Hướng Dẫn Kê Khai C/O Form EUR.1 Của Việt Nam



  • Hiện nay hàng hóa xuất đi châu Âu, để được hưởng ưu đãi về thuế, doanh nghiệp thường xin C/O form EUR.1. quản trị nguồn nhân lực

    Một số lưu ý khi kê khai C/O được quy định tại Thông tư 11/2020/TT-BTC và Công văn 0811/XNK-XXHH về việc hướng dẫn chứng từ chứng nhận xuất xứ trong EVFTA.

    I.Một số lưu ý về C/O form EUR.1
    **Hàng hóa được cấp C/O form EUR.1 bao gồm:

    1.Hàng hóa có xuất xứ Liên minh châu Âu nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA khi nộp một trong những chứng từ chứng nhận xuất xứ sau:

    a)C/O được phát hành theo quy định từ Điều 20 đến Điều 23 Thông tư 11/2020/TT-BTC.

    b)Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ theo quy định tại Điều 24 Thông tư 11/2020/TT-BTC do nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định của Liên minh châu Âu phát hành đối với lô hàng có trị giá bất kỳ; hoặc nhà xuất khẩu bất kỳ phát hành đối với lô hàng không quá 6.000 EUR (sáu ngàn ơ-rô).

    c)Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ phát hành bởi nhà xuất khẩu đăng ký tại cơ sở dữ liệu điện tử phù hợp quy định của Liên minh châu Âu và đã được thông báo với Việt Nam. Thông báo có thể gồm quy định Liên minh châu Âu ngừng áp dụng điểm a và điểm b khoản này .

    2.Hàng hóa có xuất xứ Việt Nam nhập khẩu vào Liên minh châu Âu được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA khi có một trong những chứng từ chứng nhận xuất xứ sau:

    a)C/O được phát hành theo quy định tại Điều 4 và từ Điều 20 đến Điều 23 Thông tư 11/2020/TT-BTC .

    b)Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ theo quy định tại Điều 25 Thông tư 11/2020/TT-BTC phát hành bởi nhà xuất khẩu có lô hàng trị giá không quá 6.000 EUR (sáu ngàn ơ-rô).

    c)Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ phát hành bởi nhà xuất khẩu đủ điều kiện hoặc nhà xuất khẩu đăng ký tại cơ sở dữ liệu phù hợp quy định của Bộ Công Thương.

    d)Việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa quy định tại điểm c khoản này thực hiện theo quy định của Bộ Công Thương và áp dụng sau khi Việt Nam thông báo tới Liên minh châu Âu.

    3.Trong trường hợp áp dụng Điều 29 Thông tư 11/2020/TT-BTC, hàng hóa có xuất xứ được hưởng ưu đãi EVFTA mà không cần nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa quy định tại Điều này.

    1.Hình thức C/O form EUR.1 theo mẫu dưới đây

    c-o-form-eur-1.jpg
    2.C/O không được tẩy xoá hoặc viết chữ đè lên chữ khác. Việc sửa đổi được thực hiện bằng cách xoá thông tin sai và bổ sung thông tin đúng. Việc sửa đổi đi kèm chữ ký tắt của người hoàn thiện C/O và được chấp thuận bởi cơ quan có thẩm quyền.

    3.C/O không để khoảng trống giữa các mục và phải đánh số thứ tự mỗi mục. Ngay dưới mục cuối cùng phải gạch ngang. Khoảng trống không sử dụng phải được gạch chéo để tránh việc bổ sung thông tin sau này.

    4.Hàng hóa được mô tả theo thông lệ thương mại và có đủ thông tin chi tiết để xác định được hàng hóa

    II.Hướng dẫn kê khai C/O mẫu EUR.1 của Việt Nam
    C/O mẫu EUR.1 của Việt Nam phải được kê khai bằng tiếng Anh và đánh máy. Nội dung kê khai C/O cụ thể như sau:

    1.Ô trên cùng bên phải: số tham chiếu (do cơ quan, tổ chức cấp C/O điền).

    Số tham chiếu gồm 16 ký tự, chia làm 5 nhóm, cụ thể như sau:

    a)Nhóm 1: tên viết tắt của nước thành viên xuất khẩu là Việt Nam, gồm 02 ký tự là “VN”.

    b)Nhóm 2:

    – Tên viết tắt của nước thành viên nhập khẩu thuộc EU, gồm 02 ký tự như sau:

    c-o-form-eur-1-1-1.jpg
    – Trường hợp chưa xác định nước nhập khẩu vào thời điểm xuất khẩu, ghi tên viết tắt của Liên minh châu Âu, gồm 02 ký tự là “EU”.

    – Tên viết tắt của nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ quy định tại Chương IV Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (sau đây gọi là Thông tư số 11/2020/TT-BCT), gồm 02 ký tự như sau:

    Hướng dẫn kê khai C/O form EUR.1 của Việt Nam

    c)Nhóm 3: năm cấp C/O, gồm 02 ký tự. Ví dụ: cấp năm 2020 sẽ ghi là “20”.

    d)Nhóm 4: mã số của cơ quan, tổ chức cấp C/O, gồm 02 ký tự. Danh mục các cơ quan, tổ chức cấp C/O quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư số 11/2020/TT-BCT. Danh mục này được cập nhật tại Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn khi có sự thay đổi.

    đ)Nhóm 5: số thứ tự của C/O, gồm 05 ký tự.

    e)Giữa nhóm 1 và nhóm 2 có gạch ngang “-”; Giữa nhóm 3, nhóm 4 và nhóm 5 có dấu gạch chéo “/”.

    Ví dụ: Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Thành phố Hồ Chí Minh cấp C/O mang số thứ 6 cho một lô hàng xuất khẩu sang Cộng hòa Liên bang Đức trong năm 2020 thì số tham chiếu của C/O này sẽ là: “VN-DE 20/02/00006”.

    2.Ô số 1: tên giao dịch và địa chỉ đầy đủ của nhà xuất khẩu, tên nước thành viên xuất khẩu (Việt Nam).

    3.Ô số 3: tên giao dịch và địa chỉ đầy đủ của nhà nhập khẩu, tên nước thành viên nhập khẩu.

    Trường hợp chưa xác định nước nhập khẩu vào thời điểm xuất khẩu, điền thông tin nhà nhập khẩu trung gian và nước nhập khẩu trung gian.

    4.Ô số 4: tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ xuất xứ của hàng hóa.

    5.Ô số 5: tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu hàng hóa.

    Trường hợp chưa xác định nước nhập khẩu vào thời điểm xuất khẩu, điền thông tin nước nhập khẩu trung gian.

    6.Ô số 6: ngày khởi hành, tên phương tiện vận tải (nếu gửi hàng bằng máy bay thì ghi “By air”, nếu gửi bằng đường biển thì điền tên tàu) và tên cảng bốc dỡ hàng.

    Trường hợp chưa xác định cảng dỡ hàng vào thời điểm xuất khẩu, điền thông tin cảng trung chuyển.

    7.Ô số 7: ISSUED RETROSPECTIVELY, DUPLICATE hoặc ghi chú khác (nếu có).

    Trường hợp áp dụng Điều 22 Thông tư số 11/2020/TT-BCT, thương nhân ghi ngày, nơi xuất khẩu hàng hóa và nêu rõ lý do.

    8.Ô số 8: số thứ tự các mặt hàng (mỗi mặt hàng có một số thứ tự riêng), ký hiệu và số hiệu, số lượng kiện hàng, loại kiện hàng, mô tả hàng hóa và mã HS (ở cấp 6 số).

    9.Ô số 9: trọng lượng cả bì của hàng hóa (hoặc đơn vị đo lường khác).

    10.Ô số 10: số, ngày của hóa đơn thương mại và trị giá lô hàng.

    11.Ô số 11: dành cho cơ quan, tổ chức cấp C/O.

    – Dòng thứ nhất và dòng thứ hai: để trống.

    – Dòng thứ ba: tên viết tắt của cơ quan, tổ chức cấp C/O theo danh sách tại Phụ lục II đính kèm công văn 0811/XNK-XXHH.

    – Dòng thứ tư: Viet Nam.

    – Dòng thứ năm: địa điểm; ngày, tháng, năm cấp C/O.

    – Dòng thứ sáu: họ và tên, chữ ký của người có thẩm quyền ký C/O.

    12.Ô số 12:

    – Dòng thứ nhất: địa điểm; ngày, tháng, năm đề nghị cấp C/O.

    – Dòng thứ hai: họ và tên, chữ ký của người ký đơn đề nghị cấp C/O.

    13.Ô số 13: dành cho cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên nhập khẩu.

    14.Ô số 14: dành cho cơ quan, tổ chức cấp C/O để ghi kết quả xác minh xuất xứ.

    15.Đối với các mục có quy định “optional” (tại Ô số 3, Ô số 6, Ô số 10) và mục HS (tại Ô số 8), thương nhân có quyền lựa chọn thể hiện hoặc không thể hiện thông tin trên C/O mẫu EUR.1. Tuy nhiên, các thông tin này sẽ thể hiện trên Đơn đề nghị cấp C/O để đảm bảo xác minh được xuất xứ hàng hóa.

    16.Đối với tiêu chí xuất xứ hàng hóa: Tiêu chí xuất xứ hàng hóa phải được thể hiện tại Bảng kê khai hàng hóa xuất khẩu theo mẫu quy định tại các Phụ lục ban hành kèm Thông tư số 05/2018/TT-BCT ngày 03 tháng 4 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về xuất xứ hàng hóa. Theo đó:

    – Tại Mục “Tiêu chí áp dụng” ở góc trên bên phải Bảng kê khai hàng hóa xuất khẩu: ghi “PSR”.

    – Tại Mục “Kết luận”: ghi rõ tiêu chí xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 11/2020/TT-BCT.