Ngành logistics Việt khát nhân lực do đào tạo thiếu bài bản



  • Phát biểu tại hội thảo đào tạo và nâng cao chất lượng nhân lực logistics sáng 12/10 , ông Nguyễn Tương, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, cho hay, cả nước hiện có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ logistics. Trong đó, 70% có trụ sở tại Tp.HCM. 1.300 doanh nghiệp hoạt động tích cực. 89% doanh nghiệp 100% vốn trong nước còn lại là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

    Theo Quyết định 200/QĐ/Thủ tướng, một số mục tiêu phát triển cụ thể của ngành logistics đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng 15-20%, tỷ trọng đóng góp vào GDP từ 8-10%; tỷ lệ thuê ngoài 50-60%; chi phí logistics tương đương 16-20%; xếp hạng chỉ số năng lực quốc gia từ 50 trở lên.

    Tuy nhiên, ngành logistics Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề về nhân lực.

    Theo Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, nhân lực hiện chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành dịch vụ logistics, thiếu cả số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện có khoảng 200.000 nhân viên chuyên nghiệp trong tổng số gần 1 triệu người.

    Nhân lực ngành logistics thiếu kiến thức toàn diện, trình độ ICT còn hạn chế, chưa theo kịp tiến độ phát triển của logistics thế giới. Trình độ tiếng Anh nghiệp vụ logistics còn hạn chế, chỉ khoảng 4% nhân lực thông thạo tiếng Anh nghiệp vụ. 30% các doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên.

    Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nhân lực đến năm 2025 là khoảng 300.000 nhân viên chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn, ICT và tiếng Anh đáp ứng yêu cầu trong điều kiện Cách mạng công nghiệp 4.0, trong số khoảng 1,2 triệu người hoạt động trong lĩnh vực logistics.

    Ông Tương lấy ví dụ, khảo sát của 108 doanh nghiệp của hiệp hội trong tháng 9/2017, có đến gần 50% công ty có nhu cầu tuyển thêm từ 15-20% nhân viên trong thời gian tới.

    Chỉ ra những nguyên nhân khiến nhân lực ngành logistics Việt Nam còn thiếu chất lượng, PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương, Trường Đại học Ngoại Thương, cho rằng, đào tạo logistics ở bậc đại học và sau đại học gặp nhiều bất cập. Chẳng hạn như, chưa có mã ngành logistics, số lượng sinh viên chưa nhiều; phần thực hành về ngành nghề cũng chưa đầy đủ.

    Thực trạng này cũng được chỉ ra từ Trường Đại học Giao thông Vận tải, TS Nguyễn Thị Vân Hà, cho biết thêm, ngành logistics chưa được đào tạo chính thống tại Đại học Giao thông Vận tải, chưa được cấp mã ngành cấp 4 chính thức. Chương trình đào tạo bị gắn vào ngành khác là quản trị kinh doanh khai thác vận tải nên khó phát triển vì bị bó buộc bởi khung chương trình, đào tạo bị lệch, các môn cơ sở ngành và chuyên ngành bố trí không hợp lý.

    Ngoài ra, giáo trình, tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt khan hiếm, giáo trình tiếng Anh khó tiếp cận. Không có mô phỏng về doanh nghiệp logistics, các phần mềm mô phỏng tối ưu toàn chuỗi không được đưa vào dạy.

    Sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà trường chưa nhiều, chưa thiết thực, và chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp cũng như sinh viên cũng là lý do được TS Nguyễn Thị Vân Hà đưa ra tại hội thảo.

    Xuất phát từ những thực tế trên, TS. Nguyễn Thị Vân Hà đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo tạo điều kiện và hỗ trợ cho trường được cấp mã ngành cấp 4 về đào tạo logistics. Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan hỗ trợ trường trong việc tìm kiếm các nguồn tài trợ, tạo điều kiện tham gia vào các đề án phát triển nhân lực và vật lực, để nâng cao chất lượng đào tạo.

    “Chúng tôi mong muốn doanh nghiệp tiếp tục phối hợp với trường nhiều hơn về địa điểm thực tập cho sinh viên, giảng dạy các học phần trong chương trình đào tạo, hướng dẫn các đề tài liên quan đến thực tế tại doanh nghiệp”, bà Hà đề xuất.

    Còn PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương, Trường Đại học Ngoại Thương, thì kiến nghị, Chính phủ cần rà soát và tiếp tục thực hiện, phát triển các chính sách tạo thuận lợi cho các hoạt động logistics, đưa ra chính sách hỗ trợ hoạt động cho LSP. Cơ quan chuyên trách cần làm việc chặt chẽ với doanh nghiệp, xác định chính xác nhu cầu lao động trong thời gian tới để có kế hoạch đào tạo hợp lý, tránh tình trạng đào tạo tràn lan, chi phí tốn kém nhưng lại gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.

    Chính phủ cũng cần trao đổi và mở rộng cơ hội hợp tác đào tạo quốc tế cho các cơ sở đào tạo đại học, tạo môi tường thuận lợi cho việc đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, đem cơ hội học bổng cho sinh viên, cán bộ trong nước.

    “Bộ Giao thông Vận tải cấp mã ngành và xây dựng chương trình bài bản, kiểm định chất lượng chương trình, các trường phối hợp với hiệp hội, trung tâm, các viện thiết kế chương trình cho sinh viên để nâng cao kiến thức thực tế”, bà Hương kiến nghị.



    1. Thực trạng nhu cầu nguồn nhân lực logistic tại Việt Nam hiện nay
      Trong xu thế gia công (outsourcing) toàn cầu, các tập đoàn kinh doanh lớn sử dụng dịch vụ thuê ngoài, sẽ tác động mạnh đến gia tăng nhu cầu và phát triển dịch vụ. Mặt khác, với lợi thế nằm trên trục giao lưu hàng hải, Việt Nam nhiều hy vọng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa vận tải đường biển quốc tế, thông với nhiều hướng từ những thị trường nhiều nước đông dân.

    Do phát triển nóng, nguồn nhân lực cung cấp cho thị trường logistic tại Việt Nam hiện nay trở nên thiếu hụt trầm trọng. Hầu như các cuộc hội thảo liên quan đến lĩnh vực này đều đánh giá lao động kỹ năng đang thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng. Tuy đã phát triển dịch vụ 3PL (cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba hay logistics theo hợp đồng) trong những năm gần đây, nhưng đại bộ phận các doanh nghiệp trong nước còn có nhiều khoảng cách với doanh nghiệp nước ngoài về uy tín trên thương trường, dịch vụ khách hàng. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng đó, ngoài yếu kém về công nghệ, là trình độ tay nghề logistics và tính chuyên nghiệp của nguồn nhân lực trong ngành còn thấp.

    Theo thông tin từ Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam, trong 3 năm tới, trung bình các doanh nghiệp dịch vụ logistics cần thêm 18.000 lao động; các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, dịch vụ cần trên một triệu nhân sự có chuyên môn về logistics. Theo ước tính của Hiệp hội Giao nhận Kho vận Việt Nam (VIFFAS), khoảng 140 công ty hội viên hiện nay có tổng số khoảng 4.000 nhân viên. Đây là lực lượng chuyên nghiệp, chưa kể khoảng 4.000 - 5.000 người bán chuyên nghiệp.

    Cũng theo VIFFAS, nguồn cung cấp lao động cho ngành logistics chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu. Giao nhận kho vận và điều hành logistics là một công nghệ mang tính chuyên nghiệp cao nên nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này cần được đào tạo một cách có hệ thống và được trang bị đầy đủ kiến thức như những nhà giao nhận quốc tế. Nhưng trên thực tế, hầu hết các công ty dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện nay đều khẳng định tình trạng thiếu nhân lực trình độ cao.

    Nguồn nhân lực hiện nay được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau. Đội ngũ quản lý thường là các cán bộ chủ chốt được điều động đến các công ty logistics. Đội ngũ này đang được đào tạo và tái đào tạo để đáp ứng nhu cầu quản lý. Phần lớn trong số họ thiếu kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh, ít được cập nhật tri thức mới, phong cách lãnh đạo và quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu.

    Đội ngũ nhân viên nghiệp vụ phần lớn tốt nghiệp đại học nhưng từ những chuyên ngành ngoài logistics, số còn trẻ chưa được tham gia hoạch định chính sách. Ngoài ra, lực lượng lao động trực tiếp như bốc vác, xếp dỡ, lái xe, kiểm đếm hàng kho bãi đa số có trình độ học vấn thấp, chưa được đào tạo tác phong làm việc chuyên nghiệp. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Nhân lực TP. Hồ Chí Minh cho rằng, chỉ có 1 - 2 % lực lượng nhân công này được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.

    Một khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh về chất lượng nhân lực logistics cho thấy, 53,3% doanh nghiệp thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn và kiến thức về logistics, 30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên và chỉ có 6,7% doanh nghiệp hài lòng với chuyên môn của nhân viên.

    1. Những hạn chế về nguồn cung nhân lực logistics
      Để có một ngành dịch vụ logistics phát triển, quá trình đào tạo cần được triển khai đầy đủ ở 3 nhóm đối tượng chính.

    Thứ nhất, người cung cấp dịch vụ logistics phải biết rõ bản chất, các nguyên lý và các vấn đề thực tiễn của dịch vụ logistics vốn rất đa dạng và không ngừng phát triển, không chỉ trong phạm vi trong nước, mà trên toàn thế giới.

    Thứ hai, người sử dụng dịch vụ là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuộc nhiều ngành nghề khác nhau phải biết cách sử dụng logistics như một công cụ để vận hành hiệu quả các chuỗi cung ứng sản phẩm và dịch vụ của mình.

    Thứ ba, người quản lý và hoạch định chính sách cần hiểu rõ hơn về bản chất, vai trò, thực trạng của ngành logistics để đưa ra những chính sách và phương hướng phát triển ngành, xây dựng thể chế và luật pháp phù hợp với sự phát triển của ngành. Các chương trình đào tạo phải được thiết kế riêng cho các cấp nhân sự khác nhau bao gồm cấp quản trị, quản lý điều hành và nhân viên.

    Tuy nhiên, theo đánh giá của VIFFAS, chương trình đào tạo về logistics ở Việt Nam hiện nay còn sơ lược và tổng quát. Từ năm học 2008, Trường Đại học Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh mới chiêu sinh ngành Quản trị Logistics và Vận tải đa phương thức. Đây là trường đại học đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam mở ngành này. Các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành ngoại thương, hàng hải, giao thông vận tải khác chỉ đưa vào giảng dạy môn học vận tải và bảo hiểm ngoại thương, chủ yếu đào tạo nghiêng về vận tải biển và giao nhận đường biển.

    Một số trường đại học có chương trình đào tạo về logistics và quản lý chuỗi cung ứng thuộc các khoa quản trị kinh doanh, kinh tế vận tải, nghiệp vụ ngoại thương, thương mại và du lịch... nhưng chỉ cung cấp các kiến thức cơ bản về nghiệp vụ ngoại thương, vận tải. Sách giáo khoa, tài liệu tham khảo về loại hình dịch vụ này cũng chưa nhiều. Ngay cả các chuyên gia được đào tạo chuyên nghiệp trong lĩnh vực này vẫn còn quá ít so với yêu cầu phát triển.

    Ngoài ra, có một số hiệp hội và các nhóm doanh nghiệp tổ chức đào tạo ngắn hạn theo phương thức hợp tác với đối tác nước ngoài hay các giảng viên tự do. Trong thời gian qua, Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics trực thuộc VIFFAS đã hợp tác với Hội đồng Cố vấn Giáo dục và Đào tạo của Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) để đào tạo chương trình FIATA Diploma về "Quản lý giao nhận vận tải quốc tế" với bằng Diploma được công nhận trên toàn thế giới.

    Viện cũng tham gia trực tiếp trong Tiểu ban Giáo dục và Đào tạo của Hiệp hội Giao nhận các nước ASEAN (AFFA) để xây dựng chương trình đào tạo logistics chung cho các thành viên ASEAN. Ngoài ra, Viện còn kết hợp với các đối tác mở các khóa đào tạo nghiệp vụ giao nhận, gom hàng đường biển, cùng với Trường Cao đẳng Hải quan mở lớp đào tạo về đại lý hải quan,…

    Tại miền Trung, Đại học Đà Nẵng đã liên kết với Đại học Liège - Vương quốc Bỉ đào tạo được hai khóa “Professional Master in Transport and Logistics”. Tuy nhiên, số lượng học viên mỗi khóa đào tạo chưa nhiều. Mặt khác, nội dung chương trình học này có một số khác biệt giữa Châu Âu và Việt Nam về giám sát hải quan, mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối, cấp độ quản lý an ninh theo ISPS Code.

    Về giao nhận hàng không, IATA thông qua Việt Nam Airlines đã tổ chức được một số lớp học nghiệp vụ và tổ chức thi bằng IATA có giá trị quốc tế. Dự án phát triển nguồn nhân lực ngành logistics và hàng không quốc tế (International Logistics Aviation Services - ILAS) được triển khai lần đầu tiên tại Việt Nam với mục tiêu tìm kiếm và đào tạo nhân lực quản lý ngành dịch vụ logistic và hàng không, do Logistic Knowledge Company phối hợp cùng Work Global thực hiện, cũng đang ráo riết tuyển sinh. Tuy nhiên, số lượng các chương trình này còn hạn chế và mang tính nội bộ.

    1. Sự cần thiết xây dựng một chiến lược lâu dài và toàn diện
      Vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là chưa có một chính sách đào tạo phát triển nguồn nhân lực logistics phù hợp với nền kinh tế hội nhập, chưa có một đội ngũ cán bộ giảng dạy về logistics có kiến thức chuyên môn sâu và giàu kinh nghiệm thực tế, cũng như chưa có hệ thống chuẩn kỹ năng làm cơ sở cho việc thiết kế các chương trình đào tạo và giáo trình cho các vị trí công việc trong ngành logistics.

    Vì vậy, phải coi việc phát triển nguồn nhân lực logistics Việt Nam là một chiến lược liên tục và lâu dài. Cần phát triển nguồn nhân lực này theo hướng chính quy, chuyên nghiệp. Trong chiến lược dài hạn, Chính phủ và các cơ quan chức năng có thể hỗ trợ, tài trợ xây dựng và hoạch định chính sách có tính định hướng, đồng thời hiện thực hóa Bộ luật Thương mại, chương về logistic. Mặt khác, cần thiết lập hệ thống chứng nhận năng lực cấp quốc gia về logistics, đáp ứng các yêu cầu chuẩn mực cho người lao động hoạt động trong ngành.

    Bộ Giáo dục Đào tạo cần có chính sách khuyến khích mở các bộ môn và khoa logistics trong các trường đại học, cao đẳng kinh tế, ngoại thương, hỗ trợ những nơi này xây dựng các chương trình, giáo trình đào tạo được chuẩn hóa và hệ thống đào tạo liên thông giữa các cơ sở với nhau.

    Những địa phương có tiềm năng phát triển dịch vụ cảng biển và logistics như Bà Rịa - Vũng Tàu nên chú trọng huấn luyện đội ngũ cán bộ quản lý có năng lực xây dựng chính sách và biện pháp, tổ chức và quản lý các trung tâm logistics hiện đại. Bên cạnh đó, các địa phương này cần có biện pháp hỗ trợ thực hiện ngay các chương trình huấn luyện nhận thức về quản trị logistics và chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp trên địa bàn, hỗ trợ quá trình đào tạo chuyên sâu và xây dựng một chiến lược dài hạn phát triển nguồn nhân lực trẻ trong tương lai.

    Một nội dung đáng quan tâm khác là tìm kiếm các nguồn tài trợ trong nước và quốc tế cho các chương trình đào tạo ngắn hạn trong và ngoài nước. Phối hợp và tranh thủ hợp tác với các tổ chức FIATA, IATA và các tổ chức phi chính phủ khác để có nguồn kinh phí đào tạo thường xuyên hơn. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần phải kết hợp chặt chẽ với các hiệp hội để có điều kiện mở các khóa đào tạo nhân lực cho mình.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO:

    ThS. Nguyễn Hoàng Hải - Vụ trưởng Vụ Kinh tế dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2017), “Đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics Việt Nam”, Tạp chí Khu công nghiệp Việt Nam.
    Trường Đại học Tài chính - Marketing (2019), Kỷ yếu Hội thảo “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Logistics trong nền kinh tế hội nhập”, NXB Văn hóa - Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh.
    “Ngành logictics tại Việt Nam “khát” nhân lực chất lượng cao”, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, 12/10/2017.
    Luis C. Blancas et al (2014), “Efficient Logistics A Key to Vietnam’s Competitiveness”, World Bank, Washington D.C
    Fiin Group (2019), “Vietnam Logistics Market 2019”, https://www.slideshare.net/StoxPlusCorporation/
    Businesswire (2019), “Vietnam Freight and Logistics Market - Growth, Trends, and Forecast (2019 - 2024)”, ResearchAndMarkets.com



  • Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cả nước hiện có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ logistics, trong đó 1.300 doanh nghiệp đang hoạt động tích cực. Đến năm 2030, Việt Nam sẽ cần hơn 200.000 nhân sự phục vụ trong ngành này.

    Tuy nhiên, tại Hội thảo “Đào tạo và nâng cao chất lượng nhân lực về logistics” do Cục Xuất Nhập khẩu Bộ Công Thương phối hợp với Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức sáng nay tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, việc đào tạo như hiện nay đang khiến ngành logistics rơi vào tình trạng thiếu nhân lực cả về lượng và chất.
    Để giải quyết được bài toán nguồn nhân lực, việc liên kết đào tạo nhân lực giữa nhà trường - doanh nghiệp - nhà nước và hiệp hội cần đi vào thực chất.

    Đánh giá về thực trạng logistics hiện nay, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong thời gian qua nhưng hiện trình độ và mức độ phát triển của ngành dịch vụ logistics Việt Nam hiện nay vẫn ở mức tương đối thấp. Bởi số lượng doanh nghiệp dịch vụ logistics của Việt Nam vẫn quá ít, chỉ vào khoảng 1.300-1.500 doanh nghiệp.

    Hơn nữa, mức độ đóng góp cho nền kinh tế của ngành dịch vụ logistics còn thấp, mới chỉ vào khoảng 2-3% GDP. Ngoài ra, tỷ lệ thuê ngoài của ngành dịch vụ logistics chưa cao, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp thương mại vẫn phải tự thực hiện các dịch vụ logistics, khiến hoạt động này kém hiệu quả.

    Theo ông Trần Thanh Hải, logistics là ngành đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Vì thế, ngành logistics giai đoạn 2017-2020 sẽ cần thêm khoảng 20 ngàn lao động chất lượng cao, có trình độ chuyên môn. Và đến 2030 con số này sẽ chạm ngưỡng 200 ngàn lao động đáp ứng đủ yêu cầu về kỹ năng, kiến thức chuyên môn và trình độ tiếng Anh.

    Tại Việt Nam, có 3 hình thức đào tạo logistics gồm các cơ sở đào tạo bậc đại học/sau đại học và nghề; tại các hiệp hội và tại chính các doanh nghiệp.

    Thống kê cho thấy, Việt Nam đang có 15 cơ sở đào tạo về chuyên ngành logistics hoặc gần chuyên ngành logistics ở cấp đại học/sau đại học và cơ sở dạy nghề về logistics. Tuy vậy, lực lượng giảng viên vẫn đang thiếu và mỏng nên chủ yếu là các chuyên gia từ ngành khác sang giảng dạy khiến kiến thức truyền tải vẫn chưa nhiều.

    Ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nhấn mạnh, có thể thấy nguồn nhân lực trong ngành logistics Việt Nam hiện nay còn yếu và thiếu hụt về cả số lượng và chất lượng.

    Dù đã phát triển dịch vụ logistics bên thứ 3 (3PL) nhưng phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam còn có khoảng cách lớn với các doanh nghiệp nước ngoài về uy tín trên thương trường, dịch vụ khách hàng.

    Một trong những lý do dẫn đến tình trạng đó, ngoài yếu kém về công nghệ là trình độ tay nghề logistics và tính chuyên nghiệp của nguồn nhân lực trong ngành còn thấp.

    Ông Nguyễn Tương cũng chỉ ra việc thiếu hệ thống đào tạo bài bản về dịch vụ logistics, sự thiếu chủ động của doanh nghiệp trong đầu tư cho nguồn nhân lực.

    Hơn nữa, doanh nghiệp chưa có kế hoạch tuyển dụng định kỳ và lâu dài mà thường chỉ tuyển dụng khi nào cần và chỉ giải quyết yêu cầu trước mắt hơn là kế hoạch phát triển lâu dài.

    Những điều đó khiến người lao động không có động lực thúc đẩy để trau dồi chuyên môn trình độ và kỹ năng làm việc của bản thân để trở nên chuyên nghiệp hơn.

    Nguyên nhân khác nằm ở chính người lao động ngay từ khi lựa chọn ngành ngề đào tạo đã không hướng tới một công việc cụ thể nên thường thiếu các kỹ năng cần thiết.

    Không những thế, lao động cũng chưa chủ động trong việc tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng và tiếp cận các công ty logistics khi còn đang là sinh viên mà đa số chỉ bắt đầu quá trình tìm việc từ 3 - 6 tháng trước khi tốt nghiệp.

    Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trịnh Thị Thu Hương, Phó Trưởng khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội cũng thừa nhận một số bất cập về việc chưa có mã ngành logistics. Cùng đó, số lượng sinh viên tham gia học chuyên ngành này cũng chưa nhiều nên thực hành cũng từ đó mà hạn chế hơn.

    Do đó, để phát triển và tạo môi trường thuận lợi cho việc đào tạo ngành logistics, bà Trịnh Thị Thu Hương đề nghị Chính phủ cần rà soát và tiếp tục thực hiện, phát triển các chính sách tạo thuận lợi cho các hoạt động của logistics.

    Mặt khác, các đơn vị chức năng cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, xác định nhu cầu của doanh nghiệp trong thời gian tới để có kế hoạch đào tạo hợp lý tránh tình trạng đào tạo tràn lan, chi phí tốn kém nhưng tỷ lệ thất nghiệp lại gia tăng.

    Ngoài ra, việc hợp tác công tư góp phần tạo điều kiện cho việc xây dựng kế hoạch và chương trình đào tạo gắn trực tiếp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

    Đặc biệt, Chính phủ cũng cần trao đổi và mở rộng cơ hội hợp tác đào tạo quốc tế cho các cơ sở đào tạo đại học, tạo môi trường thuận lợi cho việc đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, đem cơ hội và học bổng về cho sinh viên và cán bộ trong nước./.



  • Cuộc khảo sát về nguồn nhân lực logistics của VN cuối 2014 cho thấy có 60% tự đào tạo qua kinh nghiệm, học hỏi tay nghề lớp đàn anh đi trước, chỉ 40% có đào tạo qua trường lớp nhưng đa phần là những lớp bồi dưỡng tay nghề do các hiệp hội tổ chức. Những lớp này thiếu cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, phương pháp truyền đạt… trong khi đó yêu cầu về một nhân lực logistics thực thụ phải được trang bị các kiến thức, kỹ năng quản trị trở thành nhà cung cấp logistics tích hợp (3PL).
    THỰC TRẠNG YẾU
    Tốc độ phát triển nhanh của ngành logistics đặt ra những thách thức lớn cho các DN và người lao động trong quá trình hòa nhập vào sân chơi toàn cầu. Do phát triển nóng nên nguồn nhân lực cung cấp cho thị trường logistics VN thiếu hụt trầm trọng cả về lượng và chất. Dù đã phát triển dịch vụ 3PL nhưng DN trong nước vẫn còn nhiều khoảng cách với DN nước ngoài về uy tín trên thương trường.
    Ước tính, hơn 300 DN hội viên Hiệp hội DN dịch vụ logistics VN (VLA) có khoảng 4.000 nhân viên chuyên nghiệp và 5.000 nhân viên bán chuyên nghiệp, nhưng chỉ đáp ứng 40% nhu cầu, trong khi dự báo 3 năm tới các DN logistics cần thêm 18.000 lao động. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố then chốt giúp ngành logistics VN tiến nhanh bắt kịp với nhịp độ của các quốc gia phát triển.
    Tại VN chỉ có một số trường có đào tạo cử nhân về quản trị Logistics và vận tải đa phương thức. Tuy nhiên môn học logistics (hoặc liên quan đến logistics) tại các trường đại học của VN có nội dung hạn chế, chủ yếu đào tạo thiên về vận tải biển và giao nhận đường biển mà chưa chú trọng tới sự phát triển của ngành vận tải hàng không và các dịch vụ gia tăng, các kỹ thuật giao nhận hiện đại như vận tải đa phương thức, kỹ năng quản trị chuỗi cung ứng như 3PL, 4PL…
    Ngoài ra, yếu tố thực hành thực tế cho sinh viên cũng rất quan trọng, nhưng chỉ một số trường liên kết với các công ty logistics cho sinh viên thực tập. Tuy nhiên với thời gian ngắn, mức độ va chạm thực tế không đáng kể để có thể hình thành kỹ năng. Do vậy nguồn nhân lực vừa thiếu lại vừa yếu cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản làm yếu sức cạnh tranh của các DN trong nước với các công ty đa quốc gia đang ngày một có mặt càng nhiều trong lĩnh vực kinh doanh các dịch vụ logistics tại VN.

    VẪN CHƯA SẴN SÀNG
    Từ những hạn chế trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành logistics đã dẫn đến tình trạng nhân lực cho tương lai thiếu trầm trọng. Trong khi cơ chế mở cửa tự do thương mại đang trở nên sôi động từ những hiệp định đã ký kết, các hoạt động đi kèm cũng sẽ phát triển theo, điều đáng nói ở đây là nguồn nhân lực trẻ vẫn còn lúng túng chưa thật sự sẵn sàng còn nguồn nhân lực có thâm niên ngày càng gần tuổi về hưu.
    Tất cả các phương tiện để phát triển đều đã sẵn sàng, nhưng người vận hành các phương tiện đó còn là vấn đề hiện nay. Theo Kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu và Phát triển của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, có tới 80,26% nhân lực trong các công ty logistics được đào tạo thông qua các công việc hàng ngày, 23,6% lao động tham gia các khóa đào tạo trong nước, thuê các chuyên gia nước ngoài đến đào tạo 6,9%; tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài 3,9.
    Trước thực trạng đó, để các DN logistics nước ta phát triển, theo PGS. TS Hoàng Thọ Xuân – chủ biên một báo cáo tổng hợp khá công phu về “Quy hoạch Phát triển Trung tâm logistics và Trung tâm hội chợ triển lãm trên quy mô cả nước đến năm 2020 và định hướng đến 2030”: các DN logistics cần hướng tới cung ứng đầy đủ các dịch vụ cơ bản của một trung tâm logistics như lưu kho bãi, xếp dỡ hàng, gom và chia nhỏ hàng, dịch vụ giá trị gia tăng và dịch vụ hỗ trợ… Đồng thời, hướng tới đảm bảo cung ứng dịch vụ trọn gói hoặc tham gia toàn bộ chuỗi cung ứng cho khách hàng từ đặt hàng, thu mua, đóng gói, chia lẻ… đến điều tiết hàng hóa theo kế hoạch bán hàng, dự báo xu hướng nhu cầu, thực hiện thanh toán thay mặt chủ hàng. Bên cạnh đó, thực hiện các hình thức liên kết, kết hợp giữa các DN logistics trong nước để mở rộng quy mô nguồn vốn, hình thành một đơn vị cung ứng logistics có đủ sức cạnh tranh với DN nước ngoài. Liên doanh với các đối tác nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm và phương pháp quản lý, nhận hỗ trợ tài chính, xây dựng cơ sở vật chất và các cơ hội mỡ rộng quan hệ, tiếp cận thị trường bên ngoài của đối tác.
    Ngoài ra, điểm mấu chốt là cần bồi dưỡng chuyên sâu cho cán bộ nhân viên hoạt động trong lĩnh vực logistics, liên kết đào tạo và học tập kinh nghiệm của các trường, các công ty logistics ở các quốc gia trong khu vực có ngành logistics phát triển như: Nhật Bản Trung Quốc, Singapore, hoặc tự đào tạo mời chuyên gia phổ biến trong DN… Để ngành logistics của VN theo kịp tốc độ tăng trưởng của thế giới như hiện nay.