LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ, CHỈ HUY VÀ KIỂM SOÁT



  • Ngày nay, khi mà các doanh nghiệp đang chuyển cơ cấu tổ chức từ mô hình quản lý theo chiều dọc sang mô hình quản lý theo chiều ngang thì phong cách lãnh đạo và quản lý đang được ủng hộ, trong khi đó phong cách chỉ huy và kiểm soát lại nhận về nhiều lời chỉ trích.

    Tuy nhiên, nếu xem xét một cách sâu sắc, chỉ huy và kiểm soát cũng đóng vai trò quan trọng như lãnh đạo và quản lý. Trên thực tế, lãnh đạo, quản lý, chỉ huy và kiểm soát là bốn yếu tố nền tảng trong quá trình phát triển của bất kỳ tổ chức nào. Khi các doanh nghiệp biết cách sử dụng hiệu quả bốn yếu tố này thì họ sẽ dễ dàng vượt qua các rào cản và đạt được mục tiêu đề ra. Nếu không, các doanh nghiệp rất khó có thể thành công.

    BỐN YẾU TỐ NỀN TẢNG
    Bốn yếu tố trên không hề đứng độc lập mà chúng liên quan trực tiếp đến nhau và cùng mở ra các cơ hội cũng như giúp các doanh nghiệp vượt qua thách thức.

    Lãnh đạo giúp thúc đẩy sự tương tác cá nhân trong một tổ chức, chẳng hạn như đạo đức nghề nghiệp và tinh thần đồng đội.
    Quản lý có nhiệm vụ xử lý các vấn đề chiến lược của doanh nghiệp, chẳng hạn như lập kế hoạch và tổ chức.
    Chỉ huy có vai trò trong việc định hướng hoạt động của tổ chức bằng các tầm nhìn chiến lược giúp công ty hoạt động có hiệu quả.
    Kiểm soát sẽ đưa ra các cơ cấu vận hành để tổ chức hoạt động hiệu quả hơn.
    LỢI ÍCH CỦA BỐN YẾU TỐ
    Chỉ huy và kiểm soát

    Thường thì mọi người nghĩ rằng chỉ huy là ra lệnh cho người khác phải làm gì. Tuy nhiên, công việc của người chỉ huy không chỉ có vậy. Người chỉ huy là người định hướng tầm nhìn chiến lược và đảm bảo cho toàn tổ chức nắm rõ được tầm nhìn này, từ đó giúp tổ chức đạt được mục tiêu của mình. Nhiệm vụ của chỉ huy là làm cho một tổ chức thành công và từ đó khen thưởng xứng đáng cho những thành viên góp phần vào thành công ấy.

    Một tầm nhìn chiến lược là một tầm nhìn nâng cao được khả năng tự học hỏi và tương tác giữa các thành viên. Đừng nhầm lẫn tầm nhìn với công cụ hoặc phương pháp giúp bạn đạt được mục tiêu mà tầm nhìn chính là những mục tiêu cụ thể để bạn đạt được mục đích của mình.

    Tầm nhìn có thể đến từ tất cả mọi nơi trong tổ chức chứ không phải chỉ từ những lãnh đạo cấp cao. Trên thực tế, những lãnh đạo ở cấp thấp cũng đưa ra những mục tiêu đúng đắn cho công ty. Tuy nhiên để biến những mục tiêu này thành tầm nhìn chiến lược thì họ cần đến sự hỗ trợ từ phía các nhà lãnh đạo cấp cao.

    Ngược lại với chỉ huy, kiểm soát là quá trình thiết lập và đưa ra mô hình tổ chức phù hợp nhằm đối phó với các rủi ro ngoài mong đợi. Thường thì tầm nhìn tạo ra sự thay đổi, nhưng ngược lại nó cũng tạo ra áp lực. Những áp lực gây ra bởi các bất ổn ngoài mong muốn buộc các nhà lãnh đạo phải có đối sách ngăn chặn chúng. Điều này khác xa với quan niệm của nhiều người cho rằng kiểm soát là điều khiển người khác.

    Ví dụ, một tổ chức có thể sử dụng phương tiện truyền thông xã hội mới để cho phép nhân viên của mình tương tác với nhau và hỗ trợ quá trình tự học hiệu quả hơn. Sau đó, lãnh đạo có thể đưa ra câu hỏi, "Công cụ chúng tôi cung cấp có đang làm tăng tính hiệu quả của việc tự học hay không?" Như vậy, kiểm soát cũng được sử dụng để đo lường và đánh giá hiệu quả công việc.

    Kiểm soát tập trung vào việc đo lường và đánh giá hiệu suất công việc. Mặt tốt của việc này là tiết kiệm tiền bạc và nâng cao qui trình làm việc. Tuy nhiên nếu như qui trình chỉ huy tỏ ra yếu kém mà quy trình kiểm soát lại gắt gao thì điều này đồng nghĩa với việc bạn đang lao động năng suất cho một mục tiêu không có triển vọng tương lai.

    Một ví dụ điển hình của việc này là cuộc suy thoái kinh tế năm 2008 và tác động của nó lên nền kinh tế đã khiến cho nhiều tổ chức buộc phải sa thải nhân viên hàng loạt. Giờ đây các tổ chức gặp khó khăn về vấn đề tài chính cũng đang phàn nàn rằng họ không thể tìm thấy lao động đủ trình độ. Do coi trọng hiệu suất hơn hiệu quả nên các tổ chức này đều không nhận ra rằng trong tương lai họ sẽ cần một lực lượng lao động được đào tạo và có tay nghề cao.

    Lãnh đạo và quản lý

    Lĩnh vực chủ chốt mà quản lý đảm nhận liên quan trực tiếp đến công việc kinh doanh chẳng hạn như lập kế hoạch, tổ chức, và dự thảo ngân sách. Nói cách khác quản lý là việc “vận hành” để hiện thực hóa tầm nhìn. Không được đánh đồng khái niệm "quản lý" với "kiểm soát con người”. Quản lý thiên về việc đảm bảo các nguồn lực của tổ chức được phân bổ hợp lý, thay vì kiểm soát con người. Trên thực tế, nhà quản lý giỏi biết rằng cố gắng để kiểm soát những người khác là vô cùng khó khăn nếu không muốn nói là không thể.

    Nhiệm vụ của quản lý là phải tạo ra nguồn lực, tổng hợp và phân bổ nguồn lực đó một cách phù hợp để hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ. Có thể lấy ví dụ: nếu một công ty muốn nâng cao khả năng tự học của nhân viên bằng cách sử dụng một công cụ truyền thông xã hội mới thì nhiệm vụ của người quản lý là nhìn vào mục tiêu cuối cùng hơn là chỉ chăm chăm vào các công cụ. Ở đây mục đích cuối cùng đó là nâng cao hiệu quả làm việc của nhân viên chứ không đơn thuần là đặt vào đó một công cụ truyền thông xã hội. Như vậy công cụ này chỉ đơn giản là một phương tiện để giúp bạn đạt được mục tiêu muốn hướng tới mà thôi.

    Nếu như bạn chỉ chú tâm vào công cụ truyền thông xã hội thì rất có thể các chính sách sai lầm của bạn sẽ làm giảm giá trị của việc tự học. Lấy ví dụ, công ty qui định không ai được phép đưa ra câu hỏi trên Twitter vì sợ rằng câu hỏi đó khiến họ bị đánh giá là kém hiểu biết hay là để lộ thông tin cho đối thủ. Chính sách trên đã hủy hoại mục đích thực sự của việc sử dụng công cụ truyền thông xã hội này, đó là việc giúp các nhân viên trong tổ chức học hỏi lẫn nhau.

    Tiếp nữa, nếu chỉ tập trung vào công cụ này, thì các lựa chọn khác sẽ bị bỏ qua, chẳng hạn như lựa chọn phá bỏ những phòng làm việc nhỏ và tạo ra không gian mở, nơi mọi người có thể gặp nhau và trao đổi.

    Trái với chỉ huy, lãnh đạo giải quyết các vấn đề phát sinh từ mối quan hệ giữa người với người. Nói cách khác, nhà lãnh đạo đóng vai trò như giáo viên đối với một lớp học và huấn luyện viên đối với một đội bóng- những người truyền được tinh thần chiến thắng của một tập thể. Họ phục vụ cho tổ chức nơi họ làm việc và cả các nhân viên ở đó nữa.

    SỰ HỢP LỰC CỦA BỐN YẾU TỐ
    Tuy cả bốn quá trình đều có vị trí riêng của mình, nhưng chúng không được thực hiện một cách riêng biệt, mà cần được phối hợp nhịp nhàng:

    Chỉ huy truyền tải tầm nhìn hay mục tiêu đến với những người có thể thực hiện công việc này tốt nhất. Trong suốt quá trình này, chỉ huy lĩnh hội những kiến ​​thức mới và cải thiện tầm nhìn đã đưa ra.
    Quản lý phân bổ các nguồn lực và tổ chức các hoạt động để hiện thực hóa tầm nhìn. Công việc này thường là một quá trình liên tục, chứ không phải là một hoạt động đơn lẻ.
    Lãnh đạo có vai trò hướng dẫn, đào tạo, và thúc đẩy mọi người hoàn thành công việc của họ một cách tốt nhất trong suốt toàn bộ quá trình.
    Kiểm soát tận dụng mọi cơ hội giảm thiểu rủi ro, nhờ đó giúp nâng cao hiệu quả công việc.
    Bốn yếu tố kể trên cần phải được thực hiện một cách hài hòa với nhau. Theo sơ đồ dưới đây cho thấy, tổ chức sẽ bị mất cân bằng nếu như bất kì yếu tố nào trong số các yếu tố trên trở nên quá mạnh hoặc quá yếu:

    Một trong các yếu tố quá mạnh so với còn lại

    Một trong các yếu tố quá yếu so với còn lại

    Như vậy, bốn yếu tố nền tảng này phải luôn được cân nhắc sử dụng để đảm bảo việc đạt được tính cân bằng nhằm duy trì sự phát triển thịnh vượng của tổ chức.


Hãy đăng nhập để trả lời