VASEP: Đơn hàng tôm Việt Nam có thể chậm lại vì lo ngại chính sách thuế Mỹ
-
Trong tháng 5, xuất khẩu tôm Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng cả về sản lượng lẫn giá trị, đặc biệt tại các thị trường chủ lực như Mỹ và Trung Quốc. VASEP đánh giá đây là tín hiệu tích cực sau thời gian dài ngành tôm chịu áp lực từ chi phí đầu vào cao và nhu cầu toàn cầu suy giảm.
Cụ thể, sản lượng tôm thẻ chân trắng xuất khẩu đạt 30.089 tấn, tăng 23% so với tháng 4 và tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm chính bao gồm tôm luộc không đầu, tôm lột vỏ chừa đuôi đông lạnh, tôm sushi, tôm hấp và tôm tẩm bột chiên kèm xốt.
Dù vậy, Hiệp hội lưu ý triển vọng nửa cuối năm còn nhiều thách thức. Nhu cầu được kỳ vọng sẽ phục hồi theo chu kỳ mùa hè, nhưng tâm lý thận trọng của các nhà nhập khẩu – đặc biệt tại Mỹ – trước chính sách thuế mới có thể làm chậm nhịp đặt hàng. VASEP cho rằng, nếu Mỹ không duy trì cơ chế miễn thuế như kỳ vọng, khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam tại thị trường này sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Trong 5 tháng đầu năm, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm thẻ lớn nhất gồm STAPIMEX, Minh Phú Hậu Giang, Sao Ta, Minh Phú và Cases. Riêng thị trường Mỹ ghi nhận sản lượng nhập khẩu đạt 7.060 tấn, tăng 72% so với tháng trước – mức cao nhất kể từ tháng 10/2024. Giá xuất khẩu trung bình sang Mỹ đạt 11,60 USD/kg, tăng 0,9%.
Trung Quốc cũng tăng nhập khẩu lên 4.500 tấn, dù giá trung bình giảm 3% xuống 6,5 USD/kg. Các thị trường khác như Hàn Quốc, EU và Nhật Bản lần lượt tăng 20%, 14% và 3%; riêng Anh giảm nhẹ 5%.
Giá xuất khẩu trung bình tôm thẻ toàn thị trường đạt 9 USD/kg, tăng nhẹ 1% so với tháng trước. Giá tôm nguyên liệu trong nước cũng tăng 5 – 7% nhờ lực cầu mạnh từ các nhà chế biến, đặc biệt tại Mỹ, đang đẩy mạnh thu mua để hoàn tất đơn hàng trước khi chính sách miễn thuế đối ứng của chính quyền Trump hết hiệu lực.
Ở phân khúc cao cấp, tôm sú ghi nhận sản lượng xuất khẩu đạt 4.353 tấn trong tháng 5, tăng 8% so với tháng 4 và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Các dòng sản phẩm chính gồm tôm bỏ đầu PTO/PDTO, tôm nguyên con, tôm lột vỏ đông lạnh, tôm hấp và tôm HLSO.
Những doanh nghiệp dẫn đầu xuất khẩu tôm sú gồm Minh Phú, Minh Phú Hậu Giang, Camimex, Minh Cường và Tôm Miền Nam. Thị trường Mỹ tăng nhập khẩu tôm sú từ Việt Nam lên 600 tấn với giá cao nhất 17,10 USD/kg. Nhật Bản đạt 886 tấn, giá tăng 6% lên 12,40 USD/kg; EU tăng tháng thứ tư liên tiếp lên 390 tấn, giá giảm nhẹ 6,1% còn 10,7 USD/kg.
Tại Hàn Quốc, sản lượng đạt gần 200 tấn nhưng giá giảm mạnh 30% còn 8,30 USD/kg. Trung Quốc giữ ổn định ở mức 1.300 tấn, giá tiếp tục giảm thêm 3,3% còn 8,9 USD/kg. Giá xuất khẩu bình quân tôm sú toàn thị trường tăng 4% lên 11,82 USD/kg.
Tuy nhiên, sản lượng tôm nguyên liệu giảm nhẹ 2% còn 24.000 tấn do sản lượng tăng mạnh trong tháng trước. Nguồn cung tôm cỡ lớn đang dồi dào khiến giá tại trại điều chỉnh: tôm sú cỡ 20–40 con/kg giảm 2%, cỡ 50 con/kg giữ nguyên, còn cỡ 80 con/kg giảm tới 9%.
VASEP cho biết hiện tôm sú Việt Nam đang chiếm ưu thế tại các thị trường cao cấp như Nhật Bản, EU và Thụy Sĩ – nơi người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm tôm sinh thái, nuôi trong rừng ngập mặn, có thể truy xuất nguồn gốc và đạt tiêu chuẩn bền vững.
Tuy vậy, ngành đang chịu áp lực cạnh tranh gia tăng từ Ấn Độ – quốc gia đang đẩy mạnh nuôi tôm sú theo mô hình hai vụ tại bang Andhra Pradesh, tập trung vào các thị trường châu Á với tôm cỡ nhỏ 30 – 50 con/kg.