CÔNG NGHỆ THÔNG TIN ỨNG DỤNG TRONG LOGISTICS VÀ SCM là học những gì?



  • Đây là nội dung Chuyên đề về Công nghệ thông tin ứng dụng

    1.Doanh nghiệp và CNTT trong toàn cầu hóa
    (1).Đại cương về công nghệ thông tin và hệ thống thông tin
    (2). Vai trò và ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp
    -Các áp lực đối với DN trong bối cảnh hội nhập
    -Vai trò của CNTT trong doanh nghiệp
    -Nhận thức và quan điểm trong việc ứng dụng CNTT
    -Các nguyên nhân thất bại
    -Các yếu tố thành công
    2. Mô hình tổng quan ứng dụng CNTT trong DN
    (1) Các cấp độ ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp
    (2) Khai thác nguồn tài nguyên thông tin Internet
    (3) Ứng dụng Email, Fax
    (4) Ứng dụng VPN/ADSL
    (5) Ứng dụng VoIP
    (6) Ứng dụng ERP
    (7) Ứng dụng CRM
    (8) Ứng dụng TMĐT & Mô hình E-Business
    3. Một số giải pháp cụ thể ứng dụng CNTT trong ngành Logistics
    3.1 Các công nghệ thông tin dung trong Logistics
    +Công nghệ mạng dùng cho dòng thông tin và dòng tiền
    +Công nghệ AIDC và công nghệ mạng dung xử lý và chứng nhận dòng sản phẩm :ASP , Mã vạch, EDI, RFID, GPS…
    +Công nghệ hỗ trợ lập kế hoạch và thực hiện quản trị Logistics :
    3.2Các hệ thống LIS –Hệ thống thông tin Logistics
    3.2.1Các tầng trong LIS
    3.2.2Hệ thống thông tin logistics -LIS theo mục tiêu tác nghiệp
    (1) LIS trong nhà kho và cửa hàng
    (2) LIS trong kế hoạch phân phối
    (3) LIS trong theo dõi hàng hóa –phân phối và dịch vụ khách hàng
    (4)LIS trong kết nối hàng hóa và phương tiện vận tải
    (5)LIS trong các công ty vận chuyển /Cảng
    (6)LIS trong quản trị kho hàng –trung tâm phân phối
    (7)LIS trong quan hệ giữa doanh nghiệp và LSP
    (8)LIS về hợp tác dự báo và hoàn thiện kế hoạch

    4.Sử dụng công nghệ thông tin để Giảm thiểu rủi ro và chi phí Logistics

    LIS và con đường hoàn thiện.
    Phần học này giúp cho học viên
    -Có cách nhìn toàn diện về khả năng áp dụng công nghệ thông tin trong quản trị logistics tại các bộ phận cũng như cho toàn bộ doanh nghiệp .

    -Hiểu đượchiện nay người ta ứng dụng các công nghệ nào để phản ứng nhanh với nhu cầu thị trường , tiết giảm chi phí quản trị và quản trị hiệu quả kinh doanh qua ứng dụng công nghệ thông tin.

    -Học phần này đặc biệt có ý nghĩa khi doanh nghiệp thuê ngoài thiết kế phần mềm ứng dụng trong quản trị kinh doanh của doanh nghiệp .



  • Nếu vài năm trước, khái niệm logistics trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay còn được gọi là “logistics 4.0” còn khá mơ hồ, nay đã dần định hình rõ ràng. Các công ty công nghệ đang tích cực xâm nhập mạnh mẽ vào hệ thống dịch vụ logistics, kể cả với tư cách nhà cung cấp giải pháp và thậm chí nhà cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, số doanh nghiệp logistics trong nước quan tâm, đầu tư và ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động còn thấp, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh.

    Các mảng ứng dụng mới

    Năm 2018 đánh dấu những bước tiến đáng ghi nhận về việc ứng dụng công nghệ trong logistics, thể hiện qua việc gia tăng các giải pháp ứng dụng cục bộ, nhất là sự xuất hiện các giải pháp tổng thể có tính tích hợp hệ thống, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Hiện có bốn mảng ứng dụng chính của các công nghệ mới. Xuất hiện nhiều nhất là các ứng dụng trong vận tải đường bộ thông qua tối ưu hóa năng lực phương tiện, hoạch định và kiểm soát tuyến đường, thời gian, lịch trình, nâng cao tỷ lệ khai thác. Sự nổi lên của các công ty như Uber hay Grab đã thể hiện rõ dấu hiệu của làn sóng mới này. Tiếp đó, mảng nổi trội thứ hai là giải pháp tự động hóa các kho hàng thương mại điện tử, chuyển phát nhanh, giao hàng chặng cuối. Hiện nay, trên thị trường đã có những ứng dụng đầu tiên của Lazada và đang tiếp tục thu hút sự tham gia của nhiều công ty lớn trong ngành. Thứ ba, một số công ty sản xuất lớn như Samsung cũng cho ra mắt những hệ thống điều hành kết hợp tự động hóa sản xuất với các nguyên tắc sản xuất tinh gọn, hoạt động rất hiệu quả. Cuối cùng, một số ít nhà bán lẻ trong nước đang triển khai ứng dụng kết hợp giữa hệ thống thông tin - tự động hóa - trí tuệ nhân tạo trong quản lý chuỗi cung ứng từ khâu thu mua tới khâu phân phối.

    Tuy nhiên, trước xu hướng ứng dụng công nghệ rất rõ như vậy, nhưng lại có rất ít doanh nghiệp (DN) logistics trong nước chịu đầu tư và ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động của mình. Giám đốc Công ty TNHH quốc tế Delta Trần Đức Nghĩa chia sẻ: Trình độ ứng dụng công nghệ thông tin trong các DN logistics Việt Nam còn ở mức độ thấp, nhất là trong hoạt động vận tải đường bộ hiện đang chiếm hơn 77% thị phần vận tải của toàn xã hội. Đây là một yếu tố khiến các DN không thể vận hành một cách có hiệu quả, cắt giảm chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ. Trình độ ứng dụng công nghệ thông tin thấp có nhiều lý do, nhưng không thể bỏ qua vấn đề môi trường ứng dụng công nghệ thông tin của cả nền kinh tế. Các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị cảng, hàng không, hãng tàu phải đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng kết nối với các chủ thể khác của thị trường để tạo ra môi trường công nghệ thông tin, từ đó làm động lực cho các DN khác triển khai công tác tin học hóa hoạt động quản lý.

    Các giải pháp hỗ trợ

    Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng nêu trên. Thứ nhất, các nhà cung cấp giải pháp công nghệ logistics ở Việt Nam còn rất ít, do đó DN khó có thể chọn được nhà cung cấp phù hợp. Thí dụ, nhiều DN làm dịch vụ giao nhận hiện nay vẫn chưa có phần mềm quản lý giao nhận vận tải quốc tế (FMS). Lý do là các phần mềm lớn cung cấp từ nước ngoài thì giá cao, thông thường khoảng hơn 100 nghìn USD, trong khi phần mềm FMS trong nước phát triển có khi giá bán chỉ 1.000 USD, nhưng phần lớn khách hàng lại lo không đủ tính năng và độ tin cậy. Thứ hai, có giải pháp kỹ thuật tốt là điều kiện cần, nhưng các DN thường phải tính toán đến hiệu quả khi đầu tư vào công nghệ. Chính yêu cầu này đã và đang là thách thức rất khó vượt qua của nhiều DN logistics. Nhiều DN vẫn đang loay hoay tìm kiếm giải pháp, nhưng sau thời gian dài vẫn chưa thể quyết định chỉ vì chỉ tiêu kinh tế không đạt. Thứ ba, nguồn nhân lực cho logistics còn quá yếu và thiếu. Thậm chí, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản trị của nhiều DN cũng không có khả năng cập nhật kiến thức, thông tin về ứng dụng công nghệ cho nên khó quyết định lựa chọn giải pháp. Bên cạnh đó, còn thiếu cả đội ngũ những người tư vấn và quản lý các dự án ứng dụng công nghệ. Phần lớn DN trong nước không có thói quen chi trả các khoản tư vấn thiết kế, quản lý dự án ứng dụng công nghệ, do đó thị trường tư vấn quản lý dự án trong lĩnh vực logistics còn rất nhỏ và sơ khai.

    Để giải quyết tình trạng nêu trên, các chuyên gia kiến nghị cần sớm xây dựng các chương trình cụ thể nhằm nâng cao năng lực của nhà cung cấp dịch vụ logistics thông qua ứng dụng công nghệ với những chỉ tiêu xác định về năng suất, tốc độ, độ chính xác, chất lượng và mức dịch vụ,... Có thể dùng nguồn quỹ đổi mới công nghệ quốc gia để tài trợ cho các chương trình này. Mặt khác, cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động nghiên cứu ứng dụng, đào tạo, chuyển giao công nghệ để xây dựng năng lực thiết kế, tích hợp hệ thống, lắp đặt và bảo trì các hệ thống tự động hóa ứng dụng trong quản lý vận tải, kho hàng, trung tâm phân phối,... Đồng thời, hỗ trợ vốn hay các điều kiện làm việc ban đầu cho các start-up (doanh nghiệp khởi nghiệp) về giải pháp nền tảng điện tử logistics và các start-up về ứng dụng liên quan. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu ứng dụng các giải pháp có sẵn do các đối tác nước ngoài đã phát triển để tận dụng nguồn lực công nghệ và liên kết phát triển nhanh ra khu vực. Riêng về phía các DN, cần có ý thức chủ động hơn trong việc tiếp cận, đầu tư ứng dụng công nghệ mới để nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ, từ đó tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh thị trường cạnh tranh được dự báo sẽ ngày càng gay gắt như hiện nay.