Báo cáo: Chuỗi giá trị nông sản và những vấn đề về logistics trong ngành nông sản



  • 1. Đặc điểm chuỗi giá trị nông sản:

    Các nghiên cứu về chuỗi giá trị nông sản sử dụng thuật ngữ “chuỗi giá trị” hay “chuỗi cung ứng” để mô tả chuỗi giá trị nông sản. FAO (2010) định nghĩa: “Chuỗi giá trị nông sản bao gồm tập hợp các tác nhân và hoạt động đưa một sản phẩm nông sản từ sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng, theo đó, giá trị của sản phẩm được gia tăng trong mỗi khâu trung gian. Một chuỗi giá trị có thể là một liên kết dọc hay một mạng lưới các tác nhân độc lập với nhau vào các khâu chế biến, đóng gói, bảo quản, vận chuyển, và phân phối”.
    Như vậy, khái niệm chuỗi giá trị nông sản cũng mang những đặc điểm của khái niệm chung về chuỗi giá trị, đó là mô tả chuỗi những hoạt động để đưa 1 sản phẩm từ sản xuất đến tiêu dùng cuối cùng. Các hoạt động trong chuỗi giá trị nông sản bao gồm sản xuất, thu gom, chế biến, bán buôn, bán lẻ cũng như các chức năng hỗ trợ như cung ứng vật tư đầu vào, dịch vụ tài chính, dịch vụ hậu cần, đóng gói, và marketing Chuỗi giá trị bị ảnh hưởng bởi các đặc tính của sản phẩm nông sản. Sản phẩm nông sản có các đặc tính đặc thù như tính mùa vụ, mau hỏng, chất lượng không đồng nhất, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm. Những đặc tính những vấn đề trong tổ chức, hoạt động, và hiệu suất của chuỗi, từ đó ảnh hưởng tới đặc điểm của chuỗi.

    Các nhà bán lẻ lớn như siêu thị ngày càng chi phối chuỗi giá trị nông sản. Các siêu thị ngày càng đóng vai trò quan trọng trong bán lẻ sản phẩm nông sản do thị hiếu của người tiêu dùng nông sản có sự thay đổi theo hướng chuyển sang mua sắm tại các nhà bán lẻ đáp ứng được yêu cầu về tiện lợi, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các siêu thị ngày càng trở lên tập trung hóa cao: 15 siêu thị lớn nhất chiếm hơn 30% thị phần bán lẻ của siêu thị trên toàn cầu. Với quy mô lớn, các siêu thị ngày càng chi phối và kiểm soát chuỗi giá trị nông sản. Điều này khiến cho các siêu thị ngày càng có vai trò chi phối trong chuỗi giá trị nông sản. Các siêu thị chi phối tới sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, và do ai sản xuất. Sự chi phối này ảnh hưởng tới cấu trúc, tổ chức và hoạt động chuỗi giá trị nông sản.
    Tập trung hóa cao trong cung ứng đầu vào và chế biến thực phẩm. Trong lĩnh vực chế biến thực phẩm cũng đang diễn ra sự tập trung hóa cao, trong đó top 50 nhà chế biến hàng đầu chiếm tới 30% thị phần thực phẩm đóng gói. Một số công ty đa quốc gia như Nestlé, Kraft Foods, Unilever ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động ra toàn cầu và chi phối thị trường của một số sản phẩm thực phẩm đóng gói. Trong ngành vật tư đầu vào cũng diễn ra sự tập trung hóa cao trong cung ứng giống, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, công nghệ sinh học và di truyền học: top 10 công ty lớn nhất kiểm soát từ 54% đến 80% thị phần trong mỗi lĩnh vực. Sự tập trung hóa cao trong cung ứng đầu vào và thu mua sản phẩm đầu ra cũng ảnh hưởng tới cấu trúc, tổ chức và hoạt động của chuỗi giá trị nông sản, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
    Các tiêu chuẩn ngày càng trở nên quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản. Cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, các nước ngày càng sử dụng các tiêu chuẩn như vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng như một hàng rào kỹ thuật để bảo hộ nông nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng sử dụng tiêu chuẩn riêng của họ trong thu mua sản phẩm. Những tiêu chuẩn này trở thành một rào cản cho sự tham gia vào chuỗi giá trị của người sản xuất, đặc biệt là sản xuất quy mô nhỏ ở các nước đang phát triển.

    2. Những vấn đề về logistics trong ngành nông sản:

    Logistics giữ vai trò kết nối các khâu trong chuỗi giá trị hàng hóa nói chung và càng trở nên quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản, bởi việc đảm bảo chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng phụ thuộc vào sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các khâu, các mắt xích trong chuỗi.

    Theo hình thức quản trị/liên kết chuỗi giá trị có thể chia chuỗi giá trị thành 5 loại chuỗi giá trị bao gồm (Gereffi và các cộng sự, 2005)

    Chuỗi giá trị không liên kết hay được quản trị bằng quan hệ thị trường: Trong hình thức này, người mua và người bán giao dịch với nhau theo phương thức mua bán trao tay, không xây dựng quan hệ hợp tác dài hạn. Mối liên kết giữa các hoạt động trong chuỗi giá trị không lớn, thông tin trao đổi và kiến thức chia sẻ đơn giản và rõ ràng. Giao dịch giữa các tác nhân dựa trên mức giá trên thị trường.
    Mô-đun: là loại hình quản trị chuỗi dựa trên mối quan hệ giữa doanh nghiệp đứng đầu và các nhà cung ứng. Mối quan hệ giữa các tác nhân trong hình thức này đặc trưng bởi tính chất bổ sung năng lực cốt lõi cho nhau. Trong mô hình này, tiêu chuẩn và thông tin được sử dụng làm cơ chế điều phối.
    Quan hệ (relational): Trong mô hình này, mối quan hệ giữa các tác nhân là phụ thuộc lẫn nhau và bị ràng buộc bởi quan hệ xã hội. Cơ chế điều phối chuỗi giá trị được sử dụng là danh tiếng và lòng tin.
    Ràng buộc (captive): Trong mô hình này, doanh nghiệp dẫn đầu áp đặt quy định trong đó những doanh nghiệp khác trong chuỗi hoạt động. Những doanh nghiệp này quy định tiêu chuẩn sản phẩm và quy trình sản xuất đối với nhà cung cấp và giám sát nhà cung cấp thực hiện những tiêu chuẩn này.
    Nhất thể hóa dọc (hierachical): Mô hình quản trị này được đặc trưng bởi liên kết dọc (giao dịch diễn ra trong nội bộ một doanh nghiệp). Cơ chế quản trị mạng sản xuất nhất thể hóa dọc là kiểm soát của nhà quản lý đối với cấp dưới, hoặc từ trụ sở chính đối với các công ty con và chi nhánh.
    Theo hình thức quản trị, chuỗi giá trị nông sản có thể được chia ra làm 3 chuỗi cơ bản: (i) Chuỗi không liên kết hay quản trị bằng quan hệ thị trường; (ii) Chuỗi giá trị có hợp đồng nông sản. Các dạng hợp đồng bao gồm: hợp đồng thu mua, hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, hợp đồng đầu tư...; (iii) Chuỗi giá trị nhất thể hóa dọc trong đó các hoạt động từ sản xuất, chế biến, phân phối... thuộc phạm vi hoạt động trong nội bộ 1 doanh nghiệp.

    Trong ngành nông nghiệp Việt Nam, hiện nay hình thức (i) vẫn còn phổ biến, tuy nhiên những năm gần đây, Nhà nước đang rất khuyến khích các hoạt động kí kết hợp đồng, sản xuất theo hợp đồng để đảm bảo đầu ra cho nông sản, đảm bảo tính đồng nhất về chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Do đó, việc đầu tư về logistics vô cùng quan trọng để có thể đảm bảo được chất lượng và các điều kiện về giao hàng. Nếu không thể cải thiện được tình trạng hư hỏng, tổn thất, sụt giảm chất lượng trong quá trình lưu kho, vận chuyển hoặc giao hàng không đúng tiến độ thì sản phẩm nông nghiệp Việt Nam không những khó mà tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu mà còn có nguy cơ mất luôn cả sân nhà do sức ép cạnh tranh của các nhà cung ứng nông sản và thực phẩm chuyên nghiệp của nước ngoài đã chú ý đến thị trường Việt Nam như một mảnh đất đầu tư màu mỡ.
    Tuy nhiên, doanh nghiệp ngành nông nghiệp và logistics vẫn chưa tìm thấy sự liên kết chặt chẽ. Giao dịch giữa hai bên phần lớn vẫn chỉ thực hiện dưới hình thức cho thuê theo hợp đồng chứ chưa có sự liên kết để hỗ trợ nhau về giá, giúp nhau nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Hơn nữa nhiều công ty sản xuất lẫn logistics quy mô nhỏ chỉ có thể làm ăn nhỏ lẻ, có tính thời vụ, không đủ điều kiện để tạo cơ hội hợp tác phát triển.Do quy mô nhỏ lẻ nên hoạt động của chuỗi cũng thiếu những hoạt động đem lại giá trị cao như: chế biến rau quả, đóng gói, dán tem nhãn, trung chuyển hàng hóa, sắp xếp hàng hóa lên kệ tại cửa hàng…Các bên sản xuất nông phẩm, phân phối nông sản, các chuỗi nhà hàng và siêu thị cần hợp tác một cách chặt chẽ hơn với các bên dịch vụ chuỗi cung ứng lạnh, tập trung vào các tiêu chí giá trị, chất lượng và mức độ xuyên suốt trên toàn chuỗi. Để nông sản đảm bảo chất lượng trong bảo quản và vận chuyển thì doanh nghiệp cần cân nhắc khi chọn lựa giữa dịch vụ logistics giá rẻ và dịch vụ logistics xuyên suốt và giá trị cao.

    VITIC tổng hợp và phân tích.

    #qalogistics #nongsan