Hợp tác vận chuyển hàng hóa Việt Nam-Lào: Thực trạng và triển vọng



  • Lào là nước không có biển nhưng là Lào vẫn là nước trung chuyển quan trọng để kết nối Việt Nam với Thái Lan và các nước trong khu vực. Sự hợp tác giữa hai nước Việt – Lào mang lại lợi ích cho cả hai phía. Hiện tại, tuyến xe bus cố định từ Lào tới Việt Nam đang được triển khai nhằm tạo thuận lợi hơn nữa trong việc di chuyển giữa hai nước.

    1. Khung pháp lý:
    Việt Nam và Lào đã ký kết Hiệp định quá cảnh hàng hóa giữa hai nước và Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Quá cảnh hàng hóa giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đã được ký kết ngày 26/4/2017. Quy định trong Nghị định thư sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa quá cảnh giữa Việt Nam và Lào. Theo đó, Hai Bên ký kết cho phép hàng hoá xuất khẩu đi nước thứ ba, hoặc nhập khẩu từ nước thứ ba về, hoặc hàng hoá vận chuyển từ một địa phương này sang một địa phương khác của một Bên ký kết, được quá cảnh qua lãnh thổ Bên ký kết kia dưới sự giám sát của hải quan và các cơ quan có thẩm quyền khác. Hai Bên ký kết tạo điều kiện thuận lợi cho việc quá cảnh hàng hoá bằng đường bộ qua các cặp cửa khẩu biên giới giữa hai nước, không gây trở ngại về mặt thời gian, không ban hành những quy định gây cản trở không cần thiết trong quá trình quá cảnh và không thu thuế xuất nhập khẩu, thuế nội địa và các khoản phí không cần thiết đối với hoạt động quá cảnh tại nước cho quá cảnh. Hàng hoá quácảnh được miễn kiểm tra hải quan tại cửa khẩu, miễn áp tải trên lãnh thổ của nước cho quá cảnh theo quy định của hải quan nước cho quá cảnh. Việc kiểm tra hàng hoá quá cảnh chỉ áp dụng trong trường hợp có nghi vấn hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Nếu hàng hoá quá cảnh cần lưu kho, lưu bãi tại nước cho quá cảnh thì phải được các cơ quancó thẩm quyền của nước cho quá cảnh cho phép về thời gian, địa điểm, và chịu sự giám sát của hải quan nước cho quá cảnh.
    Theo Thông tư 06/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Thông tư 22/2009/TT-BCT quy định về quá cảnh hàng hóa của Lào qua lãnh thổ Việt Nam, kể từ ngày 26/5/2017, hàng hóa quá cảnh của Lào qua Việt Nam chỉ được phép qua các cửa khẩu quốc tế. Tuyến đường được vận chuyển hàng hóa quá cảnh thực hiện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
    Việc sửa đổi này nhằm hướng dẫn thực hiện cam kết trong khuôn khổ Hàng hoá quá cảnh được phép qua các cặp cửa khẩu và các tuyến đường nối sau :
    Cửa khẩu của Việt Nam Tuyến đường nối Cửa khẩu của Lào
    Lao Bảo (Quảng Trị) Đường 9 Đen-sa-vẳn (savannakhet)
    Cầu Treo (Hà Tĩnh) Đường 8 Nặm Phao (Bolykhămxay)
    Na Mèo (Thanh Hoá) Đường 217 Nậm Xôi (Hủa Phăn)
    Cửa khẩu của Việt Nam Tuyến đường nối Cửa khẩu của Lào
    Tây Trang (Điện Biên) Đường 42 Pang Hốc (Phongxalỳ)
    Nậm Cắn (Nghệ An) Đường 7 Nặm Cắn (Xiêng Khoảng)
    Cha Lo ( Quảng Bình) Đường 12 Na Phàu (Khăm Muộn)
    Bờ Y (Kon Tum) Đường 18 Phu cưa (Attapư)

    2. Thực trạng và triển vọng:

    Theo Hiệp hội giao nhận Lào (LIFFA), do không có đường biển nên xuất nhập khẩu ở Lào hầu hết qua cửa khẩu ở Thái Lan qua đường bộ, giá cả hàng hóa của Lào do đó bị đẩy lên cao. Lào đang cố gắng mở một con đường vận chuyển hàng hóa ra biển một cách hiệu quả, đóng vai trò là con đường huyết mạch trong phát triển kinh tế.
    Mặc dù đang cố gắng phát triển hạ tầng kiến trúc phục vụ logistics bằng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới, hiện Lào vẫn chưa áp dụng được các công nghệ tiên tiến nhất về logistics và Chính phủ đã nhận thấy đây là vấn đề lớn.
    Ngành logistics ở Lào được chính phủ ủng hộ và nâng đỡ toàn diện về mặt chính sách. Chính phủ cũng cố gắng liên kết với các lãnh vực khác cùng logistics để cùng phát triển, đồng thời phối hợp với các công ty xuất nhập khẩu để hàng hóa thông quan dễ dàng. Tuy việc áp dụng công nghệ thông tin của Lào chưa bắt kịp các quốc gia lân cận nhưng Lào vẫn có 28 logistics dự án tương lại và hy vọng hợp tác đầu tư từ các nước ASEAN.
    Hiện nay, trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào có 8 cặp cửa khẩu quốc tế, 7 cửa khẩu chính, 18 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối mở, thành lập được 9 khu kinh tế cửa khẩu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại, dịch vụ của các tỉnh biên giới giữa hai nước. Đến hết năm 2016, Tổng cục đường bộ- Bộ GTVT Việt Nam cũng đã cấp giấy phép kinh doanh vận tải đường bộ quốc tế Việt - Lào cho 631 DN, HTX vận tải. Hai nước Việt Nam - Lào cũng đã tổ chức được 50 tuyến vận tải hành khách cho 44 DN với 275 xe ô tô đang khai thác trên các tuyến. Việt Nam cũng đã cấp 16.801 giấy phép liên vận cho phương tiện phi thương mại, tạo điều kiện và thúc đẩy đi lại của phương tiện phi thương giữa hai nước.
    Chính phủ hai nước đã thống nhất về việc xây dựng đường cao tốc theo hướng tuyến đi qua khu vực cặp cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An, Việt Nam)/Nậm On (Bô ly khăm xay, Lào). Phương án tuyến này có nhiều lợi thế hơn các phương án kết nối khác về khả năng xây dựng tuyến đường với chiều dài ngắn, thuận lợi để xây dựng với tuyến đường có tiêu chuẩn kỹ thuật cao, chi phí xây dựng phù hợp với khả năng kinh tế của hai nước, kết nối thuận lợi với các cảng biển nước sâu của Việt Nam. Ngoài ra, nếu được đầu tư, tuyến đường sẽ kết hợp với các tuyến đường bộ cao tốc khác của Thái Lan và Myanma tạo thành một hành lang kinh tế mới theo hướng Đông Tây kết nối từ Thái Bình Dương (các cảng biển nước sâu của Việt Nam) sang Ấn Độ Dương (cảng Dawei của Myanma) với khoảng cách khoảng 1.500km (đường biển hiện tại có chiều dài khoảng 5.500km) làm giảm đáng kể chi phí vận doanh cho tuyến vận tải này.
    Tổng chiều dài tuyến từ Viêng Chăn đến Hà Nội khoảng 725km. Chiều dài tuyến trên địa phận Lào khoảng 355km được nghiên cứu xây dựng mới, địa phận Việt Nam khoảng 370km (trong đó có 65km từ cửa khẩu Thanh Thủy đến thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An là nghiên cứu xây dựng mới, 305km còn lại phía Việt Nam đã có kế hoạch để đầu tư xây dựng và dự kiến hoàn thành trước năm 2022). Toàn tuyến được nghiên cứu theo tiêu chuẩn đường cao tốc quy mô hoàn chỉnh 06 làn xe, vận tốc thiết kế 100 - 120km/h, tại các đoạn có địa hình đặc biệt khó khăn thiết kế với vận tốc 80km/h.Tuyến đường sẽ phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của hai nước, đặc biệt là tiềm năng về vị trí trung tâm của Lào, tiềm năng biển của Việt Nam trong việc kết nối GTVT đường bộ với các nước trong khu vực và thế giới, hình thành tuyến giao thông kết nối theo hướng Đông Tây tối ưu từ trục dọc Bắc Nam của Lào tới các trục dọc Bắc Nam của Việt Nam, từ Thủ đô Viêng Chăn ra biển, kết nối với các khu kinh tế ven biển của Việt Nam.
    Các mặt hàng Việt Nam được vận chuyển giữa hai nước chủ yếu gồm: từ Việt Nam sang có thuỷ sản, giầy da, may mặc và một số vật tư, sắt thép và sản phẩm từ sắt thép các loại, than đá, xăng dầu các loại, phân bón, nguyên liệu, thiết bị, dây điện, cáp điện, máy móc; từ Lào về có gỗ và sản phẩm gỗ, kim loại thường, quặng, nguyên phụ liệu thuốc lá.
    Ngoài ra, lượng hàng hóa quá cảnh từ Lào qua Việt Nam đi các nước khác cũng tăng lên. Đơn cử như tại cảng Vũng Áng (Việt Nam) cũng, nếu như giai đoạn 2001 - 2011, lượng hàng hóa quá cảnh của Lào thông qua cảng Vũng Áng chỉ đạt khoảng 15.000 tấn hàng/năm, thì những năm gần đây đã tăng nhanh chóng, đạt khoảng 600-700 nghìn tấn/năm. Năm 2016, CP Cảng Vũng Áng Việt - Lào đã phối hợp với một số doanh nghiệp nghiên cứu, xúc tiến sớm đưa hàng container của Lào quá cảnh qua cảng Vũng Áng thay vì đi các cảng Thái Lan nhằm rút ngắn cung đường vận chuyển, tiết kiệm chi phí.
    Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, Thái Lan có những chính sách thông thoáng, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước làm vận tải liên vận quốc tế, vừa thu hút các doanh nghiệp Lào thông thương, nên phía Việt Nam cần nhanh chóng có giải pháp để tăng khả năng cạnh tranh về giá cả và chất lượng dịch vụ. Thực tế cho thấy hiện nay, một số vùng của Lào như Viêng Chăn dù có khoảng cách tương đương đến các cửa khẩu của Việt Nam và Thái Lan nhưng thủ tục Thái Lan lại thông thoáng, ít chi phí hơn nên nhiều khách hàng chọn qua cửa khẩu Thái Lan. Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng thế gới, thời gian thực hiện thủ tục hàng hóa nhập khẩu tại biên giới của Việt Nam là 62 giờ với hàng nhập khẩu và 58 giờ đối với hàng xuất khẩu, đứng vị trí thứ tư trong khu vực ASEAN, sau Singapore, Thái Lan và Malaysia.

    VITIC tổng hợp và phân tích.

    #qalogistics #logisticslao