“PROOF READ COPY” HOẶC “B/L PROOF” LÀ GÌ?



  • “Poof Read Copy” là một loại chứng từ được sử dụng không phổ biến trong nghiệp vụ Vận tải quốc tế. Theo Điều 86 của Bộ luật hàng hải Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế (Điều III-3 của Quy tắc Hague Visby, tức Công ước quốc tế về vận đơn đường biển năm 1924, sửa đổi bổ sung năm 1968) sau khi xếp hàng lên tàu nếu người gửi hàng (Shipper) có yêu cầu thì người vận chuyển sẽ cấp vận đơn cho họ.

    Như vậy người vận chuyển không có nghĩa vụ cấp vận đơn nếu người gửi hàng không yêu cầu. Do việc cấp vận đơn là theo yêu cầu của người gửi hàng nên thông thường người gửi hàng phải có một giấy đề nghị xin cấp vận đơn (Application for Bill of Lading) gửi cho người vận chuyển. Trong trường hợp sử dụng giấy gửi hàng đường biển (Sea Waybill) thủ tục cũng tương tự như vậy.

    Trên cơ sở các thông tin về hàng hóa (tên hàng, khối lượng, trọng lượng, ký mã hiệu, tên và địa chỉ người gửi, người nhận hàng hoặc người có quyền ra lệnh giao hàng, người cần được thông báo…) do người gửi hàng cung cấp, người vận chuyển sẽ làm một bản thảo vận đơn hoặc giấy gửi hàng có điền thêm tên tàu, cảng xếp, dỡ hàng…để gửi lại người gửi hàng kiểm tra xem đã đúng và đầy đủ chưa. Do đó trên vận đơn hoặc giấy gửi hàng bao giờ cũng có hai dòng chữ “Chi tiết, đặc điểm hàng hóa do người gửi hàng cung cấp: Paticulars furnished by shipper) và khối lượng, trọng lượng, chất luợng, trị giá và nội dung bên trong…người vận chuyển không biết (Weight, measurement, quality and value unknown). Trên bề mặt bản thảo đó người vận chuyển (nhất là các hãng tàu vận chuyển hàng hóa bằn container) thường in cụm từ “Poof Read Copy” đối với giấy gửi hàng, hoặc “B/L Proof” đối với vận đơn.

    Đây là một thuật ngữ được người vận chuyển sử dụng để chỉ ra rằng bản thân vận đơn hoặc giấy gửi hàng nào có in cụm từ đó mới chỉ là bản để “người gửi hàng đọc và kiểm tra lại”. Sau khi người gửi hàng kiểm tra xong nếu có những chi tiết gì chưa chính xác đầy đủ thì phải thông báo lại cho người vận chuyển để chỉnh sửa. Trên cơ sở đó, người vận chuyển sẽ cấp bản gốc và một số bản sao để người gửi hàng đưa ra ngân hàng thanh toán tiền (nếu là vận đơn theo lệnh của ngân hàng) hoặc gửi cho người nhận hàng ở cảng đích để họ nhận hàng khi tàu cập cảng (nếu là vận đơn đích danh).

    Những bản vận đơn hoặc giấy gửi hàng nào có cụm từ trên đây hoàn toàn không có giá trị dùng để giao dịch thanh toán hay nhận hàng khiếu nại hoặc kiện tụng. Tuy vậy ngữ nghĩa của các thuật ngữ này mới hình thành trong thời gian gần đây như là một tập quán chứ chưa có một định nghĩa chính thức nào trong pháp luật hàng hải quốc tế.

    Do hiểu không đầy đủ ý nghĩa của các cụm từ trên, trong một vụ kiện gần đây tại một tòa án Việt Nam liên quan tới bằng chứng về giấy gửi hàng, luật sư của cả hai bên Nguyên đơn và Bị đơn đều xuất trình các bản giấy gửi hàng có các cụm từ “proof read copy” trên và coi đó là bằng chứng của giấy gửi hàng do người vận chuyển đã cấp. Bản thân thẩm phán phụ trách vụ việc cũng băn khoăn về giá trị pháp lý của cụm từ trên. Vì vậy, tòa án đã tiến hành trưng cầu ý kiến chuyên gia Luật hàng hải để xác định nội dung, ý nghĩa pháp lý đích thực của các cụm từ đó. Sau khi nghe ý kiến tư vấn của chuyên gia Luật hàng hải giải thích ý nghĩa của các cụm từ trên, việc giải quyết vụ việc sau đó đã đi đúng quy trình và yêu cầu xét xử về mặt bằng chứng.
    Tóm lại trên B/L nếu có các cụm từ “Poof Read Copy” hoặc “B/L Proof” chỉ là B/L nháp, không có giá trị pháp lý trong giao nhận hàng, thanh toán và tranh chấp thương mại. Các bạn nên yêu cầu hãng tàu hoặc forwarder cấp cho lô hàng B/L bản gốc thật để yên tâm trong quá trình thực hiện xuất nhập khẩu.