Vụ nổ cảng Beirut: Bài học đắt giá về hàng hóa nguy hiểm



  • Chiều ngày 4 tháng 8 năm 2020, cảng Beirut đã xảy ra vụ nổ gây chấn động cả thành phố với sóng xung kích tạo ra tương đương một trận địa chấn 3,3 độ Richter. Chuyên gia từ Đại học Sheffield của Vương quốc Anh ước tính vụ nổ là một trong những vụ nổ không hạt nhân lớn nhất lịch sử. Nguyên nhân vụ nổ được cho là bắt nguồn từ 2750 tấn Amoni Nitrat (Ammonium Nitrate) dùng cho phân bón chứa trong kho tại cảng. Vậy Amoni Nitrat là gì? Vì sao nó lại phát nổ? Nguyên nhân của sự việc bắt nguồn từ đâu? Và những thiệt hại từ vụ nổ chấn động này là gì?
    Beirut-5.jpg
    AMMONIUM NITRATE – QUẢ BOM NỔ CHẬM?
    Amoni Nitrat là một muối hóa học, màu trắng giống tinh thể và được sản xuất với số lượng lớn trong công nghiệp. Amoni nitrat tương đối ổn định trong hầu hết các điều kiện, không tốn kém cho việc sản xuất và là nguyên liệu thiết yếu dùng để chế tạo các sản phẩm từ đơn giản đến các thiết bị công nghệ cao. Sản lượng toàn cầu của Amoni Nitrat ước tính là 20 triệu tấn mỗi năm. Theo bộ luật quốc tế về vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường biển (IMDG) phiên bản 2018, Amoni Nitrat có số UN 1942 thuộc Class 5.1 – chất oxi hóa và được quy định là hàng hóa nguy hiểm.

    Ứng dụng của Amoni Nitrat:
    Ứng dụng chính của Amoni Nitrat là dùng trong phân bón dành cho những loại đất nghèo nitơ (đạm).
    Amoni Nitrat còn là một thành phần quan trọng trong thuốc nổ công nghiệp như ANFO (ammonium nitrate/fuel oil) sử dụng phổ biến trong các hoạt động như khai thác than, khai thác đá, mỏ kim loại và xây dựng dân dụng.
    Amoni Nitrat còn được dùng như một chất kiểm soát tốc độ phát nổ của các chất nổ khác như dùng trong pháo hoa, động cơ tên lửa và gần gũi hơn là có trong diêm, giúp diêm dễ cháy.
    Beirut-1-768x432.jpg
    Trong điều kiện bảo quản bình thường, không có nguồn nhiệt cao thì rất khó để đốt cháy Amoni Nitrat. Do Amoni Nitrat là một chất oxy hóa, nó thúc đẩy quá trình đốt cháy và cho phép các chất khác dễ bắt lửa hơn nhưng bản thân nó lại không dễ cháy. Vì lý do này mà việc lưu trữ Amoni Nitrat phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt như: không lưu trữ Amoni Nitrat chung với nguồn nhiệt và các nhiên liệu dễ cháy khác.

    Việc bổ sung canxi carbonat (calcium carbonate – CaCO3) vào Amoni Nitrat để tạo thành Canxi Amoni Nitrat (calcium ammonium nitrate (CAN) an toàn hơn cho lưu trữ là yêu cầu bắt buộc đối với nhiều quốc gia tại EU. Lượng Amoni Nitrat vẫn cần được lưu trữ và vận chuyển vì với sản lượng hàng chục triệu tấn, không phải tất cả Amoni Nitrat đều được dùng để sản xuất phân bón, lượng Amoni Nitrat dư thừa vẫn cần được lưu trữ và vận chuyển.

    Trong quá khứ cũng đã có những tai nạn do Amoni Nitrat như:
    Oppau, Đức, 1921 – 400 người chết, 2000 người bị thương, 700 ngôi nhà bị phá hủy
    Thành phố Texas, Hoa Kỳ, năm 1947 – 600 người chết, 5000 người bị thương, 500 ngôi nhà bị phá hủy
    Toulouse, Pháp, 2001 – 30 người chết, 2000 người bị thương, 500 ngôi nhà bị hư hại
    West, Texas, 2013 – 14 người chết, 200 người bị thương, 150 ngôi nhà bị hư hại
    Thiên Tân, Trung Quốc, 2015 – 163 người chết, 798 người bị thương
    CẢNG VỤ BEIRUT: 6 NĂM – 6 LÁ THƯ – 0 HỒI ĐÁP
    MV Rhosus – “quả bom” nổi tại cảng Beirut
    Theo thông tin từ ShipArrested thì ngày 23 tháng 9 năm 2013, Lebanon đã bắt giữ một tàu chở hàng có tên MV Rhosus và trên tàu có 2750 tấn Amoni Nitrat. Con tàu MV Rhosus này mang cờ Moldova, thuộc sở hữu của một doanh nhân người Nga và đang trên đường từ Georgia đến Mozambique, số Amoni Nitrat được dùng làm phân bón nông nghiệp.

    Thế nhưng khi dừng ở Hy Lạp để tiếp nhiên liệu, chủ tàu nói với các thủy thủ Nga và Ukraine rằng đã hết tiền và cần phải lấy thêm hàng để trang trải chi phí cho chuyến đi. Vậy là con tàu phải đi đường vòng và cập cảng Beirut. Khi ở cảng Beirut, tàu MV Rhosus bị chính quyền cảng địa bắt giữ do “vi phạm nghiêm trọng hoạt động điều hành tàu”, nợ phí cảng và nhận được nhiều khiếu nại từ thủy thủ đoàn của Nga và Ukraine khi họ không có lương thực hay đồ tiếp tế, phải bán nhiên liệu và dùng tiền đó thuê luật sư để thủy thủ đoàn được hồi hương. Kể từ khi cập cảng thì tàu MV Rhosus không rời đi và trở thành một “quả bom nổi”.

    Đề nghị không được hồi đáp:
    Thế nhưng vào 11/2014, số Amoni Nitrat đã được dỡ xuống cảng Beirut và lưu trữ trong một nhà kho tại cảng. Cựu cục trưởng hải quan Lebanon – Chapid Merhi khẳng định: “Do sự nguy hiểm cực kỳ cao của hàng hóa trên tàu (Amoni Nitrat) đang được lưu trữ trong điều kiện không phù hợp, chúng tôi đã nhắc lại yêu cầu với Cảng vụ Beirut để tái xuất hàng hóa ngay lập tức nhằm đảm bảo an toàn cho cảng cũng như những người tại đây.”

    Cục trưởng hải quan Lebanon hiện tại là Badri Daher cho biết đã nhiều lần đề nghị giải quyết số hàng hóa nguy hiểm này từ năm 2014 đến nay. Ngoài việc tái xuất thì ông còn đề nghị bán số Amoni Nitrat này cho quân đội Lebanon nhưng đề xuất này đã bị vô hiệu. Ông cho biết đã gửi “tổng cộng 6 lá thư cho các cơ quan hành pháp Lebanon” nhưng giới chức trách chưa trả lời bất kỳ lá thư nào. Ông chia sẻ: “Đáng lẽ cảng vụ không nên cho phép dỡ số Amoni Nitrat xuống cảng. Số hàng này phải được chuyển đến Mozambique, không phải Lebanon.” Như vậy 2750 tấn Amoni Nitrat này đã được lưu trữ tại cảng trong suốt 6 năm mà không có biện pháp an toàn. Điều đáng nói là nơi lưu trữ số Amoni Nitrat này lại nằm cách khu mua sắm và phố đêm của Beirut chỉ vài phút đi bộ.

    THIỆT HẠI NẶNG NỀ TỪ VỤ NỔ CẢNG BEIRUT
    Nguyên nhân của vụ nổ ban đầu không được xác định rõ ràng, truyền thông nhà nước ban đầu nói vụ nổ diễn ra tại một nhà kho pháo hoa, trong khi những nguồn khác nói là tại một cơ sở cất giữ dầu hay hóa chất. Tuy nhiên, dù ở đâu đi nữa thì việc để Amoni Nitrat gần các chất dễ cháy được quy định trong hàng hóa nguy hiểm là một sai phạm cực kỳ nghiêm trọng dẫn đến những thiệt hại đáng tiếc. Tính đến ngày 7 tháng 8 năm 2020, sau vụ nổ, ít nhất 157 người đã được xác nhận là thiệt mạng, 80 người mất tích và hơn 5.000 người bị thương. Trong khu cảng, vụ nổ phá hủy một phần đường bờ biển và để lại một miệng hố đường kính gần 120 m.

    Thiệt hại về tàu cảng
    Tàu chở gia súc Jouri, tàu chở hàng Raouf H nằm gần tâm nổ và tàu hàng Mero Star bị thiệt hại nặng nề. Hệ thống nhận dạng tự động (AIS) từ những con tàu này ngừng phát TÍN hiệu thời điểm xảy ra vụ nổ. Hai con tàu chở gia súc lớn, Abou Karim I và Abou Karim III, cũng chịu hư hại sau vụ nổ. Chúng nằm rất gần nhà kho 12, trung tâm của vụ nổ. Trong một bức ảnh sau khi vụ thảm họa xảy ra, chiếc Abou Karim I bị chìm và lật về phía chiếc Abou Karim III. Con tàu chở dầu ăn Amadeo II hoàn toàn bị phá hủy, những mảnh vỡ của đuôi tàu có thể thấy trôi dạt vào bờ.

    Văn phòng của Hapag-Lloyd tại Beirut bị phá hủy. Văn phòng của CMA CGM, cách xa tâm nổ chỉ vài trăm mét, bị thiệt hại nặng nề. Một nhân viên tử vong, hai người bị thương nặng. Sân bay quốc tế Beirut Rafic Hariri, sân bay chính của thành phố nằm cách địa điểm vụ nổ 10km, bị hư hại một phần khu vực nhà ga. Cửa và cửa sổ bị phá hủy, gạch lát trần bị rung chuyển bởi sóng xung kích, làm đứt đường dây điện. Tuy vậy, các chuyến bay vẫn tiếp tục diễn ra sau vụ nổ.

    Thiệt hại về kinh tế
    Vụ nổ lớn ở thủ đô Beirut của Lebanon đã xé nát các hầm chứa ngũ cốc lớn, làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt ở một quốc gia nhập khẩu gần như tất cả lương thực và đang quay cuồng vì khủng hoảng kinh tế. Theo Bob Jabra, một đối tác của nhà kinh doanh hàng hóa địa phương Ibrahim Jabra & Sons, hầu hết các thực phẩm khác tại cảng, nơi xử lý 60% lượng hàng nhập khẩu của Lebanon, cũng đã bị hủy hoại. Jabra cho biết công ty bị mất 10 container gạo, tương đương 250 tấn.
    Thiệt hại về kinh tế
    Vụ nổ lớn ở thủ đô Beirut của Lebanon đã xé nát các hầm chứa ngũ cốc lớn, làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt ở một quốc gia nhập khẩu gần như tất cả lương thực và đang quay cuồng vì khủng hoảng kinh tế. Theo Bob Jabra, một đối tác của nhà kinh doanh hàng hóa địa phương Ibrahim Jabra & Sons, hầu hết các thực phẩm khác tại cảng, nơi xử lý 60% lượng hàng nhập khẩu của Lebanon, cũng đã bị hủy hoại. Jabra cho biết công ty bị mất 10 container gạo, tương đương 250 tấn.

    TẠM KẾT
    Chúng ta có thể thấy một sơ xuất trong xử lý hàng hóa nguy hiểm có thể gây ra những thiệt hại nặng nề. Các tổ chức quốc tế liên quan như Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) và Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) luôn đưa ra các quy định, các hướng dẫn nghiêm ngặt và cực kỳ chi tiết trong việc phân loại hàng nguy hiểm, cách đóng gói, quy định về nhãn hiệu, cách bốc dỡ, chất xếp và biện pháp xử lý trong quá trình vận chuyển, lưu trữ hàng hóa nguy hiểm. Có thể kể đến bộ luật IMDGs của IMO cũng như DGR của IATA là những yêu cầu kiến thức tối thiểu bắt buộc nhân sự ngành Logistics, các công ty vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng phương thức vận chuyển đường biển và đường hàng không. Việc trang bị cho bản thân những kiến thức chuẩn hóa của ngành Logistics không chỉ mang lại sự an toàn giảm thiểu những rủi ro gây ra thiệt hại mà còn nâng cao chuyên môn bản thân, luôn sẵn sàng nắm bắt những cơ hội mới trong tương lai.

    Theo NBC News, CSBP, BBC News, The National,…
    http://vlhl.vn/


Hãy đăng nhập để trả lời