Tồn kho kỹ thuật số: Cách công nghệ in 3D thay đổi cục diện quản lý kho



  • Trong chuỗi cung ứng, việc sản xuất và lưu trữ hàng phụ tùng đã và đang đưa ngành công nghiệp sản xuất toàn cầu đến điểm tắc nghẽn.

    Theo truyền thống, phụ tùng thay thế sẽ được lưu trữ trên kệ trong kho sau khi được sản xuất cùng với các bộ phận được sử dụng trong tổ hợp sản xuất ban đầu. Số bộ phận này dù không được sử dụng nhưng vẫn phải lưu trữ cho những trường hợp bất ngờ nên không gian bị chiếm dụng rất nhiều và kéo dài trong nhiều năm.

    Các chủ sở hữu sẽ chịu lỗ rất nặng nề để tái đầu tư vào các sản phẩm hoàn toàn mới nếu một bộ phận trong chuỗi hư hỏng mà không có phụ tùng thay thế.

    Có rất nhiều ngành công nghiệp dựa vào hàng tồn kho vật lý để đáp ứng nhu cầu hậu mãi cho khách hàng, ví dụ, phụ tùng ô tô. Vì sự tiện lợi và thoải mái của chúng mà nhu cầu cho phương tiện cá nhân đang ngày một tăng cao trên toàn cầu với nhiều kiểu dáng và mẫu mã khác nhau, và mỗi bộ phận đều sẽ cần phụ tùng thay thế do hao mòn, tai nạn và tuổi thọ.

    Việc chúng ta không thể dự đoán được hành vi con người và những gì thực sự xảy ra đối với phương tiện đang sử dụng có nghĩa là sẽ không có bất kì công thức hoàn hảo nào để tính toán được số lượng bộ phần có sẵn khi cần tại bất kỳ vị trí nào để lưu trữ. Hơn nữa việc lưu trữ phụ tùng còn đòi hỏi một lượng nhân công lớn để bảo trì cơ sở và duy trì việc vận hành nhà kho.

    “Digital Inventory” – Hàng tồn kho số là một khái niệm đang được bàn tán sôi nổi trong ngành Quản lý chuỗi cung ứng.

    Không chỉ là một từ nói suông, nguyên tắc cơ bản ở đây là thay vì lưu trữ một kho vật lý với số lượng lớn phụ tùng có hoặc không có nhu cầu tại bất kỳ thời điểm nào, bao gồm cả bộ phận cho các sản phẩm đã lỗi thời và các tệp thiết kế, chúng có thể được lưu trữ dưới dạng kỹ thuật số và thực hiện theo yêu cầu. Công nghiệp 4.0 đang tăng tốc và tác động rất lớn đến ngành sản xuất khi mà việc số hóa còn hơn cả một chuẩn mực cho nên những công nghệ như in 3D hay Sản xuất bồi đắp đang dần chiếm vị trí quan trọng trong các công nghiệp cho phép áp dụng Digital Inventory.

    Trong các giải pháp Digital Inventory, nhà kho sẽ đóng vai trò một cơ sở sản xuất theo yêu cầu. Các file kỹ thuật số sẽ được gửi cẩn thận từ nhà sản xuất với sự đảm bảo rằng các thiết kế gốc là chính xác, sau đó in 3D các tệp này tại chỗ bởi một hệ thống đáng tin cậy với chất lượng đã được chứng minh và xử lý hậu kỳ các bộ phận để đảm bảo hình dạng và bề mặt hoàn thiện và chúng ta sẽ giảm được nhu cầu phải vận chuyển toàn cầu. Điều này có tác động lớn đến thực tiễn trong hậu cần khi mà chúng ta có thể giảm thời gian khách hàng phải chờ đợi hàng cũng đồng thời cắt giảm lượng khí thải carbon của quá trình vận chuyển hàng hóa.

    Tất nhiên, quy trình làm việc đó là một trong những kịch bản tốt nhất của thế giới. Trong thực tế, việc chuyển đổi sang hàng tồn kho số và sản xuất phụ tùng theo yêu cầu tại chỗ vẫn chỉ là: trong quá trình chuyển đổi. Có rất nhiều thông tin cần phải xác nhận và cân nhắc quan trọng ví dụ như vấn đề sở hữu trí tuệ (IP), chất lượng của các vật liệu, tính nhất quán hay trình độ của nhân viên.

    Một số công ty đã giải quyết vấn đề IP bằng việc sử dụng Identify3D, một hệ thống đảm bảo việc sử dụng hợp pháp các tệp và cho phép truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ quá trình sản xuất. Tính nhất quán của các bộ phận là mối quan tâm chính; chất lượng các phần cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn giống nhau bất kể nơi xuất xứ. Một thành phần 3D được in ở Singapore phải có các đặc điểm vật lý giống như được sản xuất tại San Francisco hoặc Berlin.

    Để bất kỳ quá trình chuyển đổi nào sang Digital Inventory thành công, nó cần được triển khai vào các quy trình công việc hiện có cũng như mới được thiết lập. Công nghiệp là bước đầu tiên trong hành trình áp dụng dài này, vì các công nghệ non trẻ và các thủ tục mới được tạo ra trong nhiều trường hợp vẫn cần được chứng minh là tiềm năng.

    Khi nói đến các giải pháp Digital Inventory, việc áp dụng sản xuất bồi đắp hay in 3D sẽ tạo ra một bức tranh mới mẻ về thực tiễn tốt nhất trong quản lý chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu.

    Theo Forbes / Biên tập: Phương Thy