Thấy gì từ ba chuỗi cung ứng điển hình Samsung, Vingroup và Vinamilk?



  • Từ kinh nghiệm của ba chuỗi cung ứng điển hình Samsung, Vingroup và Vinamilk, GS Nguyễn Mại khẳng định rằng, doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia thành công vào chuỗi cung ứng toàn cầu cần có 2 yếu tố tự tin và chủ động.
    Tại BizTALK “30 năm lan tỏa vốn FDI” do Tạp chí điện tử Diễn đàn Đầu tư - BizLIVE.vn tổ chức ngày 10/6, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã đưa ra ba ví dụ điển hình về chuỗi cung ứng của các tập đoàn kinh tế đang hoạt động tại Việt Nam.

    Samsung

    Câu chuyện Samsung là điển hình về việc tham gia chuỗi cung ứng của một tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghiệp điện tử.

    Từ tháng 9/2015 đến giữa năm 2016, Samsung đã triển khai chương trình tăng cường năng lực cho các nhà cung ứng Việt Nam, thông qua việc cử chuyên gia từ Hàn Quốc sang trực tiếp hỗ trợ cho 9 công ty Việt Nam trong ba tháng. Chuyên gia Hàn Quốc hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, hoàn thiện các tiêu chuẩn trong việc cung ứng linh kiện, phụ kiện cho nhà máy của Samsung tại Việt Nam.

    Công nhân Samsung
    Trước đây, Samsung phải loay hoay tìm doanh nghiệp hỗ trợ, tới năm 2015 cũng chỉ có 87 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho Samsung, trong đó 80 là của Hàn Quốc; 7 là của Việt Nam nhưng chủ yếu là bao bì, nhựa rẻ tiền... Nhưng tới năm 2016, Samsung mở rộng đầu tư hơn.

    Đến tháng 8/2016 Samsung đã có khoảng 200 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp Việt Nam, trong đó 25 doanh nghiệp hỗ trợ cấp 1 còn lại là cấp 2 và cấp 3.

    Vinamilk

    Vinamilk vốn là doanh nghiệp nhà nước, từ khi đổi mới chuyển sang công ty cổ phần, từ chỗ chỉ có sản xuất trong nước, mua sữa bột và quấy thành sữa nước thì sau cổ phần hóa, Vinamilk đã phát triển rất mạnh.

    Hiện nay Vinamilk có 10 nông trại chăn nuôi bò và 13 nhà máy trên cả nước; nhà máy sữa tại tỉnh Bình Dương là một trong hai siêu nhà máy của Vinamilk có năng lực sản xuất 800 triệu lít sữa/năm và ba nhà máy ở nước ngoài. Vinamilk hiện nay không chỉ cung ứng cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu. Công ty sữa lớn nhất Việt Nam dự kiến năm 2017 đạt doanh thu 3 tỷ USD.

    Vinamilk bắt đầu tư các trang trại. Các hộ nông dân không tốn nhiều vốn lắm nhưng có thể nuôi bò. Vinamilk mua sữa, chế biến và đưa tới khách hàng.

    Vingroup

    Câu chuyện Vingroup là giữa tập đoàn kinh tế trong nước với doanh nghiệp vừa và nhỏ hình thành chuỗi cung ứng nông nghiệp.

    Cách đây 2 năm, Vingroup chính thức đặt chân vào thị trường bán lẻ và triển khai rất nhanh. Đây cũng là lúc các doanh nghiệp Thái mua các siêu thị như BigC và ép các doanh nghiệp Việt Nam phải chiết khấu cao để có thể đưa sản phẩm vào siêu thị của họ.

    Lúc này Vingroup làm một mô hình khác là liên kết với các hợp tác xã, để đưa sản phẩm vào các cửa hàng của tập đoàn này.

    Vingroup hạ mức chiết khấu về 0% cho một số sản phẩm nông nghiệp khi đưa vào bán tại các siêu thị của tập đoàn, trong khi không ít nhà bán lẻ như BigC sau khi thuộc sở hữu của Người Thái đã tăng chiết khấu đến mức nhiều doanh nghiệp Việt Nam không thể chịu được.

    Vingroup đã ký hợp đồng với 250 nhà cung cấp và hàng trăm hợp tác xã nông nghiệp (kiểu mới) để hợp tác áp dụng công nghệ mới, công nghệ sạch, hướng dẫn nông dân canh tác, thu hoạch và tạo ra chuỗi cung ứng với chi phí thấp, thời gian rút ngắn từ nơi sản xuất đến siêu thị, do vậy người sản xuất, doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, người tiêu dùng và Vingroup đều được hưởng lợi.

    Câu chuyện Vingroup hình thành hệ thống phân phối, liên kết với nhà sản xuất, nhà phân phối là mô hình để doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong từng ngành hàng trên tinh thần hợp tác, liên kết, tự chủ phát triển mạng lưới, hình thành chuỗi cung ứng của Việt Nam nhằm khai thác và tận dụng cơ hội mới của thị trường trong nước và thị trường thế giới.

    Từ kinh nghiệm hợp tác thành công giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ với tập đoàn Samsung, Vingroup, Vinamilk, GS Nguyễn Mại khẳng định, doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia thành công vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì cần có 2 yếu tố, thứ nhất là tự tin. Các doanh nghiệp Việt hay tự ti, mà muốn làm được thì cần phải tự tin. Thứ hai là phải chủ động tìm kiếm đối tác để tham gia vào chuỗi toàn cầu".