Đạo Luật Lacey Act Là Gì ?



  • Lacey Act là gì ? Lacey Act là đạo luật cấm buôn bán các loài cây và sản phẩm liên quan có nguồn gốc bất hợp pháp, bao gồm cả gỗ và các sản phẩm gỗ được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua vào 22/5/2008. Giờ đây, đạo Luật Lacey đã tạo ra một tiền lệ mới trong thương mại toàn cầu về gỗ và các sản phẩm gỗ, công nhận và hỗ trợ nỗ lực của các quốc gia khác trong việc quản lý nguồn tài nguyên của họ và thiết lập các cơ chế khuyến khích mạnh mẽ để các công ty buôn bán những mặt hàng này thực hiện các quy định tương tự như đã đề cập trong đạo Luật Lacey.

    Image (2).jpg

    Đạo Luật Lacey Act là gì của Hoa Kỳ làm gì?

    1. Cấm buôn bán thực vật hoặc sản phẩm từ thực vật – bao gồm cả gỗ và sản phẩm từ gỗ bất hợp pháp xuất xứ từ bất kỳ bang nào của Hoa Kỳ hoặc từ nước ngòai vào Hoa Kỳ.

    2. Đòi hỏi người nhập khẩu phải khai báo xuất xứ gốc và tên lòai gỗ có trong sản phẩm của họ.

    3. Thiết lập hình phạt cho sự vi phạm đạo luật này, bao gồm tịch thu hàng hóa, phạt tiền hoặc tống giam, hoặc tịch thu phương tiện, thiết bị vận chuyển trong các trường hợp nghiêm trọng như buôn lậu sản phẩm có nguồn gốc bất hợp pháp hay giả mạo giấy tờ.

    Cần phải khai báo những thông tin gì và vì sao?

    Luật Lacey yêu cầu các nhà nhập khẩu cung cấp hồ sơ khai báo thông tin cơ bản kèm theo từng chuyến hàng vận chuyển gỗ hoặc các sản phẩm gỗ. Mục đích của việc khai báo này nhằm tăng tính minh bạch về gỗ và loài cây thương mại để Chính phủ Mỹ có thể thực thi luật tốt hơn. Nội dung khai báo cần bao gồm các nội dung sau đây:

    1. tên khoa học của các loại gỗ cấu thành trong sản phẩm,
    2. tên quốc gia nơi gỗ được khai thác,
    3. số lượng và,
    4. giá trị.

    Yêu cầu khai báo có áp dụng đối với tất cả các sản phẩm gỗ không?

    Không. Thứ nhất, Luật có các điều khoản đặc biệt đối với các sản phẩm phức tạp mà thường sử dụng nguyên liệu từ nhiều quốc gia hoặc nhiều loài cây. Trong trường hợp không có nguồn thông tin về quốc gia hoặc loài cây cụ thể, Luật cho phép khai báo danh mục các loài cây gỗ và/hoặc nước tiềm năng (phải bao gồm cả tên quốc gia có nguồn gốc gỗ) là nơi xuất xứ của nguồn gốc gỗ. Thứ hai, không cần khai báo tên loài cây hoặc nguồn gốc nguyên liệu tái chế đối với các sản phẩm giấy được sản xuất từ nguyên liệu sợi tái chế. Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu phải cung cấp thông tin về tỷ lệ % trung bình của hàm lượng tái chế cũng như các loài cây và nguồn gốc nguyên liệu gỗ không thuộc thành phần tái chế có trong sản phẩm. Cuối cùng, các nhà nhập khẩu không cần khai báo nguyên liệu đóng gói được chế biến từ gỗ như bìa các tông hoặc bìa ép rơm trừ khi sản phẩm đóng gói là hàng hóa nhập khẩu chính. Sau 2 năm triển khai, chính phủ cần rà soát lại việc thực hiện các yêu cầu khai báo và tác động của việc loại trừ nguyên liệu đóng gói. Trên cơ sở kết quả rà soát này, chính phủ có thể ban hành các quy định điều chỉnh phạm vi áp dụng của 3 hình thức này.

    Khó khăn cho Việt Nam

    Nói với báo chí trong nước, ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Việt Nam cho rằng hiểu biết để ứng phó với đạo luật này của các doanh nghiệp Việt Nnam là chưa sẵn sàng, bởi vì chưa có hướng dẫn cụ thể từ phía cơ quan chức năng. Đến nay, các bộ ngành liên quan vẫn chưa có ý kiến thống nhất về cơ quan nhà nước hay một tổ chức phi chính phủ nào sẽ chịu trách nhiệm cấp một số giấy chứng nhận cho doanh nghiệp xuất khẩu. Các doanh nghiệp chế biến gỗ chưa biết lấy tiền đâu mà triển khai và xin cấp chứng chỉ vì mỗi lâm trường trồng rừng nguyên liệu lấy gỗ cần 2 triệu đô la thì mới triển khai được

    Một phụ nữ đang hoàn thành bức tượng gỗ tại một xưởng điêu khắc gỗ tư nhân ở Bắc Ninh. AFP photo Một phụ nữ đang hoàn thành bức tượng gỗ tại một xưởng điêu khắc gỗ tư nhân ở Bắc Ninh. AFP photo
    Một khó khăn khác nữa mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp phải với đạo luật Lacey theo ông Nguyễn Tôn Quyền là “hiện Việt Nam không biết quốc gia nào, công ty nào để có thể bán gỗ cho Việt Nam với đầy đủ giấy phép như yêu cầu. Ngành xuất khẩu gỗ của Việt Nam phụ thuộc đến 80% nguyên liệu từ nước ngoài.”

    Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ, Ngô Văn Thoan, trong một lần trả lời phỏng vấn trước đây với đài Á châu Tự Do thì nhận định đạo luật Lacey mới tạo thêm rào cản thương mại và khiến người tiêu dùng Mỹ phải trả giá cao hơn, “họ quy định nhiều việc làm mới, làm cho chi phí lên cao, mất nhiều thời gian, và người tiêu dùng Mỹ phải trả giá cao hơn.”

    Nhưng theo ông Jack Hurd của TNC thì quan niệm cho rằng đạo luật Lacey tạo rào cản thương mại và do đó có thể làm giảm xuất khẩu là không có căn cứ:

    “Nhận xét là các quy định này là các rào cản thương mại theo tôi là không đúng. Việc yêu cầu các nhà xuất khẩu tuân thủ luật pháp của chính nước họ không thể coi là không hợp lý. Tôi nghĩ là xuất khẩu sẽ giảm sút. Lý do thứ nhất là hoạt động sản xuất kinh doanh ở Việt Nam là một cơ cấu phức tạp. Đây là ngành xuất khẩu quan trọng, các doanh nghiệp và chính phủ Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được các yêu cầu của thế giới. Những nhà kinh doanh ở đây rất nhạy bén trong việc thích ứng với những thay đổi trên thị trường thế giới. Lịch sử ngành công nghiệp đồ gỗ Việt Nam cho thấy điều đó.”

    Hiện xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam vào thị trường Mỹ vẫn rất mạnh, mặc cho cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua. Năm 2009, Mỹ nhập của Việt Nam 1 tỷ đô la. Mỹ cũng là thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam.

    Bà Ngô Thị Hồng Thu, Phó tổng giám đốc công ty kỹ nghệ gỗ Trường Thành, một trong các công ty xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam sang Hoa Kỳ, nói rằng những quy định mới có tạo ra các rào cản nhất định, chủ yếu là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ. Nguyên nhân là vì lâu nay họ đã quen mua gỗ không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí gỗ lậu để đảm bảo giá cạnh tranh. Nay để đáp ứng được những quy định mới, họ sẽ phải thay đổi lại tập quán kinh doanh của mình. Điều này không dễ thực hiện một sớm một chiều. Còn công ty gỗ Trường Thành đã sẵn sàng để đối phó:

    “Công ty biết rất rõ và công ty ý thức được việc này, từ năm 2002 tức là 7 năm trước đây mình đã set up công ty mình theo quy trình COC tức là chain of custody nghĩa là truy ngược lại nguồn gốc và từ năm đó mình đã được chứng nhận của tổ chức SCS về việc công ty tổ chức và đạt chứng nhận COC luôn, là 1 công ty có khả năng làm hàng có chứng nhận FFC, nói chung về nguồn gốc sản phẩm, nguồn gốc gỗ dùng trong sản phẩm thì rất rõ ràng từ 2002 tới bây giờ.”

    Việt Nam đặt ra mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ 3 tỷ đô la trong năm nay, với các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU và Nhật. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đã đạt 26% kế hoạch cả năm. Mặc dù còn nhiều khó khăn trước mắt liên quan đến những thay đổi về chính sách tại các thị trường lớn, đại diện hiệp hội gỗ Việt Nam vẫn tin tưởng ngành xuất khẩu gỗ sẽ đạt được mục tiêu đề ra và nằm trong những ngành xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam năm nay.
    ST


Hãy đăng nhập để trả lời