Xuất khẩu sang EU: Những bài học đắt giá



  • Thông tin mới nhất đến từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) cho hay, chỉ trong thời gian ngắn đã có tới 17 lô hàng nông, hải sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu bị thị trường này từ chối hoặc bị giám sát, do không đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.
    Sự việc nói trên một lần nữa đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam về câu chuyện chất lượng sản phẩm và hơn cả là sản xuất có trách nhiệm.

    Nhiều lô hàng bị từ chối

    Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU: Trong giai đoạn từ ngày 01/01 đến 01/5, Hệ thống Cảnh báo nhanh của EU đối với mặt hàng thức ăn và thực phẩm nguy cơ gây rủi ro cho sức khỏe cộng đồng (RASFF) đã thông báo có 9 lô hàng thủy sản và 8 lô hàng nông sản của Việt Nam bị từ chối hoặc giám sát khi nhập vào EU.
    Nguyên nhân được chỉ ra là bởi những lô hàng này không đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm của EU do chứa các chất vượt mức cho phép hoặc bị cấm sử dụng trong thực phẩm.

    EU là một đối tác thương mại tiềm năng của Việt Nam nhưng đây cũng là một thị trường rất khó tính. Những tiêu chuẩn, quy định mà thị trường này đưa ra thực sự là những rào cản lớn đối với hàng hóa của các nước xuất khẩu. Với Việt Nam, hàng hóa của DN chúng ta xuất khẩu sang thị trường EU đã và đang “nếm trải” không ít những “vị đắng”.

    Sở dĩ nói như vậy là bởi, nhiều lô hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu của ta đã bị thị trường này thẳng thừng từ chối do không đáp ứng được các quy chuẩn khắt khe của thị trường này.

    Chỉ riêng trong năm 2018, đã có khoảng 80 lô hàng thủy sản của chúng ta bị EU và các thị trường nhập khẩu cảnh báo không đảm bảo chất lượng và điều này cũng đồng nghĩa rằng, phía đối tác từ chối, không cho phép nhập khẩu vào thị trường họ.

    Tuy nhiên con số này chỉ bằng ½ so với năm 2017 và năm 2016, và “chưa thấm vào đâu” so với những năm trước đó. Trong giai đoạn những năm 2002-2013, Việt Nam là nước đứng đầu danh sách các nước bị EU từ chối nhập khẩu 40% sản lượng (tiếp đến là Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan).

    Ngay ở thời điểm hiện tại, ngành thủy sản của chúng ta cũng đang như “ngồi trên lửa” khi bị dính án “thẻ vàng” IUU (quy định về khai thác đánh bắt hải sản có trách nhiệm mà EU đặt ra). Và mới đây nhất thông tin 17 lô hàng thủy sản và nông sản bị EU từ chối hoặc đưa vào tầm “soi” để tiếp tục giám sát là tiếng chuông cảnh tỉnh cho các DN Việt Nam khi bước chân vào thị trường khắt khe này.

    Chinh phục bằng chất lượng

    Theo ông Nguyễn Huy - Giám đốc Khối thực phẩm Bureau Veritas, mối nguy an toàn thực phẩm của Việt Nam vào thị trường EU chính là dư lượng thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, vi khuẩn gây bệnh… Đặc biệt, có đến 50% số vụ hàng hóa rau củ quả bị cảnh báo do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và nấm mốc. Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng hóa nông thủy sản, thực phẩm của Việt Nam bị EU cảnh báo nhiều, giới chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài cho rằng, do Việt Nam chỉ kiểm tra sản phẩm cuối cùng, không kiểm tra từng công đoạn của chuỗi. Đây chính là một trong những hạn chế cần phải khắc phục để hàng nông sản xuất khẩu không “vượt đại dương” một cách suôn sẻ.
    Thừa nhận rằng EU là thị trường khắt khe, khó tính, song theo nhận định của nhà quản lý, chuyên gia ngành nông nghiệp, nếu đáp ứng được các quy chuẩn của họ, các DN Việt Nam sẽ không ngại bất cứ thị trường nào nữa.

    Cụ thể, phân tích rõ về những cơ hội và thách thức tại thị trường EU, ông Phan Văn Thường- Giám đốc Công ty CP chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C cho rằng: Cái được lớn nhất khi hàng hóa xuất sang thị trường này không phải là lợi nhuận mà chính là hệ thống quản lý và uy tín của DN. Nếu đáp ứng được thị trường EU thì các thị trường khác sẽ nhìn vào đó để kết nối với DN.

    Theo ông Thường, EU thực sự sẽ mang đến nhiều cơ hội cho hàng nông sản của Việt Nam. Các doanh nghiệp cần xác định xuất khẩu hàng hóa vào EU không phải vì số lượng mà thay vào đó, sản phẩm hàng hóa phải có giá trị gia tăng cao.

    #qalogistics #xuatkhaueu #chinhphucbangchatluong