Thủ tục Xuất Khẩu Hóa chất



  • Chúng tôi là DN 100% vốn nước ngoài trong khu công nghiệp (nhưng không phải DN chế xuất). Sản phẩm của công ty chúng tôi là hóa chất: Methyl metharcylate (C5H8O2). Mã Hs: 29161410, Số CAS: 80-62-6, sản phẩm này có công dụng để chế tạo nhựa thủy tinh hữu cơ, nhựa acrylic. Hóa chất này nằm trong Phụ lục I và phục lục V, Nghị định 113/2017/NĐ-CP. DN có nhu cầu xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Trung Quốc, loại hình B11. DN xin được hỏi: Thủ tục xuất khẩu hóa chất này gồm những thủ tục gì, tuân theo các quy định nào, cần giấy phép xuất khẩu hay không, địa điểm làm thủ tục hải quan có bắt buộc phải làm tại Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất hay không? DN có thuộc đối tượng tuân theo quy định 69/2016/TT-BTC hay không?

    Đáp:

    Về chính sách mặt hàng
    Sản phẩm xuất khẩu của công ty nằm trong Phụ lục 1 (Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp) và Phụ lục V (Danh mục hóa chất phải khai báo). Do đó, công ty tham khảo các quy định sau để thực hiện:

    Căn cứ điều 9 và điều Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 của Chính phủ quy định:

    “Điều 9. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp

    1. Điều kiện sản xuất

    a) Là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật, có ngành nghề sản xuất hóa chất;

    b) Cơ sở vật chất - kỹ thuật phải đáp ứng yêu cầu trong sản xuất theo quy định tại Điều 12 của Luật hóa chất; Điều 4; khoản 1, 2 Điều 5; khoản 1, khoản 2 Điều 6 của Nghị định này;

    c) Diện tích nhà xưởng, kho chứa phải đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Cơ sở sản xuất có đủ diện tích để bố trí dây chuyền sản xuất phù hợp với công suất thiết kế, đảm bảo các công đoạn sản xuất, đáp ứng yêu cầu công nghệ;

    d) Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật hoặc cán bộ kỹ thuật phụ trách hoạt động sản xuất hóa chất phải có bằng đại học trở lên về chuyên ngành hóa chất;

    đ) Các đối tượng quy định tại Điều 32 của Nghị định này phải được huấn luyện an toàn hóa chất.

    1. Điều kiện kinh doanh

    a) Là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật, có ngành nghề kinh doanh hóa chất;

    b) Cơ sở vật chất - kỹ thuật phải đáp ứng yêu cầu trong kinh doanh theo quy định tại Điều 12 của Luật hóa chất; Điều 4; khoản 2 Điều 5; khoản 1, khoản 2 Điều 6 của Nghị định này;

    c) Địa điểm, diện tích kho chứa phải đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

    d) Có cửa hàng hoặc địa điểm kinh doanh, nơi bày bán đảm bảo các yêu cầu về an toàn hóa chất, an toàn phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật;

    đ) Vật chứa, bao bì lưu trữ hóa chất phải bảo đảm được chất lượng và vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật; phương tiện vận chuyển hóa chất phải tuân thủ theo quy định của pháp luật;

    e) Có kho chứa hoặc có hợp đồng thuê kho chứa hóa chất hoặc sử dụng kho của tổ chức, cá nhân mua hoặc bán hóa chất đáp ứng được các điều kiện về bảo quản an toàn hóa chất, an toàn phòng, chống cháy nổ;

    g) Người phụ trách về an toàn hóa chất của cơ sở kinh doanh hóa chất phải có trình độ trung cấp trở lên về chuyên ngành hóa chất;

    h) Các đối tượng quy định tại Điều 32 của Nghị định này phải được huấn luyện an toàn hóa chất.

    Tổ chức, cá nhân chỉ được sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện và có trách nhiệm duy trì đủ điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trường hợp tổ chức, cá nhân không còn đáp ứng đủ điều kiện sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật hóa chất.
    …Điều 26. Khai báo hóa chất sản xuất

    Tổ chức, cá nhân sản xuất hóa chất phải khai báo có trách nhiệm khai báo hóa chất sản xuất trong năm thông qua chế độ báo cáo hàng năm quy định tại Điều 36 của Nghị định này”.

    Như vậy, tùy thuộc vào nguồn gốc của sản phẩm xuất khẩu (do công ty sản xuất hay thu mua của công ty khác) công ty căn cứ các quy định trên để thực hiện.

    Về đối tượng áp dụng Thông tư số 69/2016/TT-BTC ngày 06/05/2016 của Bộ Tài chính
    Căn cứ khoản 3 điều 2 và khoản 5 điều 3 Thông tư số 69/2016/TT-BTC ngày 06/05/2016 của Bộ Tài chính quy định:

    “Điều 2. Đối tượng áp dụng

    ...3. Thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất

    Điều 3. Giải thích từ ngữ

    ...5. Hóa chất quy định tại Thông tư này là hóa chất ở thể khí và thể lỏng”

    Như vậy, trường hợp công ty xuất khẩu hóa chất ở thể khí và thể lỏng thuộc đối tượng áp dụng Thông tư số 69/2016/TT-BTC.

    Về địa điểm làm thủ tục hải quan và hồ sơ thủ tục xuất khẩu
    3.1. Trường hợp công ty thuộc đối tượng áp dụng Thông tư số 69/2016/TT-BTC

    Địa điểm làm thủ tục hải quan và hồ sơ xuất khẩu thực hiện theo quy định tại điều 11 và điều 12 Thông tư số 69/2016/TT-BTC.

    3.2. Trường hợp công ty thuộc đối tượng áp dụng Thông tư số 69/2016/TT-BTC

    Công ty xuất khẩu hàng hóa theo loại hình B11 được lựa chọn làm thủ tục tại Chi cục Hải quan thuận tiện, không bắt buộc phải làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất.

    Hồ sơ thủ tục xuất khẩu thực hiện theo quy định tại điều 16, điều 18 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 (được sửa đổi bổ sung tại khoản 5, khoản 7 điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018) của Bộ Tài chính.