Phân tích các thách thức đối với ngành logistics khu vực



  • Trong khi các nước phát triển hơn trong khu vực như Singapore, Malaysia và gần đây là Thái Lan đã có một nền tảng khá tốt cho thị trường logistics chuyên nghiệp; và với lợi thế địa lý của họ, giữ một vị trí quan trọng trong bản đồ logistics quốc tế thì một số nước khác như Philippines, Indonesia và Việt Nam cũng đang nhanh chóng nâng cấp cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt, hàng hải và hàng không của họ phù hợp với khuôn khổ của cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

    Tuy nhiên, các nền kinh tế nhỏ hơn của ASEAN như Campuchia, Lào và Myanmar vẫn còn rất nhiều việc phải làm để tiến gần hơn tới mặt bằng phát triển logistics của khu vực.

    1. Thách thức:
      a) Điều kiện hạ tầng về cảng biển và sân bay không đồng đều
      Vận tải đường bộ hàng hóa thường tốn thời gian và chi phí hơn so với các nước phát triển, do cơ sở hạ tầng yếu kém và sự xuống cấp của các tuyến đường, đặc biệt ở nông thôn cũng làm tăng thời gian và chi phí vận chuyển.

    Là nền quốc gia có diện tích và dân số lớn nhất nhất trong AEC, nhưng chi phí logistics của Indonesia chiếm tới 26% GDP-mức cao nhất trong khu vực. Hạn chế về cơ sở hạ tầng về kho bãi cũng khiến chi phí logistics của các nước đang phát triển trong khu vực tăng cao.

    Vận tải biển cũng là một nút thắt cổ chai của lĩnh vực logistics ASEAN. Với 9 nước nhưng chỉ có 47 cảng vào năm 2015, hầu hết các cảng đều bị tắc nghẽn. Ngoài Malaysia, Thái Lan và Singapore, khả năng xử lý hàng hoá tại cảng của các nước khác không đồng đều và đôi khi không ổn định.

    Hơn nữa, trong khi nhiều quốc gia châu Á đã cải tiến các cảng hàng không để vận chuyển hàng hóa và hành khách thì một số sân bay ở các nước đang phát triển không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về xử lý hàng hoá cơ bản dễ hư hỏng.

    Tại các vùng nông thôn, cơ sở hạ tầng viễn thông còn kém phát triển, làm cho việc theo dõi hàng hóa trở nên khó khăn. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thể sử dụng Hệ thống Quản lý Giao thông và Hệ thống Định vị toàn cầu do chi phí ban đầu cao. Do đó có thể nói hạn chế về kiểm tra giám sát hàng hóa trong chuỗi cung ứng là một nút thắt cổ chai khác của hoạt động logistics tại đây.

    b) Gián đoạn bởi thiên tai và bất ổn xã hội:

    Ngoài ra, ở nhiều nước đông nam Á, hoạt động logistics dễ bị gián đoạn bởi thiên tai (bão, sóng thần), mất điện và cơ sở hạ tầng nghèo nàn, đó là chưa kể đến những chấn động do bất ổn xã hội gây ra.

    Hơn nữa, những cản trở liên quan đến nạn quan liêu, tham nhũng, buôn lậu, cạnh tranh không lành mạnh…cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thương mại và logistics.

    Theo nhận định của các chuyên gia quốc tế, quá trình tự do hóa dần dần thị trường logistics của các quốc gia sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh và sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài, qua đó làm thị trường sôi động hơn.

    Nhưng ban đầu có thể các doanh nghiệp nội địa sẽ nhìn thấy nhiều cạm bẫy hơn là cơ hội, vì sức ép cạnh tranh sẽ buộc họ phải giảm giá và chạy theo những hợp đồng vượt quá năng lực thực tế của họ, khiến họ có nguy cơ bị phạt chậm tiến độ hoặc không đảm bảo chất lượng.

    Tuy nhiên, ngành logistics sẽ sớm đi vào quỹ đạo nếu quá trình hội nhập diễn ra hiệu quả, và các vụ sáp nhập và mua lại giữa các công ty toàn cầu và địa phương đảm bảo khả năng chuyển giao công nghệ và thiết lập thị trường logistics chuyên nghiệp trong khu vực.

    1. Khuyến nghị:
      Để hỗ trợ phát triển có trật tự ngành công nghiệp logistics, các chính phủ sẽ cần xây dựng đủ cảng, sân bay, đường bộ, đường sắt và cơ sở hạ tầng CNTT cho các quy trình chuỗi cung ứng phức tạp.

    Để khắc phục những trở ngại về cơ sở hạ tầng, chính phủ các nước trong khu vực phải đảm bảo hoàn thành kịp thời các dự án liên quan đến giao thông và các hiệp định liên quan đến thuận lợi hóa giao thông và hải quan, như cơ chế một cửa ASEAN.

    Chính sách một cửa tích hợp hệ thống một cửa của các quốc gia thành viên để đảm bảo thông quan hàng hóa nhanh hơn và cải thiện tính minh bạch.Thái Lan, Singapore, Malaysia và Philippines đã sử dụng các công cụ "hải quan điện tử". Indonesia và Việt Nam cũng bắt đầu ứng dụng cơ chế một cửa và hải quan điện tử. Thực tế cho thấy hiệu quả là rõ ràng. Đây là động lực để các nước ASEAN làm theo để đảm bảo thị trường đồng nhất trong khu vực sớm được hình thành. Thậm chí giới đầu tư quốc tế nhìn nhận, phần lớn các cơ hội tăng trưởng doanh số và lợi nhuận trong lĩnh vực logistics sẽ đến từ các nước có nền công nghiệp logistics kém phát triển hơn khu vực, bởi dung lượng thị trường mới và những tiềm năng chưa được khai thác.

    VITIC phân tích và tổng hợp

    #qalogistics #thachthuc


Hãy đăng nhập để trả lời