Thị trường chuỗi cung ứng lạnh: Dư địa lớn, cơ hội mở



  • Thị trường chuỗi cung ứng lạnh Việt Nam có quy mô lên đến gần 10 tỷ USD, đây cũng là thị trường có dư địa lớn và cơ hội mở cho các doanh nghiệp cung ứng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước lại chưa thực sự chú trọng tham gia vào thị trường giàu tiềm năng này.

    Dư địa dồi dào

    Theo khảo sát của Euromonitor, chỉ tính riêng thị trường thực phẩm cần vận chuyển lạnh trong ngành bán lẻ đạt khoảng 1,2 tỷ USD. Nếu tính luôn các loại dược phẩm chăm sóc sức khỏe phụ thuộc vào chuỗi cung ứng lạnh, quy mô này có thể lên đến gần 10 tỷ USD năm 2020, chưa kể lĩnh vực thủy, hải sản.

    Ông Julien Brun, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn CEL Consulting Việt Nam cho biết, Việt Nam đang để thất thoát một lượng lớn thực phẩm, cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á, do chưa áp dụng công nghệ làm lạnh- mát để vận chuyển và bảo quản. Nguyên nhân của sự lãng phí lớn này xuất phát từ thị trường logistics cung ứng lạnh- mát tại Việt Nam chưa hoàn thiện. Hiện ở Việt Nam chủ yếu là các nhà cung cấp dịch vụ nhỏ, phục vụ rời rạc cho một số điểm hay khu vực và chưa thể đáp ứng cho toàn chuỗi thực phẩm.

    Theo đánh giá của các chuyên gia, ngoài việc công suất hệ thống kho lạnh toàn quốc chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu sử dụng, thì cơ cấu kho lạnh chưa phù hợp với yêu cầu, đặc biệt thiếu kho lạnh bảo quản sâu cho hàng thủy sản. Bên cạnh thiếu hụt tổng công suất, còn có sự thiếu hụt do phân bố không hợp lý và trình độ công nghệ không đồng đều. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng lạnh cho lương thực đầu ra thị trường nội địa tại hệ thống nhà hàng và siêu thị trong nước vẫn còn rất hạn chế. Đa phần các doanh nghiệp hoạt động trong chuổi cung ứng lạnh là doanh nghiệp trong nước (48%) với quy mô nhỏ lẻ. Chính vì đặc điểm này mà hoạt động của chuỗi thường sẽ bị phân khúc trên từng giai đoạn thay vì vận hành một cách xuyên suốt, và thiếu những hoạt động đem lại giá trị cao.

    Trước tình trạng trên, các nhà sản xuất lẫn bán lẻ đang tìm cách cải thiện và đây chính là cơ hội cho các chuỗi cung ứng lạnh. Đáng chú ý, dư địa phát triển ngành này vẫn còn lớn vì tăng trưởng của chuỗi cung ứng lạnh thường ăn theo sự tăng trưởng của các chuỗi bán lẻ, sản xuất thực phẩm và đồ uống. Đây đều là những ngành ghi nhận tăng trưởng cao trong thời gian gần đây.

    Đón đầu cơ hội

    Trong những năm vừa qua, ngành bán lẻ thực phẩm hiện đại phát triển nhanh chóng nhờ vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam và tầng lớp trung lưu ngày càng quan tâm về vệ sinh và an toàn thực phẩm. Song song đó, ngành chuỗi cung ứng lạnh cũng tăng trưởng ước tính 15-20%/năm. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), công suất kho lạnh tại Việt Nam thực tế vẫn còn chưa theo kịp được nhu cầu của ngành. Trong khi đó, kho lạnh không chỉ là điều kiện cần để doanh nghiệp thu mua hết nguyên liệu tôm, cá nông dân sản xuất ra mà còn là mắt xích chính để giúp doanh nghiệp tạo ra được nguồn hàng lớn, đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu khi nhu cầu thị trường tăng trở lại.

    Nhìn thấy được cơ hội cũng như để đón đầu cơ hội phát triển của thị trường, các doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng lạnh đã tăng cường mở rộng thêm kho cũng như ứng dụng tự động hóa vào hoạt động ở các trung tâm phân phối lạnh (DC), nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhân lực, ngăn chặn sự tác động của dịch bệnh.

    Trong đó, ABA Cooltrans, doanh nghiệp đi đầu chuỗi cung ứng lạnh với 12% thị phần về xe lạnh và trong top 3 về kho lạnh – vừa mở mới thêm 1 DC ở Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Đây là DC thứ 3 của ABA Cooltrans tiếp sau 2 DC ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, nâng tổng diện tích các trung tâm phân phối lạnh hiện tại lên thêm khoảng 5.000 m2, đạt sức chứa ước tính 8.000 tấn, tổng giá trị đầu tư vào khoảng 250 tỷ đồng.

    Theo ông Lương Quang Thi, Tổng giám đốc của ABA, với DC miền Đông 1, ABA sẽ có thể chủ động đảm bảo kế hoạch kinh doanh liên tục của khách hàng không bị gián đoạn trong thời gian khó khăn do dịch bệnh. Ngoài ra, đây cũng là một cách khẳng định bước phát triển chiến lược về khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về phân phối thực phẩm của khách hàng tại TP Hồ Chí Minh.

    Mới đây, Công ty Cổ phần Hùng Vương (HVG) cũng đã đưa vào vận hành kho lạnh tại khu công nghiệp Tân Tạo (Bình Tân, TP Hồ Chí Minh). Được xây dựng trên diện tích gần 4ha, tổng vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng, kho được lắp đặt 60.000 pallet, sức chứa từ 60.000 - 70.000 tấn hàng hóa. Tính đến hiện tại, theo HVG đây là kho lạnh lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á, đứng thứ 2 trên thế giới về công suất thiết kế (chỉ sau kho lạnh ở Tây Ban Nha – công suất 65.800 pallet).

    Theo ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HVG, hiện nay nhu cầu kho lạnh ở Việt Nam hiện nay rất lớn, nhiều tập đoàn lớn đã đầu tư kho lạnh tại Việt Nam. Từ 2017, Công ty đã có kế hoạch xây dựng và đã chuẩn bị nguồn vốn, nhân lực, chọn nhà cung cấp thiết bị cũng như đơn vị thi công. Đến nay, mọi thứ đã hoàn thành và HVG chính thức đưa kho vào vận hành. Với giá thuê kho trung bình khoảng 20.000 đồng/tấn/ngày, HVG kỳ vọng trong vòng 4 năm có thể thu hồi vốn. Đồng thời, Công ty còn đang chuẩn bị kế hoạch đầu tư tiếp một kho khác ở cảng Hiệp Phước.

    Báo Hải quan