Doanh nghiệp cần làm gì để đáp ứng yêu cầu về xuất xứ các FTA?



  • Trong những năm gần đây với hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) được đàm phán và ký kết, cánh cửa hội nhập quốc tế ngày càng rộng mở tạo ra nhiều cơ hội cho các DN Việt Nam thâm nhập thị trường thế giới. Mặc dù vậy, theo nhận định của các chuyên gia, việc tận dụng các ưu đãi từ các FTA của các DN xuất khẩu còn hạn chế, nguyên nhân chủ yếu là chưa đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa.

    30% hàng xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế từ FTA

    Theo Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho tới nay, Việt Nam đã có 10 FTA có hiệu lực, 2 FTA đã ký kết, 1 FTA đã hoàn tất đàm phán và 3 FTA đang đàm phán với tổng cộng 58 nền kinh tế, chiếm phần lớn thương mại quốc tế của Việt Nam.

    Tất cả các FTA này đều có các cam kết ưu đãi, xóa bỏ thuế quan đối với phần lớn các loại hàng hóa XNK giữa Việt Nam và các thị trường đối tác. Điều này tạo ra những cơ hội cực kỳ có ý nghĩa cho các DN XK, NK của Việt Nam. Tuy nhiên, với mỗi FTA, để có thể được hưởng các ưu đãi thuế quan mà các thị trường cam kết dành cho nhau, hàng hóa phải đáp ứng các điều kiện về quy tắc xuất xứ và có chứng nhận xuất xứ phù hợp với yêu cầu của FTA đó.

    Thời gian qua, việc thực thi 10 FTA đang có hiệu lực với 21 thị trường của Việt Nam cho thấy chỉ khoảng 30% hàng hóa XK của Việt Nam được hưởng các ưu đãi thuế quan từ các FTA này. Nói cách khác, một phần lớn hàng hóa XK đi các thị trường dù đã có FTA nhưng vẫn phải chịu thuế thông thường (thuế MFN) mà chưa được hưởng các ưu đãi thuế quan. Một nguyên nhân cơ bản được chỉ ra là do DN chưa nắm được hoặc chưa đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan.

    Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các việc hạn chế trong việc khai thác các lợi thế về ưu đãi thuế quan của các DN. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là do các DN chưa quan tâm nhiều đến quy tắc xuất xứ trong khi đây lại là điều kiện tiên quyết để tận dụng các cơ hội được hưởng ưu đãi về thuế quan. Câu chuyện về quy tắc xuất xứ khó có thể thay đổi ngày một ngày hai mà phải từ các câu chuyện về tìm kiếm nguồn cung, quy trình sản xuất. Nếu DN chưa quan tâm tìm hiểu và không thay đổi cách thức thì khó tận dụng được. Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến các DN chưa tận dụng được các ưu đãi về thuế quan trong hoạt động XK hàng hóa. Bên cạnh nguyên nhân chủ quan nêu trên, nguyên nhân khách quan dẫn đến khả năng tận dụng các ưu đãi thuế quan từ các FTA đối với hàng XK còn thấp là do trên thực tế nhiều sản phẩm XK của Việt Nam có sử dụng nguồn nguyên liệu từ những nước không nằm trong FTA có liên quan đến chúng ta. Việc sử dụng giá trị nguyên liệu quá lớn trong tổng giá trị hàng hóa dẫn đến nhiều mặt hàng XK không đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ để hưởng ưu đãi thế quan.

    Doanh nghiệp phải chủ động và chuyên nghiệp hơn

    Để khắc phục các vấn đề nêu trên, theo bà Trang, các DN phải chủ động trong việc tìm hiểu các quy định về quy tắc xuất xứ như là cơ hội thuế quan với hàng hóa có thế mạnh và cả đối với các mặt hàng không có thế mạnh. Cùng với đó, các DN cũng phải triển khai các công việc cụ thể để thay đổi mô hình, cách thức sản xuất nguyên liệu và các cách thức khác để có thể tận dụng các cơ hội ưu đãi về thuế quan. Bên cạnh việc khắc phục những nguyên nhân do sử dụng nguyên phụ liệu từ nước ngoài đặc biệt là các nước không có trong các FTA thì điều quan trọng là phải đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và những hoạt động khác để phục vụ cho sản xuất ở chính Việt Nam.

    Việc nắm rõ và thực hiện tốt các yêu cầu về quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa tại các thị trường XK không chỉ giúp DN tận dụng được các ưu đãi về thuế quan trong các FTA mà còn giúp các DN chủ động trước các vấn đề phát sinh liên quan đến xuất xứ trong hoạt động XK. Đặc biệt, trong bối cảnh hoạt động XK ngày càng phải cạnh tranh trước các hàng rào phi thuế quan tại các nước XK được dựng lên ngày càng nhiều, trong đó có các rào cản liên quan trực tiếp đến xuất xứ hàng hóa.

    Theo thống kê của Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), thuộc Phòng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các khiếu nại từ các thị trường XK đối với xuất xứ hàng hóa của Việt Nam đang có xu hướng gia tăng. Ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký VIAC cho biết, tính đến hết tháng 12/2018, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận được 110 thư yêu cầu thẩm tra lại 287 bộ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). Trong đó, riêng tháng 12/2018, VCCI đã nhận được 5 thư yêu cầu kiểm tra. Các mặt hàng bị yêu cầu thẩm tra phổ biến là xe, lốp xe, đinh vít, quần áo, gạch men, tôm, thực phẩm, găng tay, da giày. Trong đó thị trường EU chiếm 90%, còn lại 10% là các thị trường khác chủ yếu là Đài Loan, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq.

    Nguyên nhân dẫn đến các khiếu nại về xuất xứ hàng hóa là do các đối tác nghi ngờ có việc làm giả chữ ký có thẩm quyền ký C/O và tổ chức cấp phát C/O theo quy định pháp luật Việt Nam đối với hàng chuyển tải bất hợp pháp, hàng không đủ tiêu chuẩn về xuất xứ Việt Nam. Đối với nghi ngờ về hàng hóa chưa đủ tiêu chuẩn xuất xứ Việt Nam chủ yếu đối với các mặt hàng nhạy cảm đang bị áp thuế phòng vệ thương mại được XK với số lượng lớn sang các nước hoặc các mặt hàng bị nghi ngờ về năng lực sản xuất của Việt Nam. Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng đặt ra vấn đề về gian lận hàng hóa làm tăng phòng vệ thương mại từ thị trường Hoa Kỳ đối với hàng hóa XK của Việt Nam. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn ảnh hưởng đến vấn đề điều tra xuất xứ hàng hóa.

    Theo ông Châu Việt Bắc, thực tế cho thấy trong quá trình kiểm tra xuất xứ hàng hóa các DN Việt Nam còn gặp một số vấn đề về chứng từ, dữ liệu, cơ sở sản xuất... không đáp ứng được yêu cầu kiểm tra. Do vậy, để chủ động ứng phó, bên cạnh việc đáp ứng các yêu cầu về cơ sở sản xuất các DN phải nâng cao nhận thức về việc quản trị chứng từ liên quan đến xuất xứ hàng hoá. Theo đó, việc lưu trữ, quản lý chứng từ xuất xứ hàng hóa phải chuyên nghiệp để sẵn sàng phục vụ cho quá trình kiểm tra...