GT và DWT là gì? Nó khác nhau như thế nào?



  • Chủ hàng khi quan tâm xem xét một con tàu, ngoài kích thước, số IMO và các thông tin về an toàn kỹ thuật, thì còn chú ý đến Tổng dung tích – GT và trọng tải – DWT của tàu. Vậy GT và DWT là gì? Nó khác nhau như thế nào?

    Dung tích của tàu

    Dung tích – Tonnage của một tàu gồm Tổng dung tích – GT và Dung tích thuần – NT.
    Gross tonnage (GT) tiếng Việt gọi là “tổng dung tích”, là số đo dung tích của toàn bộ các không gian kín ở trên tàu, bao gồm cả thể tích của ống khói. GT của tàu là cơ sở để tính các phí hàng hải như phí hoa tiêu, phí đăng ký, phí bảo hiểm và để làm cơ sở áp dụng cho các công ước hàng hải khác. 1 GT bằng 100 feet khối hay bằng 2,831 mét khối.

    Net Tonnage (NT) tiếng Việt gọi là “Dung tích thuần”, là số đo dung tích của không gian giới hạn từ mặt boong chính trở xuống bao gồm không gian bên trong các hầm hàng, khu vực buồng máy, toàn bộ các két phía ngoài buồng máy và các không gian kín ở đáy đôi của con tàu và được sử dụng để tính các phí thuộc quyền hạn của chính quyền cảng (cảng vụ).

    Thể hiện bằng hình vẽ:

    GT là được tô xanh, bao gồm: hầm hàng, các két đáy đôi và 2 két mũi lái, buồng máy, ca bin, các kho mũi và lái, các monkey islands (khoang phía trên mặt boong chính để bố trí các tời cẩu hàng) và cột tàu Ships masts. Trên hình vẽ minh họa có một monkey island. Thể tích ống khói không được gộp vào GT.

    NT bao gồm: hầm hàng, các két đáy đôi và 2 két mũi lái, buồng máy. Không bao gồm: ca bin, các kho mũi và lái, các monkey islands và cột tàu.

    Theo công ước quốc tế của Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) về đo dung tích tàu năm 1969 thì trừ tàu chiến và tàu có chiều dài nhỏ hơn 24 mét (79 feet), tất cả các tàu biển đều có phải giấy chứng nhận dung tích tàu của cơ quan đăng kiểm.

    Ngày trước còn có hai khái niệm Gross Register Tonnage (GRT) và Net Register Tonnage (NRT) nhưng nay không được sử dụng nữa mặc dù hai khái niệm này cũng chính là của GT và NT. IMO đã thay thế GRT và NRT bằng GT và NT. Wording của công ước và các phụ lục liên quan, cũng như trong các giấy chứng nhận dung tích không còn sử dụng GRT và NRT.

    Đơn vị của Dung tích theo cách gọi thông thường là “tấn”, nhưng khác với tấn = 1.000kg, và khác với đơn vị tấn được sử dụng trong Trọng tải.

    Khi nói GT của tàu là 1.599 tấn thì phải hiểu là dung tích toàn phần của nó là 1.599 tấn dung tích toàn phần hay con tàu đó có dung tích GT là 1.599 nhân với 2,831m3 thành 4526,77 m3.

    Trọng tải của tàu

    Trọng tải – DWT (cũng được gọi là deadweight) là số đo của khối lượng hàng, đồ vật khác mà tàu có thể chở được.

    Trọng tải tàu trước đây được gọi bằng “tấn dài”, giờ đây quốc tế thống nhất cách gọi chung là “tấn” (tonnes). Cần phân biệt đơn vị tấn giữa GT, NT và DWT.

    Cụ thể:

    1 tấn trọng tải DWT = 2.240 pounds (đơn vị khối lượng Anh) = 1.016,05 kg (1.000 kg = 1 tấn)

    1 MT (tấn mét) = 2204 pounds = 1.000 kg

    Ví dụ: Tàu có trọng tải 5.000 tấn tại bất kỳ thời điểm được hiểu là tổng khối lượng tàu có thể chở được bao gồm: hàng hóa, nhiên liệu, nước dằn, lương thực thực phẩm, trọng lượng hành khách, thuyền viên, phụ tùng thay thế tối đa là 5.000 tấn.

    Hay: Trọng tải (DWT) = Sức chở hàng của tàu + Trọng lượng thuyền viên, hành lý, thực phẩm, nước ngọt, dầu mỡ, nước dằn tàu….