Tìm hiểu thị trường Singapore để đẩy mạnh xuất khẩu



  • Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2016 xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Singapore giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,48 tỷ USD.

    Trong số 31 nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Singapore trong 8 tháng đầu năm, thì nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt kim ngạch lớn nhất với 249,5 triệu USD, chiếm 16,9% tổng kim ngạch, giảm 4,4% so cùng kỳ; tiếp đến nhóm hàng thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh 207,9 triệu USD (chiếm 14%, tăng 20%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng 203,8 triệu USD (chiếm 13,8%, giảm 10%); điện thoại các loại và linh kiện 184,6 triệu USD (giảm 16%).

    Đa số các nhóm hàng xuất khẩu sang Singapore 8 tháng đầu năm đều sụt giảm kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giảm mạnh nhất ở các nhóm hàng như: Dầu thô (-95%), hạt tiêu (-89%), xăng dầu (-41%), cà phê (-38%), gạo (-36%).

    Để đẩy mạnh xuất khẩu sang Singapore, cần hiểu rõ một số chính sách như sau:

    Singapore là một quốc gia nhỏ, không có tài nguyên thiên nhiên. Do vậy, nền kinh tế nước này phụ thuộc rất lớn vào hàng nhập khẩu. Vì thế Singapore đã thực hiện chính sách mở cửa và việc nhập khẩu vào Singapore rất đơn giản.

    Các quy trình chuẩn bị nhập khẩu đựơc thực hiện thông qua internet, cho phép thương nhân nhận giấy phép nhập khẩu trong vòng 24h và không gặp nhiều rắc rối. Hệ thống này là TradeNet cho phép đẩy nhanh tốc độ xử lý, thương nhân có thể gửi đơn xin Giấy phép nhập khẩu trực tuyến.

    Việc xin phép nhập khẩu nhìn chung khá đơn giản vì có rất ít hạn chế đối hàng nhập khẩu. Hàng hoá bị cấm nhập khẩu chỉ bao gồm: kẹo cao su, thuốc lá nhai, các sản phẩm tương tự thuốc lá, bật lửa hình súng ngắn hoặc súng lục, các loại thuốc bị kiểm soát và các chất gây nghiện, kim cương thô từ Cote D'Ivoire, sừng tê giác, pháo, một số hàng hoá nhập khẩu hoặc quá cảnh đi Bắc Triều Tiên hoặc Iran, các ấn phẩm đồi trụy (ấn phẩm, băng, đĩa, phần mềm), các sản phẩm vi phạm bản quyền (ấn phẩm, băng video, đĩa video, đĩa laser, băng ghi hình, ghi âm và các vật phẩm khác có nội dung kích động nổi loạn, tạo phản).

    Đối với một số loại hàng hoá nhất định phải xin giấy phép nhập khẩu do cơ quan có thẩm quyền chuyên ngành cấp và phải nộp cùng giấy phép từ TradeNet. Ví dụ, thực phẩm phải chịu sự quản lý của cơ quan thực phẩm nông nghiệp và thú y.

    Khi giấy phép đã được cấp và hàng hoá đã ở trong Singapore để chờ phân phối sẽ phải chịu các loại thuế. 99,9% hàng hoá tại Singapore không phải chịu thuế nhập khẩu. Các loại hàng phải đóng thuế nhập khẩu là: rượu cồn, các sản phẩm thuốc lá, các phương tiện giao thông, các sản phẩm dầu lửa. Mức thuế được áp dụng tuỳ theo loại hàng hoá.

    Tất cả hàng hoá được tiêu thụ tại Singapore phải chịu thuế GST, thuế đánh vào hàng hoá và dịch vụ tại Singapore. Kể từ tháng 7/2007, GST được áp ở mức 7% giá CIF.

    Nếu hàng hoá không nhằm mục đích phân phối ngay khi cập cảng, hoặc đựơc quá cảnh hoặc tái xuất thì có thể lưu kho. Khu Miễn Thuế được sử dụng để lưu kho, đóng gói lại, phân loại hoặc tu sửa đối với các hàng hoá chịu thuế. Chỉ nhà kho được cấp phép mới được sử dụng để lưu trữ rượu và các sản phẩm thuốc lá.

    Kho ngoại quan là nơi lưu giữ hàng miễn thuế. Các kho này không nhất thiết phải do chính phủ sở hữu, bất kỳ ai là chủ hàng hoặc người cung cấp dịch vụ đều có thể mở kho ngoại quan sau khi xin phép.

    Thương nhân có thể tạm thời nhập khẩu hàng để sửa chữa hoặc triển lãm. Các loại hàng được nhập để sửa chữa sẽ không phải đóng thuế thông thường và thuế GST nếu hàng được tái xuất trong vòng 3 tháng kể từ ngày cập cảng. Tuy nhiên, phải cần có giấy phép và bảo đảm của ngân hàng về việc đóng thuế/GST nếu không đáp ứng các yêu cầu trên.

    Hàng để triển lãm có thể nhập khẩu bằng cách sử dụng hệ thống ATA chuyển trực tiếp qua biên giới bằng đường bộ hoặc thông qua Chương trình Tạm nhập. Đối với hệ thống ATA chuyển trực tiếp qua biên giới bằng đường bộ, hàng hoá và phương tiện vận chuyển phải xuất trình trước Hải quan ngay khi người triển lãm đến. Hàng có thể phải đóng GST, nhưng có thể đựơc hoàn lại cho những loại hàng hóa không phải chịu thuế.

    Đối với Chương trình Tạm nhập, hàng hoá có thể được xách tay vào Singapore hoặc nhập vào dưới dạng hàng hoá ký gửi. Phải có giấy phép hải quan đối với việc tạm nhập, thanh toán thuế/GST và tái xuất hàng hoá. Phải có bảo lãnh ngân hàng trị giá 30% số thuế/GST dự kiến phải đóng.

    Do đó, có thể thấy, nhập khẩu hàng hoá vào Singapore không liên quan đến những thủ tục kéo dài và mệt mỏi. Giấy phép rất dễ xin, kho hàng có sẵn và rất ít hạn chế đối với hàng hoá được nhập khẩu. Ngược lại với sự đơn giản của thủ tục nhập khẩu, thương nhân phải biết rằng Singapore có luật lệ rất chặt chẽ, không thể can thiệp được. Có các hình phạt nặng đối với những người vi phạm.

    #qalogistics #LogsiticsSing