MUỐN TĂNG ĐƯỜNG CHÍNH NGẠCH PHẢI TUÂN THỦ LUẬT CHƠI



  • 6e74c5a3-87db-42fc-9b35-1147099588fc-image.png

    Trung Quốc chấn hưng nền nông nghiệp và nâng tiêu chuẩn nông sản nhập khẩu nên muốn bán hàng, chúng ta phải tuân thủ.
    Không quy hoạch, nông sản vẫn còn tình trạng ế thừa
    Trong Đại hội Đảng lần thứ 18 của Trung Quốc (TQ) có đặt ra các vấn đề liên quan đến thương mại và xuất nhập khẩu nông sản. Phía bạn xác định chất lượng nông sản nhập khẩu phải đảm bảo dinh dưỡng, quyền lợi của người tiêu dùng TQ. Do đó, các tiêu chuẩn nhập khẩu nông sản đều được nâng lên với tất cả thị trường trên thế giới, trong đó có Việt Nam (VN).
    TQ cũng xác định tiếp tục chấn hưng nền nông nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật để đảm bảo kinh tế nông nghiệp phát triển, đảm bảo đời sống nông dân…
    Tất cả điều này ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu nông sản của VN.
    Trước nay, nông sản VN vẫn coi thị trường TQ là dễ tính, bán qua tiểu ngạch nhưng gần đây TQ đã hạn chế tối đa nhập khẩu tiểu ngạch, tiến tới chấm dứt tiểu ngạch vì xuất khẩu chính ngạch mới đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng nông sản thực phẩm cho người tiêu dùng, bảo vệ nền sản xuất nông nghiệp TQ…
    Đợt ùn ứ nghiêm trọng với nông sản tại cửa khẩu biên giới phía Bắc năm 2021 phản ánh vấn đề cơ bản của nông sản VN. Đó là chất lượng, tổ chức sản xuất, đàm phán mở cửa thị trường với TQ và yếu tố nữa là thị trường TQ dễ thay đổi, hay thay đổi. Chúng ta không thể nói thị trường TQ khó tính, đó chỉ là sự bao biện về khuyết điểm của mình. Khi đã chấp nhận luật chơi, anh muốn bán hàng thì phải tuân thủ.
    Thời gian tới, thị trường TQ vẫn là thị trường chiến lược của nông sản VN nhưng để đáp ứng được thị trường này, vấn đề chiến lược lâu dài là chúng ta phải quy hoạch được vùng nguyên liệu sản xuất. Vùng sản xuất đó ứng với một thị trường hoặc một cụm thị trường.
    Nghĩa là phải có nghiên cứu bài bản về thị trường TQ xem thị trường này thế nào, thói quen người tiêu dùng ra sao, sự thay đổi của thói quen này trong một vài năm tới ra sao. Từ đó có kế hoạch về đầu tư, công nghệ chế biến. Với các thị trường khác cũng tương tự như vậy.
    Nếu không quy hoạch được, nông sản vẫn còn tình trạng ế thừa và khi thị trường có sự thay đổi thì chúng ta không trở tay kịp.
    Cần chủ động siết chặt xuất khẩu tiểu ngạch
    Để tránh tình trạng năm nào cũng xảy ra ùn ứ nông sản trên cửa khẩu thì VN cần chủ động kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất khẩu tiểu ngạch. Nếu không làm thì không giải quyết được bài toán này vì chỉ kêu gọi, doanh nghiệp vì cái lợi trước mắt sẽ không nghe theo.
    Thanh long cũng nằm trong danh mục nông sản được xuất chính ngạch sang TQ nhưng doanh nghiệp cứ xuất tiểu ngạch. Vì sao? Vì phụ thuộc vào đối tác mua hàng bên TQ và đa số đối tác mua hàng bên TQ đều muốn nhận hàng theo hình thức tiểu ngạch để họ được hưởng chính sách ưu đãi, giảm thuế của nước họ.
    Không phải cứ đụng chuyện là kêu đàm phán, giải cứu
    Cây ăn trái nói chung và thanh long nói riêng, khoảng một năm trước phía TQ đã cảnh báo VN nên xuất khẩu bằng đường chính ngạch. Trong khoảng bốn tháng trở lại đây, tần suất cảnh báo càng nhiều hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp VN bỏ qua, vẫn xuất khẩu tiểu ngạch.
    Trong bối cảnh ùn ứ nông sản tại cửa khẩu hiện nay, TQ vẫn nhập khẩu hàng nông sản qua đường chính ngạch bình thường nếu không có vấn đề về dịch bệnh.
    Không chỉ vấn đề dịch COVID-19, tới đây, khi TQ kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật với nông sản VN thì rất gay go.
    Chúng ta nằm ngay cạnh thị trường đông dân nhất thế giới, giàu có và nông sản VN muốn xuất khẩu sang đây phải đáp ứng yêu cầu thị trường này đặt ra chứ không phải đáp ứng nhu cầu của mình. Như việc xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, chúng ta cũng phải đáp ứng yêu cầu của các thị trường này, phải đàm phán mới được xuất khẩu vào. Không phải khi đụng chuyện là kêu các bộ, ngành đàm phán, giải cứu.
    TQ là thị trường xuất khẩu rất lớn của VN nên doanh nghiệp cần tập trung khai thác tốt hơn. Hiện tổng sản lượng nông sản của VN xuất vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc của tất cả doanh nghiệp cộng lại cũng chỉ bằng hai ngày xuất vào thị trường TQ.
    Chín loại trái cây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
    Theo ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), trước đây TQ là thị trường dễ tính nhưng từ ngày 1-1-2019 thì họ yêu cầu phải có mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói với các loại quả được xuất chính ngạch sang TQ. Họ kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là hình thức biên mậu, tiểu ngạch.
    Hiện nông sản VN mới có chín loại trái cây được phép xuất khẩu chính ngạch sang TQ gồm xoài, nhãn, chuối, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít, thanh long, măng cụt.
    Sản phẩm thạch đen mới được ký nghị định thư vào tháng 12-2020. Các mặt hàng sầu riêng, khoai lang đang tiếp tục đàm phán.
    Thời gian đàm phán đối với các sản phẩm kéo dài và chịu sự tác động của dịch COVID-19 khiến chuyên gia không thể sang VN để kiểm tra vùng trồng.
    Về quản lý mã số vùng trồng, tính đến nay mới cấp được 1.991 mã số vùng trồng (55,4%) cho các loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch vào TQ . Đối với các thị trường khó tính, do có chuyên gia kiểm dịch thực vật của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… ở tại VN nên mọi vi phạm xảy ra đều được chúng ta xử lý triệt để. Hàng hóa nông sản của chúng ta xuất khẩu sang các thị trường khó tính rất ít vi phạm.
    Riêng thị trường TQ thì vi phạm quy định rất nhiều, như vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật ở phía TQ, vi phạm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và vi phạm hồ sơ kèm theo lô hàng. Thậm chí còn có tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng VN.


    Mọi thông tin chi tiết hoặc thắc mắc của quý khách hàng vui lòng liên hệ:
    QALogistics JSC.,
    --- Công Ty Cổ Phần Tiếp Vận Quốc Tế Quang Anh chuyên cung cấp các dịch vụ Logistics và vận tải đa phương thức chuyên nghiệp ---
    📍 Địa chỉ: P12a04, Tòa Viwaseen số 48 Tố Hữu, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
    🌐 Website: www.qalogistics.vn
    📧 Email: saleslog@qalogistics.vn
    ☎️ Tel/Zalo: 0962.970.866 - Ms. Trang


Hãy đăng nhập để trả lời