Vận Tải Là Gì? Vai Trò Của Vận Tải Trong Logistics?



  • Vận tải là gì? Vận tải là một ngành vật chất đặc biệt, luôn đồng hành với sự tiến triển của nền văn minh nhân loại, nhằm hoán đổi vị trí của hàng hóa và bản thân con người từ nơi này đến nơi khác một cách an toàn và nhanh chóng. Khái niệm vận tải Logistics hiện nay là kết quả cuộc cách mạng khoa học công nghệ của vận tải. Từ thập niên 60 – 70 của thế kỷ trước, logistics trở thành ngành kinh tế – kỹ thuật quan trọng, luôn gắn kết với giao thông vận tải trong sản xuất và lưu thông phân phối.

    Trên thế giới, không có nước nào thiếu Bộ GTVT hoặc Bộ chuyên ngành phụ trách kết cấu hạ tầng quốc gia. Những nước giàu và mạnh đều có kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh (bao gồm: đường cao tốc, cảng biển, đường sắt, đường bộ, đường sông và hàng không…). Thế nên, vận tải trở thành hoạt động kinh tế có mục đích của con người, nhằm hoán đổi vị trí của hàng hóa và bản thân con người từ nơi này đến nơi khác an toàn và nhanh chóng bằng các phương tiện vận tải.

    Theo chủ nghĩa Mác – Lênin, trong kinh tế, vận tải là quá trình sản xuất đặc biệt, không tác động đến đối tượng lao động mà chỉ tác động về mặt không gian lên đối tượng chuyên chở. Khi quá trình vận tải kết thúc thì sản phẩm vận tải cũng được tiêu thụ ngay. Người ta có thể quy đổi nó thành khái niệm để thanh toán, như hàng hóa có tấn hàng hóa, tấn km hàng hóa, cũng vậy, hành khách và hành khách km.

    Trong sản xuất, vận tải khi thỏa mãn nhu cầu tăng năng suất, người ta chỉ có thể dự báo năng lực chuyên chở của phương tiện vận tải như: toa xe, đầu kéo, ôtô, tàu thủy… chứ không thông báo số lượng nguyên liệu dự trữ cho sản xuất kinh doanh vận tải. Suy cho cùng, vận tải là một ngành kinh tế – kỹ thuật tổng hợp, đa dạng, được gắn liền với kết cấu hạ tầng quốc gia, giải quyết những vấn đề sản xuất kinh doanh và lưu thông phân phối cho mỗi nước và toàn cầu bằng khoa học công nghệ hiện đại, luật pháp giao nhận minh bạch do một đội ngũ có tay nghề thực thi. Đây là một ngành vật chất đặc biệt, luôn đồng hành với sự tiến triển của nền văn minh nhân loại, tạo ra những sản phẩm mới như: container hóa cảng biển và logistics. Vai trò của vận tải trong Logistics

    Vận tải có vai trò đặc biệt quan trọng trong logistics và vai trò này sẽ tăng lên bởi chi phí cho vận chuyển chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong logistics. Do đó, những nhà tổ chức logistics càng cố gắng đưa hiệu quả sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh của logistics lên cao bằng cách giảm chi phí vận tải.

    Theo số liệu thống kê, vào những thập niên 80 của thế kỷ XX, nước Mỹ đã chi khoảng 700 tỷ USD/năm cho chi phí vận tải của ngành công nghiệp. Chi phí này là quá lớn.

    Ở 2 nước xuất gạo châu Á như Thái Lan và Việt Nam, tuy giá thành gạo của hai nước gần như tương đương nhưng trong vòng 20 năm qua, gạo của Thái Lan vẫn chiếm lĩnh thị trường thế giới và Đông Nam Á vì chi phí vận tải của Thái Lan thấp và thuận lợi hơn Việt Nam.

    Nói tóm lại, vận tải ảnh hưởng rất lớn đến giá thành trong lưu thông phân phối và sản xuất kinh doanh của các nước trên thế giới. Vừa qua, cuộc cách mạng “điện tử – số hóa” và “thông tin – liên lạc” càng thúc đẩy vận tải phát triển nhanh về khoa học – công nghệ, nhằm tạo ra hiệu quả và sự cạnh tranh trên thương trường. Chỉ trong vòng chưa đầy một thế kỷ đã xuất hiện container hóa các cảng biển và logistics hóa toàn cầu. Đây sẽ là tiền đề thuận lợi để các nhà vận tải cũng như hoạt động logistics cùng hoạch định chiến lược vận tải phù hợp với thực tế, mang lại hiệu quả cao.

    Chiến lược vận tải của Logistics

    Ở những thập kỷ tiền công nghiệp trước đây, người ta ít đề cập đến chiến lược vận tải hoàn chỉnh của thế giới. Song từ khi container hóa và toàn cầu hóa ra đời, chúng ta được nghe và tiếp cận với hoạt động này thường xuyên hơn.

    Các tập đoàn vận tải đa quốc gia hay công ty xuyên quốc gia bắt đầu nghiên cứu tổng quát tình hình phát triển GTVT, giá cước hàng hóa và hành khách của một số đối tượng, đồng thời cũng nghiên cứu các phương thức vận chuyển, tuyến đường kinh doanh mang lại hiệu quả cao nhất… Việc vận dụng logistics phổ biến trong lưu thông phân phối không ngoài mục đích hạ giá thành từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng.

    Như vậy, muốn hoạt động logistics đạt chất lượng và hiệu quả cao, cần có sự quan tâm đúng mức đến hoạt động vận tải và ngược lại vận tải muốn có giá thành rẻ phải áp dụng triệt để logistics. Đó là hai mặt của một vấn đề mà người làm logistics không được quên.

    Ngô Lực Tải