Thương mại điện tử xuyên biên giới: Xu hướng tất yếu của thời đại số



  • Thương mại điện tử (TMĐT) là xu hướng tất yếu gắn liền với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của các nước trên thế giới và Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Nhằm trao đổi, góp phần hoàn thiện chính sách quản lý hải quan đối với hoạt động TMĐT, ngày 19/9, Báo Hải quan phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) tổ chức buổi tọa đàm với nội dung “Quản lý hải quan đối với hoạt động TMĐT”.

    Trong hơn 3 tiếng với 2 phiên thảo luận, các diễn giả, đại biểu tham dự đã thảo luận về các vấn đề: Thực trạng và giải pháp phát triển TMĐT tại Việt Nam; Cơ chế kiểm tra, giám sát hàng hóa trong môi trường TMĐT; Tình hình quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa XNK tại Việt Nam; Tăng cường hoạt động và nâng cao nhận thức trong phòng chống lợi dụng TMĐT để buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả; Quan điểm về chính sách quản lý đối với hàng hóa XNK trong hoạt động TMĐT; Công tác chống buôn lậu, ngăn ngừa hàng giả, xâm phạm quyền SHTT đối với hàng hóa XNK; Tăng cường hoạt động phòng chống vận chuyển trái phép hàng hóa qua khu vực biên giới; Kiểm soát, chống thất thu thuế hàng hóa XNK qua hoạt động TMĐT tại cửa khẩu, đơn vị chuyển phát nhanh. Một số câu hỏi trực tiếp của doanh nghiệp tại Tọa đàm đã được các diễn giả trả lời trực tiếp.

    Thiếu tướng, PGS-TS Đàm Thanh Thế- Ủy viên Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia: Hoạt động thương mại điện tử còn tiềm ẩn nhiều rủi ro

    Trước thực trạng lợi dụng TMĐT để buôn lậu, bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã phối hợp với các bộ, ngành, lực lượng chức năng khảo sát, đánh giá tình hình xây dựng kế hoạch chuyên đề chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT để tham mưu với Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia phê duyệt.

    Buổi tọa đàm của Báo Hải quan phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia có ý nghĩa quan trọng để diễn giả chia sẻ thông tin, phát biểu về thực trạng, những khó khăn vướng mắc, kiến nghị giải pháp giúp cơ quan quản lý làm sao để TMĐT vẫn phát triển nhưng ngăn chặn được tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt hàng hóa qua TMĐT không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Về phía Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cam kết sẽ tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện kế hoạch triển khai trong thời gian tới.

    Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Công Bình: Thay đổi phương thức quản lý hải quan là xu thế tất yếu

    Trong bối cảnh Chính phủ đang hướng tới xây dựng Chính phủ số, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) được giao chủ trì xây dựng Đề án quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, với mục tiêu quản lý hoạt động TMĐT có hiệu quả.

    Đây là vấn đề hoàn toàn mới, cần phải trao đổi để thống nhất rõ trách nhiệm quản lý hoạt động TMĐT qua biên giới là gì. Hiện nay, cơ quan Hải quan mới đang nghiêng về quản lý hàng hóa có thực đi qua biên giới bằng các phương thức vận chuyển thực thể, thông thường, còn một loại TMĐT là tất cả hàng hóa điện tử, chuyển trở trên phương tiện điện tử. Đó là những vấn đề đặt ra đối với cơ quan quản lý.

    Chính vì vậy, việc tổ chức tọa đàm để bàn thay đổi phương thức quản lý hải quan trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ hoạt động TMĐT trên thế giới là nhu cầu tất yếu, quan trọng.

    Thay mặt lãnh đạo Tổng cục Hải quan, tôi biểu dương, đánh giá cao sáng kiến tổ chức buổi tọa đàm của Báo Hải quan phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia. Tôi xin đề nghị các đại biểu tham dự Tọa đàm sẽ cùng trao đổi, thảo luận về những vấn đề có liên quan để hoàn thiện cơ sở pháp lý, đẩy mạnh xây dựng môi trường công nghệ 4.0 để đưa ra các kiến nghị, đề xuất, đóng góp, hoàn thiện thúc đẩy đề án . Đây là đề án then chốt đảm bảo môi trường cạnh tranh, thực hiện chính phủ số, đáp ứng chỉ đạo Chính phủ cũng như yêu cầu tất yếu của xã hội.

    Thương mại điện tử đã và đang phát triển toàn cầu

    Tổng biên tập Báo Hải quan Vũ Thị Ánh Hồng:
    Cơ quan Hải quan với vai trò là cơ quan quản lý hoạt động XNK, tạo thuận lợi cho thương mại toàn cầu, nên tại nhiều nước trên thế giới, cơ quan Hải quan có nhiều phương thức quản lý đối với hoạt động TMĐT, một mặt vừa tạo thuận lợi tối đa nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý, phòng tránh lợi dụng TMĐT để buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

    Hải quan Việt Nam được sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đang xây dựng Đề án quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa XK, NK, trong đó khẳng định vai trò của cơ quan Hải quan trong quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa XNK.

    Báo Hải quan tổ chức buổi Tọa đàm: “Quản lý hải quan đối với hoạt động TMĐT” nhằm cung cấp thêm thông tin giúp cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp có góc nhìn nhiều chiều và hiểu rõ hơn về hoạt động TMĐT; đặc biệt là hoạt động TMĐT đối với hàng hóa XK, NK trong bối cảnh Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đang tiến hành xây dựng Dự thảo “Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa XK, NK”.

    Buổi tọa đàm không chỉ nêu ra thực trạng TMĐT, những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện cơ chế chính sách cũng như thực tế hoạt động kinh doanh TMĐT của các DN, mà còn thảo luận đi tới những sự thống nhất giải pháp để kiến nghị cơ quan chức năng nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động TMĐT trong XNK hàng hóa, đồng thời đưa ra giải pháp đảm bảo công tác quản lý.

    Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương Nguyễn Thị Minh Huyền: Dư địa phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam còn rất lớn

    Trong khuôn khổ buổi hội thảo có thể thấy bức tranh sáng về dư địa phát triển TMĐT tại Việt Nam. TMĐT chỉ là phương thức kinh doanh mới bên cạnh phương thức kinh doanh truyền thống, vấn đề cuối cùng là phải kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, hàng hóa được sản xuất làm giả ngay tại Việt Nam hay nhập khẩu qua các cửa khẩu, hay nhập lậu theo đường tiểu ngạch… Để giải quyết hiệu quả và triệt để vấn đề, cần phối hợp đồng bộ với các cơ quan như Công an, Hải quan… và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành (đối với từng nhóm mặt hàng) để kiểm soát hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền SHTT tại các cửa khẩu.

    Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) Âu Anh Tuấn: Xây dựng phương án quản lý tạo thuận lợi hoạt động thương mại điện tử phát triển

    Thời gian vừa qua, qua hoạt động theo dõi thấy có một số dấu hiệu liên quan đến lợi dụng giao dịch điện tử để thực hiện hành vi gian lận như chia nhỏ lô hàng. Mặc dù lô hàng có trị giá cao, số lượng lớn nhưng chia nhỏ lô hàng và gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh để hưởng định mức miễn thuế đối với hàng trị giá dưới 1 triệu, hoặc thông qua hàng quà biếu, quà tặng định mức 2 triệu đồng một lần và 4 lần/năm. Ngoài ra một số đối tượng mua hàng thông qua hình thức vận chuyển qua các đường mòn lối mở mà không thực hiện khai báo hải quan. Thực trạng đó, cơ quan Hải quan đang tăng cường các biện pháp tại quản lý tại các địa bàn trọng điểm biên giới, chuyển phát nhanh cũng như quản lý chặt hàng hóa xách tay vượt định mức miễn thuế yêu cầu khách hàng phải khai báo và thực hiện tuân thủ các quy định pháp luật.

    Bên cạnh đó, trong công tác quản lý hoạt động TMĐT, các chính sách quản lý hiện cũng chưa đầy đủ, chưa đồng bộ nên các bên tham gia hoạt động TMĐT, các cơ quan quản lý nhà nước còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Đặc biệt chưa có các quy định riêng về TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu như đối với hàng hóa thông thường.

    Trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan được giao xây dựng dự thảo Đề án quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa XNK với mục tiêu đưa ra các giải pháp quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhằm: Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đảm bảo việc kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định pháp luật tránh việc lợi dụng hoạt động TMĐT để trốn thuế, vi phạm các chính sách mặt hàng, sở hữu trí tuệ, xuất xứ, vận chuyển hàng cấm vào Việt Nam và ngược lại.

    Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị quản lý về chính sách TMĐT, chính sách mặt hàng, thanh toán đối với giao dịch TMĐT nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động TMĐT phát triển đảm bảo sự vận hành thông suốt giữa người mua, sàn giao dịch TMĐT, nhà sản xuất, đơn vị vận chuyển nhưng vẫn đảm bảo được việc quản lý của các cơ quan nhà nước. Xây dựng một hệ thống để kiểm soát các giao dịch TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trên nền cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN. Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa giao dịch TMĐT theo hướng đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận tiện. Bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính và người tiêu dùng Việt Nam

    Để đảm bảo việc quản lý các đối tượng tham gia giao dịch thương mại điện tử nêu trên đồng thời tạo thuận lợi, thúc đẩy hoạt động thương mại phát triển tại Việt Nam, sẽ có các nhóm giải pháp liên quan đến việc thông quan nhanh hàng hóa; nhóm giải pháp liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; nhóm giải pháp liên quan đến chính sách thuế.

    Phó cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh Nguyễn Văn Hường: Nhiều giải pháp ngăn chặn lợi dụng hàng cư dân biên giới

    Cục Hải quan Quảng Ninh với chức năng và nhiệm vụ đã và đang triển khai nhiều giải pháp quản lý hàng hóa cư dân biên giới, ngăn chặn các hành vi lợi dụng chính sách ưu đãi để đưa hàng giả, kém chất lượng lọt vào nội địa. Bên cạnh đó, Cục Hải quan Quảng Ninh đang tiếp tục nâng cấp phần mềm, phối hợp lực lượng chức năng tại cửa khẩu kiểm soát khách XNC, đồng thời triển khai đề án giám sát trực tuyến tất cả các cửa khẩu, kho, bến bãi, điểm thông quan. Trong quản lý hoạt động TMĐT, Cục Hải quan Quảng Ninh đề nghị cơ quan cấp trên quan tâm chỉ đạo hoạt động TMĐT trong bối cảnh tỉ trọng XNK càng ngày càng tăng cần có giải pháp ứng phó kịp thời.

    Chủ trương xây dựng Đề án quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa XNK là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan bộ, ngành tham gia lĩnh vực này, ràng buộc trách nhiệm các bên, bảo vệ DN các nhà kinh doanh chính đáng.

    Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh Nguyễn Danh Nghĩa: Hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu chưa có quy định riêng

    Chưa có quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thông qua giao dịch TMĐT. Việc thực hiện thủ tục hải quan như đối với hàng hóa thông thường gây mất thời gian, chưa tận dụng được hết các tiện ích của TMĐT trong công tác kiểm tra giá, mã HS, xuất xứ, kiểm tra chính sách mặt hàng… Cơ quan Hải quan quản lý hàng chuyển phát nhanh nói chung, hàng TMĐT nói riêng gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các quy định về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, xác định trị giá tính thuế…

    Đại diện Cổng ty Cổ phần Công nghệ Xtaypro:

    Song song các sàn giao dịch TMĐT lớn, các giao dịch cá nhân đang gia tăng rất cao, phần lớn các giao dịch còn mang tính tự phát thông qua mạng xã hội, chưa tuân theo quy định nhà nước, tạo kẽ hở các đối tượng buôn hàng cấm, hàng giả, buôn lậu. Hiện nay công ty đang xây dựng ứng dụng di động tạo điều kiện người tiêu dùng tham gia thị trường này an toàn, đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.

    Đại diện Công ty DHL:

    Các bộ, ngành cần áp dụng sâu rộng phương thức quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành hàng hóa XNK, đặc biệt hàng cá nhân không nhằm mục đích thương mại nên áp dụng quản lý rủi ro để giảm thiểu thủ tục hành chính cũng như tạo điều kiện khách hàng sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh. Về góc độ khi mua hàng hóa qua hoạt động TMĐT hàng trị giá cao vẫn phải làm các thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, các bộ, ngành cần nhanh chóng thúc đẩy tham gia các thủ tục kiểm tra chuyên ngành vào Cơ chế một cửa để có thể thực hiện online các thủ tục.

    Ông Vũ Hùng Sơn, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia: Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sẽ chủ động ngăn chặn các hành vi gian lận qua thương mại điện tử

    Để chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tình trạng vi phạm qua hoạt động TMĐT, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển TMĐT bền vững, tránh thất thu thuế cho nhà nước, hạn chế tối đa những kẽ hở, không để các đối tượng lợi dụng hoạt động TMĐT để thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia xây dựng kế hoạch tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT. Kế hoạch nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng trong công tác quản lý, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT; từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động TMĐT; góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển TMĐT bền vững. Bên cạnh đó, kế hoạch cũng chú trọng nghiên cứu, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, thường xuyên bổ sung kiến thức nghiệp vụ, cập nhật các xu hướng phát triển công nghệ thông tin, nền tảng công nghệ mới cho các lực lượng chức năng đáp ứng yêu cầu, nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng, chống các đối tượng sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động TMĐT.

    Ông Nguyễn Minh Tuấn- Trưởng phòng Giám sát hải quan trực tuyến (Cục Điều tra chống buôn lậu): Cơ quan Hải quan đã nhận diện nhiều hành vi vi phạm lợi dụng qua thương mại điện tử

    Trên thực tế, việc giao dịch mua bán TMĐT thường qua các website, mạng xã hội,… đa phần là cá nhân, tổ chức nhỏ lẻ không nắm rõ về quy định, vướng mắc kiểm tra chuyên ngành nên việc vận chuyển thường thông qua các đầu mối trung gian, dịch vụ như hành lý xách tay, gửi chuyển phát nhanh, qua các công ty dịch vụ (thường khai báo chung chung, không chính xác)... Cơ quan Hải quan qua quá trình điều tra đã phát hiện nhiều vụ vi phạm. Điển hình như ngày 27/6/2019, tại kho hàng của Công ty TNHH Nhà ga hàng hóa ALS, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài trong quá trình làm thủ tục hải quan đã phát hiện nhiều dấu hiệu nghi vấn trong lô hàng gồm 10 kiện hàng được vận chuyển từ Hồng Kông (Trung Quốc) về sân bay quốc tế Nội Bài ngày 20/6/2019. Kết quả kiểm tra thực tế phát hiện bên trong 10 kiện hàng chứa 137 chiếc điện thoại di động iPhone 7 Plus đã qua sử dụng. Ngoài ra, trong các kiện hàng còn có 47 vỏ hộp Apple Watch.

    Ngày 20/5/2019, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát hiện, bắt giữ lô hàng điện thoại di động số lượng lớn từ Hàn Quốc về Việt Nam. Kết quả kiểm tra đã phát hiện 418 cái điện thoại di động hiệu iPhone, Samsung và LG đã qua sử dụng trong hành lý cá nhân. Trị giá lô hàng vi phạm ước tính khoảng 3 tỷ đồng.

    Ngày 25/7/2019, tại kho hàng NCTS sân bay quốc tế Nội Bài, cơ quan Hải quan đã kiểm tra lô hàng khai báo là vải nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất từ Hàn Quốc và UAE, tuy nhiên kết quả kiểm tra đã phát hiện 126.5 kg sừng động vật (nghi là sừng tê giác) và rất nhiều sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm dinh dưỡng được đóng gói nhỏ lẻ khác nhau (hàng hóa mua gom, vận chuyển từ nước ngoài cho nhiều chủ hàng).

    N.Linh (ghi)