Bài học đằng sau câu chuyện "trái cây tỉ đô"



  • Ngành rau quả Việt Nam, trong đó trái cây chiếm tỉ lệ lớn đã có một năm cực kỳ thành công với kim ngạch xuất khẩu cả năm 2017 đạt hơn 3,5 tỉ USD, tăng trưởng hơn 40%.

    Đáng chú ý các thị trường có yêu cầu về kiểm dịch thực vật khắt khe nhất thế giới (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Newzealand) đều đã mở cửa cho quả tươi của Việt Nam. Kết quả này góp phần nâng cao uy tín cho nông sản Việt Nam, tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy tiếp cận các thị trường khác trên thế giới, góp phần đa dạng hoá thị trường và tạo động lực cho người sản xuất theo hướng hàng hoá và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam. Bởi lẽ, quả tươi xuất khẩu được đi những thị trường này phải qua quá trình đàm phán từ 3-10 năm.

    Khi một loại quả tươi được các nước này cấp "visa" nhập khẩu tức là Việt Nam đã đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật từ vùng trồng, quá trình canh tác đến thu hái, sơ chế, đóng gói, bảo quản, xử lý sau thu hoạch (chiếu xạ hoặc hơi nước nóng),… Còn lại, trên thương trường quốc tế, trái cây Việt phải cạnh tranh về mặt thương mại với các nguồn cung khác để có chỗ đứng trên thị trường.

    Vì thế, việc trái cây Việt Nam có được chỗ đứng và xuất khẩu tăng trưởng tại các thị trường khó tính như Nhật (tăng trưởng hơn 69%), Mỹ (tăng gần 21%), Úc (tăng hơn 11%),… có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp ngành cây ăn quả khỏi tình trạng phụ thuộc thị trường. Đây là dòng sản phẩm cao cấp đòi hỏi cao về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, rất khác biệt so với việc xuất khẩu trái cây dạng thô chỉ được đóng trong các sọt sơ sài do thương lái đảm nhận trước giờ.

    0_1518618554968_traicay_xuatkhau.jpg
    Trái cây Việt Nam không chỉ nỗ lực phục vụ xuất khẩu mà còn bảo vệ thị trường nội địa

    Tính từ năm 2008, khi Mỹ chính thức mở cửa cho quả thanh long tươi của Việt Nam, đến nay chúng ta đã có 10 năm khai phá thị trường khó tính nhưng sản lượng xuất khẩu đến các thị trường này vẫn rất thấp. Thống kê năm 2017, tổng thị phần xuất khẩu rau quả của 4 thị trường: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc chỉ đạt khoảng 10%, trong khi có hơn 75% thị phần xuất khẩu rau quả là Trung Quốc.

    Điều này có thể khiến nhiều người lo ngại nhưng nếu có cách tiếp cận khôn ngoan thì đây chính là lợi thế của rau quả Việt Nam do vị trí gần Trung Quốc. Các doanh nghiệp trong nước cũng nhận ra, phân khúc trung và cao cấp của Trung Quốc vô cùng tiềm năng và lợi nhuận không kém việc xuất khẩu đi Mỹ, Úc. Vấn đề là, ngành rau quả Việt Nam phải xây dựng thương hiệu, định vị chất lượng cao và chủ động kiểm soát an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc không cần bên mua yêu cầu. Có như vậy, ngành rau quả mới có sự tăng trưởng bền vững.

    Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, phía Trung Quốc đang rục rịch chuẩn bị quản lý nhập khẩu trái cây tương tự như các nước Mỹ, Úc,… tức là sẽ kiểm soát từ vùng trồng chứ không "thoáng" như hiện nay. Chưa kể, nếu nước này siết vấn đề nhập khẩu qua đường mậu biên thì chỉ có 8 loại quả là: thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, chuối và mít được phép xuất khẩu chính ngạch, những loại quả còn lại phải chờ kết quả đàm phán mở cửa. Không những thế, ngay trên sân nhà, trái cây nội không còn độc chiếm mà người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn trái cây nhập khẩu. Vì vậy, ngành rau quả dù có thành tích xuất khẩu cao vẫn cần nhận ra điểm yếu để khắc phục trước khi quá trễ.

    Theo Vương Ngọc
    Người lao động

    #qalogsitics #nghiencuuthitruong #thitruong



  • Nông nghiệp là trụ đỡ cho phát triển kinh tế 7/2023



  • Bạn nào có danh mục các trái cây tỉ USD năm 2021 nhỉ?
    Liệu khi nào thì Sầu riêng đạt tỉ đô khi mà vừa được ký cho phép NK vào Trung Quốc