Thực trạng xe rỗng chiều về và những giải pháp Triệu Đô của Start-up Việt



  • Mặc dù đã được chú trọng đầu tư phát triển những năm gần đây, song theo đánh giá của giới chuyên gia, chi phí Logistics của Việt Nam hiện đang vẫn ở mức cao. Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) năm 2017, chi phí Logistics tại Việt Nam ước tính khoảng 16,8% GDP, trong khi theo báo cáo của Armstrong, chi phí này ở Thái Lan là 15% và Singapore 8,5%.

    Chi phí Logistics thường gồm 3 loại phí: chi phí vận tải, chi phí cơ hội vốn và chi phí bảo quản hàng hóa. Chi phí Logistics tăng cao thông thường sẽ làm tăng chi phí hàng hóa và giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt. Trong đó, chi phí vận tải là lớn nhất.

    Xe rỗng chiều về: Thực trạng đau đầu của các nhà vận tải Việt Nam

    Dù là đơn vị vận tải hay cá nhân sở hữu xe tải, xe container thì mong muốn của các doanh nghiệp đều là giảm chi phí và tối đa hóa lợi nhuận sử dụng xe. Nhưng hiện nay tình trạng xe chạy rỗng chiều về ngày càng tăng dẫn đến lãng phí rất lớn về cả nhiên liệu, nhân công và thời gian.

    Tại Việt Nam, tình trạng xe vận chuyển hàng hóa Bắc Nam “chạy rỗng” chiều về là tình trạng chung trên toàn quốc. Theo khảo sát khác của Viện Chiến lược và phát triển Giao thông vận tải về doanh nghiệp vận tải, con số về tình trạng “chạy rỗng” của xe tải cũng rất cao, khoảng 70%. Chính điều này đã khiến các chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ tăng thêm khoảng 30% so với giá trị thực.

    Tương tự với phía Bắc, các xe vận chuyển hàng hóa phía Nam cũng gặp tình trạng “chạy rỗng”. Theo ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết có khoảng 50% xe tải chở hàng đi nhưng phải “chạy rỗng” về do không tìm được nguồn hàng. Vào những mùa lễ, tết, nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao, tình trạng xe “chạy rỗng” có giảm một chút nhưng vẫn ở mức cao, khoảng 40%.

    Case study: Start-up Việt thành lập “Uber của xe tải” và tham vọng xóa sạch xe rỗng chiều về

    Được thành lập vào tháng 9.2017, Logivan là nền tảng công nghệ kết nối trực tiếp chủ hàng và chủ xe, giúp các doanh nghiệp tối ưu chi phí và thời gian cho dịch vụ Logistics. Logivan cung cấp một nền tảng trung tâm theo dõi vị trí của hàng hóa và xe tải, cho phép công ty tối ưu hóa các tuyến xe tải và giảm tỷ lệ trả lại hàng trống.

    Với mục tiêu sẽ trở thành điểm nối kết giữa các doanh nghiệp và các chủ xe. Đối với những doanh nghiệp chưa có nhà xe cho riêng mình, Logivan sẽ giúp các doanh nghiệp tìm xe nhanh và dễ dàng nhất. Còn đối với những chủ xe, sau khi nhận những chuyến hàng đi nhưng trở về với thùng xe rỗng thì Logivan sẽ giúp chủ xe tìm được đơn hàng để chạy kết hợp, tối ưu chi phí đi lại.

    Logivan hiện đang phát triển với hai nền tảng chính: Nền tảng Website cho chủ hàng và nền tảng ứng dụng điện thoại cho cả chủ hàng và chủ xe.

    Để đặt một chiếc xe tải, chủ hàng truy cập vào các nền tảng của Logivan và điền các thông tin có liên quan đến chuyến hàng cần vận chuyển, bao gồm: địa điểm lấy và dỡ hàng, ngày, loại hàng, loại xe… Một điểm khá thú vị của ứng dụng Logivan đó chính là chủ hàng có thể đưa ra mức giá đề nghị cho mỗi chuyến hàng. Các thao tác cũng tương tự với chủ xe.

    Với giao diện thân thiện với người dùng, thao tác dễ dàng, nhanh chóng, Logivan đã thu hút được đầu tư của các tổ chức lớn khi mới đây, Logivan vừa chính thức thông báo đã gọi thành công 1,75 triệu USD trong vòng Series A do Ethos Partners, Insignia Venture Partners và VinaCapital Ventures đứng đầu.

    Trước đó, vào tháng 4 năm nay, công ty cũng đã gọi thành công 600.000 USD từ quỹ đầu tư Insignia Ventures Partners đặt tại Singapore. Tháng 11/2017, startup này đã chiến thắng cuộc thi khởi nghiệp UberEXCHANGE, giành tấm vé đến thung lũng Silicon gặp các chuyên gia, nhà cố vấn cấp cao cùng các quỹ đầu tư uy tín.

    Hiện nay, Logivan hiện đang làm việc với một đội xe với hơn 1.000 xe tải và đã vận chuyển thành công hơn 3.300 tấn hàng hóa. Với mục tiêu trong tương lai là mở rộng đến Thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn ở Việt Nam như Đà Nẵng, Hải Phòng…. Logivan hứa hẹn sẽ trở thành một giải pháp nhằm cách mạng hóa ngành Logistics tại Việt Nam.

    Abivin vRoute: Tối ưu bài toán định tuyến cho doanh nghiệp FMCG cùng ‘vua Midas’ Dzung Nguyễn (Shark Tank)

    Được xem như là ‘vua Midas’ trong giới đầu tư, hầu hết những dự án mà Shark Dzung Nguyễn ‘chạm tay’ vào đều trở thành những dự án cực kì thành công, có thể kể đến là Tiki, Foody, NhacCuaTui, Topica… Với thương vụ đầu tư trị giá 200.000 USD trong chương trình Shark Tank vừa qua, Abivin hứa hẹn sẽ trở thành một trong những start-up Unicorn công nghệ nổi bật tại châu Á.

    Thành lập vào tháng 5.2015, thế mạnh đặc biệt của Abivin vRoute là giải quyết vấn đề định tuyến đường đi (vehicle routing problem). Bằng việc sử dụng thuật toán thỏa mãn ít nhất 20 điều kiện khác nhau và công nghệ học máy Machine Learning, Abivin đã góp phần xây dựng một lộ trình tối ưu hơn cho doanh nghiệp, thể hiện qua khả năng tiết kiệm 30% chi phí Logistics cho các khách hàng, bao gồm các công ty FMCG như P&G, FrieslandCampina, Habeco…

    Hiệu quả của Abivin vRoute còn thể hiện qua việc cắt giảm số lượng xe vận chuyển cho cùng một số lượng đơn hàng. Một khách hàng ở Hà Nội của Abivin cho biết, sau khi sử dụng phần mềm của công ty, từ nhu cầu 14 chiếc xe để vận chuyển đơn hàng nay giảm xuống còn 9 chiếc, góp phần tiết kiệm thời gian vận hành, theo dõi đơn hàng và tổng hợp báo cáo hàng ngày.

    Hiện, Abivin thu phí qua hai nguồn chính:

    Phí phát triển và triển khai một lần, bao gồm phí tích hợp ERP
    Thu phí bản quyền phần mềm tiêu dùng hàng tháng, với giá 10-15 USD/người dùng/tháng
    Với tốc độ tăng trưởng hàng năm lên đến 200%, cùng với sự hợp tác với nhà đầu tư dày dặn kinh nghiệm như Shark Dzung, chắc hẳn trong tương lai, Abivin sẽ tiếp tục mang lại nhiều bất ngờ cho cũng như sản phẩm làm thay đổi cách quản lí trong ngành Logistics Việt Nam.

    Tổng hợp