tổ chức với những thay đổi trong chuỗi giá trị. Cho dù chuỗi cung ứng có được số hóa để cung cấp thông tin nhanh chóng hơn, nhưng nếu thiếu một cấu trúc phù hợp thì doanh nghiệp cũng không thể phản ứng nhanh chóng. Chính vì vậy mà các doanh nghiệp hàng đầu đang tìm kiếm một cơ cấu tổ chức có khả năng thích ứng cao hơn để có thễ cạnh tranh hiệu quả và vượt qua những giới hạn cung ứng trong hiện tại cũng như tương lai.

    Hiện nay, việc tổ chức chuỗi cung ứng còn nhiều bất cập là vì quan hệ giữa các bộ phận dịch vụ khách hàng, phát triển sản phẩm, chuỗi cung ứng bao còn chưa được liên kết chặt chẽ. Ngoài việc thiết kế và quản lý quy trình kinh doanh linh hoạt, việc xây dựng một cấu trúc tổ chức có khả năng thích ứng cao còn cho phép giải quyết các yêu cầu phát sinh từ khách hàng và kinh doanh một cách đa chiểu hơn.

    Phát triển và đầu tư các hệ sinh thái bền vững

    Sự thành công của chuỗi cung ứng phụ thuộc nhiều vào sự bền vững của những hệ sinh thái quan trọng trong nội tại và bao quanh chuỗi như là: nhà cung cấp, đối tác, nhân viên, khách hàng và cộng đồng.

    Tính bền vững về môi trường cũng là một yếu tố ưu tiên của các tập đoàn hàng đầu thế giới. Những tập đoàn này đặt ra những mục tiêu lớn trong việc giảm khí thải nhà kính, tiêu thụ nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. Vì vậy họ cũng bắt đầu đầu tư nhiều hơn để xậy dựng chuỗi cung ứng bền vững với các công nghệ cũng như thực hành cho phép giảm khí thải nhà kính. Một vài ví dụ có thể kể đến như là loại bỏ chất thải nguy hại từ nhà máy (lọc nước, hút bụi) để tránh xả vào môi trường thiên nhiên, tăng hiệu quả vận hành của phương tiện vận tải, chuyển đổi phương thức vận tải ít ô nhiễm hơn, tăng hiệu quả tiêu thụ điện năng, nhiệt năng, và nước cũng như các nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất. Ngoài ra các doanh nghiệp cũng có xu hướng phát triển những sản phẩm có nguồn gốc từ nhiên nhiên, có thể tự phân hủy hoặc dễ dàng tái chế.

    Một ví dụ điển hình là tập đoàn P&G những năm gần đây đã đẩy mạnh đầu tư vào các sáng kiến môi trường. Hãng đã tuyên bố sẽ loại bỏ lượng rác thải từ quá trình sản xuất ra khỏi hơn 100 nhà máy trên toàn thế giới vào năm 2020. Tầm nhìn bền vững này cũng được đưa vào chiến lược phát triển sản phẩm của hãng. Chất tẩy Purclean Tide của P&G sử dụng chủ yếu các thành phần sinh học và được sản xuất tại các địa điểm sử dụng năng lượng sạch.

    Nhóm Supply Chain Master trong danh sách

    Nhóm Supply Chain Master nằm ngoài danh sách 25 chuỗi cung ứng hàng đầu. Đây có thể được xem là các đối thủ “ngoại hạng” đã liên tục giữ vững vị trí dẫn đầu trong một thời gian dài, được đánh giá trên cả công ty đứng đầu của danh sách top 25.

    Apple Inc.
    Trong tháng 5 năm 2017, Apple thông báo rằng tiền mặt của công ty đã vượt hơn 250 tỷ đô la Mỹ. Kết quả tài chính ấn tượng trên đã được thực hiện nhờ sự đóng góp chủ yếu của các thiết bị di động iPhone. Từ khi iPhone ra đời vào năm 2007 cho đến nay đã có hơn 1 tỷ chiếc được bán ra. Apple vẫn tiếp tục cải tiến và đổi mới phương thức sản xuất.

    Hãng này xem việc sản xuất kiểu dáng và tính năng của thiết bị như là một lợi thế cạnh tranh, trong khi công việc sản xuất phần cứng được thực hiện bởi các đối tác bên ngoài. Với chiến lược này, Apple có thể dành toàn bộ nguồn lực để tập trung vào những giá trị “mềm” của sản phẩm vốn là đặc điểm phân biệt dòng sản phẩm Apple với những hãng khác, đồng thời tận dụng được thế mạnh của các đối tác sản xuất nhằm nâng cao chất lượng phần cứng.

    Ngoài điện thoại và máy tính, Apple cũng đầu tư mở rộng đầu tư những công nghệ phương tiện tự vận hành. Công ty cũng đang thử nghiệm các công nghệ thực tế tăng cường (AR) để có thể tích hợp vào sản phẩm của hãng trong tương lai.

    2. P&G
    P&G quay trở lại trong danh sách Master trong năm nay. Thành công của P&G nằm ở việc thực hiện đồng bộ hóa toàn diện chuỗi cung ứng, mở rộng đến 2 đầu cung và ứng đó là người tiêu dùng và nhà cung cấp. Thành công này được tạo ra nhờ một cấu trúc quản lý hiệu quả và ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong từng bộ phận của chuỗi cung ứng (P&G Integrated Work System).

    P&G tiếp tục đổi mới thông qua việc tự động hóa quy trình trên nền tảng số hóa. P&G sử dụng các công cụ điều khiển theo thuật toán để giảm những ngoại lệ và cho phép lập kế hoạch hoạt động toàn diện và thiết thực hơn. Đầu tư vào vệc số hóa chuỗi cung ứng cho phép P&G cải tiến năng lực sản xuất và tự động hóa các hoạt động logistics.

    3. Amazon
    Amazon tham gia vào nhóm Master lần đầu tiên trong năm nay. Không một ngày nào trôi qua mà không có thông tin mới về sự xâm nhập của Amazon vào một thị trường mới, đầu tư phát triển năng lực logistics hoặc nhận bằng sáng chế cho các phát minh cải thiện trải nghiệm của khách hàng. Tuy nhiên thành công của Amazon cũng là một mối đe dọa lớn cho ngành bán lẻ truyền thống tại Mỹ trong 2 năm trở lại đây. Dịch vụ Amazon Prime là một trong những thành công lớn của Amazon, đóng góp một phần không nhỏ trong doanh thu của hãng.

    Số năm mà 3 công ty nói trên lọt vào top 5 toàn cầu để đủ điều kiện trở thành Supply Chain Masters